Đăng ký thoát nghèo

ĐĂNG QUANG 02/11/2013 08:07

Một thông tin đáng chú ý từ cuộc họp của UBND tỉnh vừa mới tổ chức: thông qua Đề án thí điểm thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo để trình HĐND tỉnh. Dự thảo đề án đặt ra một số mục tiêu như: mỗi năm vận động khoảng 2.500 hộ nghèo/12.500 nhân khẩu tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững và không tái nghèo từ 3 năm trở lên kể từ năm 2013; Vận động 24 thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao (từ 30% trở lên) và  20 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (từ 15% trở lên) đăng ký đạt tiêu chuẩn và mức giảm nghèo vào cuối năm 2015; Đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh còn dưới 10%; Tăng cường cơ sở hạ tầng về sản xuất và dân sinh cho các thôn thoát nghèo, xã thoát nghèo để góp phần đạt tiêu chí nông thôn mới.

Vì sao phải vận động đăng ký thoát nghèo? Điều này hẳn có những lý do đáng phải suy ngẫm. Như một sự nhận diện về nguyên nhân hết sức “khó nói” là đã từng có trường hợp không muốn thoát nghèo, thậm chí “xin” được nghèo. Chính sách hỗ trợ người nghèo của Nhà nước bấy lâu nay có mặt tích cực rất lớn là giúp cho người muốn thoát nghèo có cơ hội đổi đời, vấn đề an sinh xã hội cũng được quan tâm. Tuy nhiên, cái phương cách giúp người nghèo cũng làm nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại. Bởi cái sổ hộ nghèo được ưu tiên khi cấp phát hàng hóa cứu trợ, được giúp xây nhà, chữa bệnh, đi học… Hệ quả của tình trạng không muốn thoát nghèo dẫn tới những con số đáng buồn, là Quảng Nam hiện vẫn còn 69.344 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17,93% so với tổng hộ dân toàn tỉnh, chưa kể còn 50.933 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 13,18%.

Tỷ lệ giảm nghèo mỗi năm rất chậm, chỉ giảm 2,97% so với năm 2011 (20,90%). Cái tỷ lệ này cũng cần ngẫm nghĩ để tìm nguyên do. Một anh bạn đồng nghiệp trong ngành báo chí cho hay ở làng anh chỉ có vài ba hộ nghèo vì già yếu, neo đơn. Vậy mà, không hiểu sao, thôn, xã cứ kê lên cả chục hộ, rồi cứ mỗi năm báo giảm một ít (để lấy thành tích chăng?). Nếu đúng như vậy, có lẽ cần phúc tra.

Trở lại với Đề án thí điểm thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo giai đoạn 2013 – 2015, sẽ có người mới nghe con số kinh phí thực hiện tưởng là lớn với khoảng 151,4 đồng. Thực ra, với con số hộ nghèo, cận nghèo vừa nêu, số tiền đó “như muối bỏ bể”. Sẽ là lớn nếu có phương cách hỗ trợ, khuyến khích hữu hiệu, bằng không tiền cũng tan chảy mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Điều quan trọng là làm cho người nghèo thực sự muốn thoát nghèo bằng lòng tự trọng và nỗ lực, đồng thời biết cách tiêu đồng tiền. Mặt khác, như ánh chiếu để tham khảo về cách hỗ trợ người dân thoát nghèo đó là Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên – tỉnh Quảng Nam. Mục tiêu dự án này hướng tới là nâng cao mức sống thông qua cải thiện cơ hội sinh kế ở các xã nghèo trong vùng dự án từ các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn bản; phát triển sinh kế bền vững; phát triển cơ sở hạ tầng kết nối; nâng cao năng lực và truyền thông. Dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2014-2019, tại 15 xã thuộc 3 huyện Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn (mỗi huyện 5 xã), với tổng vốn đầu tư 12,1 triệu USD (vốn vay của Ngân hàng Thế giới 11 triệu USD và ngân sách nhà nước đối ứng 1,1 triệu USD).

Thoát nghèo, câu chuyện để suy ngẫm không chỉ là việc vận động đăng ký thoát nghèo hoặc tăng cường đầu tư mà còn ở hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho người dân.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đăng ký thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO