Đảm bảo an toàn trong quy trình lao động nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với người lao động cũng như hệ lụy, mất mát để lại cho gia đình họ, góp phần sản xuất bền vững.
Khi tai nạn lao động xảy ra khiến gia đình ông Nguyễn Hữu Lý (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) mất đi người con trai. Người bị nạn là anh N.H.T. lao động chính trong gia đình, để lại hai người con đang học đại học và cha mẹ già. Bây giờ mọi việc trong nhà và chi phí lo cho 2 con học đại học chỉ còn dựa vào vợ anh T. là chị Lê Thị Trinh Nữ đi làm công nhân may.
Nhìn di ảnh con trai, ông Lý nghẹn ngào: “Con trai tôi mất đi để lại hai đứa con mồ côi. Con dâu tôi phải vất vả lắm mới lo được cho cả gia đình. Lúc con tôi qua đời do tai nạn, công ty có tới lo mai táng, hỗ trợ một phần. Không có mất mát nào lớn hơn, không có nỗi đau nào lớn hơn với gia đình tôi”.
Bị tai nạn lao động khi đang làm việc tại công ty, anh T.Q.T. (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh), dù được kịp thời đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng anh không qua khỏi.
Anh T. là lao động chính của gia đình, nuôi con nhỏ và cha mẹ già, vợ chỉ ở nhà nội trợ. Mẹ anh T. - bà Đặng Thị Phụng nói: “Con tôi qua đời khi mới 26 tuổi, bỏ lại cha mẹ già, vợ con. Bao nhiêu cũng không thể bù lại nỗi đau cha mẹ mất con, vợ mất chồng...”.
Tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào chỉ vì chút bất cẩn hay vì quy trình làm việc mất an toàn. Nhẹ hay nặng, tai nạn lao động đều để lại nỗi đau đi theo bản thân người bị nạn, gia đình nạn nhân.
Đâu đó trong quá trình làm việc, lỗi có thể của người lao động không tuân thủ quy trình làm việc an toàn hay doanh nghiệp không đảm bảo được quy trình làm việc. Thế nhưng sau cùng, hệ lụy vẫn là bản thân người lao động và gia đình họ gánh chịu.
Theo thống kê doanh nghiệp đã báo cáo về Sở LĐ-TB&XH, năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 289 vụ tai nạn lao động, làm 5 người chết, 29 người bị thương nặng.
Trong số 289 vụ tai nạn lao động, có 45 vụ do lỗi của người sử dụng lao động (chiếm 15,6%); 175 vụ do lỗi của người lao động (chiếm 60,5%), 69 vụ do nguyên nhân khách quan, khó tránh được (chiếm 23,9%). Các vụ tai nạn xảy ra đa số trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tai nạn lao động xảy ra thì dù nguyên nhân là do ai, do đâu cũng để lại nỗi đau lớn với người thân, gia đình. Thế nên bản thân mỗi lao động làm việc cần tuân thủ nghiêm quy trình an toàn lao động.
Mỗi doanh nghiệp đều phải đảm bảo quy trình làm việc an toàn, từ các công đoạn sản xuất cho đến thiết bị máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn đều phải đảm bảo.
Những con số về tai nạn lao động đã nêu ra ở trên, chỉ thống kê dựa trên một phần doanh nghiệp có báo cáo về Sở LĐ-TB&XH. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ việc báo cáo để cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi tình hình.