Đằng sau anh đồng đội xung phong

(Còn nữa) 25/07/2017 10:06

Tốt nghiệp đại học tổng hợp tôi được tập trung về trường huấn luyện. Cầm trên tay tờ chứng minh ghi rõ “Số hiệu quân nhân: 1.993.886 chiến trường B1, B46” tôi thật sung sướng vì từ nay mình đã thành người lính. Những người con của miền Nam đều khao khát được trở về quê hương. Còn với tôi, tôi khao khát được vào một chiến trường ác liệt nhất, nóng bỏng nhất để thử thách, điều mong muốn ấy chỉ ấp ủ trong lòng, vì những người con của miền Bắc đã ra trận, đâu cũng là mặt trận, chẳng ai có lý do gì để chọn chiến trường.

Con tàu đưa chúng tôi vào Nam chầm chậm chuyển bánh rời ga Hàng Cỏ, không người thân, không lời đưa tiễn, chỉ có những người Hà Nội chờ qua đường đưa tay vẫy theo bóng con tàu.

Sau khi chúng tôi vung hết gói kẹo Hải Châu xuống ngã tư Khâm Thiên về phía những người đứng chờ tàu qua, mấy chị sợ quá lấy nón che mặt. Tôi tự nói với chính mình: “Xin các chị đừng nghĩ chúng tôi là một đám kiêu binh. Rằng, đây là tình cảm của những đứa con sắp xa Hà Nội, xin được gửi lại chút ngọt bùi của tấm lòng thơm thảo cho người ở lại. Dù vẫn biết ở phía chân trời xa kia đạn bom, khổ đau, cay đắng đang chờ”.

Con tàu chở quân vào Nam chạy qua ngã tư Văn Điển, đồng đội tôi đã về chỗ ngồi, hát vang Bài ca Trường Sơn. Tôi đứng nép vào khoảng trống giữa hai toa tàu, áp mặt nhìn qua cửa sổ, Hà Nội lui dần về phía sau, một Hà Nội đang cùng chúng tôi lao lên phía trước. Như đang đứng trong khoảng không trọng lượng, tôi bỗng giật mình khi anh Hoàng Hởi (người cùng đoàn) đi qua phía sau, vỗ nhẹ vai tôi, cười: “Đã lại mơ Hà Nội dáng kiều thơm!”.

Từ bấy đến nay, nhiều đêm ngồi bên bàn làm việc, tôi vẫn thấy thoáng đâu đây những người mẹ ở vùng đông Thăng Bình gồng gánh con nhỏ trên đôi thúng chạy lên vùng núi Quế Sơn lánh càn sau ngày địch tái lấn chiếm. Những em bé bám trên lưng mẹ, quanh người chỉ choàng tấm áo rách. Suốt ngày đêm lúc nào cũng nghe tiếng bom rơi, đạn nổ, lúc thì nghe rộn lên như tiếng bắp rang, lúc thì thùng thình như hàng chục cối giã gạo chày đôi. Từng phút, từng giây đều có sự hy sinh, chết chóc. Đất không kịp khô nước mắt và máu người. Cũng có những túp lều bị địch đốt cháy mười bảy lần trong một tháng, người dân vẫn kiên trì trụ bám “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết giữ vững cơ sở cách mạng.

Một đêm, du kích mật đưa tôi đi phát động phong trào quần chúng nổi dậy ở vùng sâu, khi về đã 3 giờ sáng. Bà mẹ Quảng Nam vẫn ngồi một mình bên ngọn đèn dầu lờ mờ nghe ngóng, một tiếng nổ từ xa cũng làm mẹ giật mình thảng thốt. Khi biết chúng tôi trở về an toàn, mẹ vui mừng khôn xiết. Tôi nghe rất rõ câu nói của mẹ với người xã đội trưởng: “Tội nghiệp, thằng ấy, nó ở Hà Nội, chả có bà con, họ hàng ở đây sao mà nó thương dân mình dữ rứa”. Tôi vô cùng xúc động và xem đó như một lời động viên, một phần thưởng cao quý của người mẹ Quảng Nam, đó cũng là lời nhắc nhở với những người con trên quê hương của mẹ, và hơn thế nữa mẹ muốn tỏ lòng biết ơn các bà mẹ miền Bắc đã sinh ra những người con đang chiến đấu, giải phóng quê hương của mẹ.

Cuối tháng 5.1974 tôi về Tiểu đoàn 3, lúc đó tiểu đoàn vừa đánh trận ở Cấm Lớn, Trường Giảng. Với nhiệm vụ phái viên, tôi được bổ sung vào ban chỉ huy tiểu đoàn. Lúc đó Tiểu đoàn 3 đóng quân ở Điện Xuân (nay là xã Điện Hồng, Điện Bàn). Trước khi về Tiểu đoàn 3, tôi đã có vài lần làm việc, được tiếp xúc với Điện Bàn và thấy yêu quý mảnh đất này vì nhiều lẽ. Đây là mảnh đất ác liệt. Là vành đai áp sát Đà Nẵng. Là vùng đất mùa nắng xác xơ bãi bói, mùa mưa Gò Nổi hóa gò chìm. Con người nơi đây như thép như gang, được tôi luyện trong lửa đỏ và nước lạnh.

Ở Tiểu đoàn 3 phần đông chiến sĩ quê miền Bắc, ở nhiều tỉnh khác nhau, anh em sống với nhau như trong một gia đình, nhiều người đã chiến đấu trên đất này gần cả chục năm, họ xem Điện Bàn như là quê hương của chính mình, và người dân ở đây vẫn coi các anh như là con em của đất Điện Bàn. Chiến dịch thu 1974 mở ra, để phối hợp hoạt động ở trọng điểm của bộ đội chủ lực ở Nông Sơn - Trung Phước và Thượng Đức, Mặt trận 4 mở đợt hoạt động mạnh trên khắp chiến trường, lấy vùng A - B Điện Bàn làm trọng điểm.

Tiểu Đoàn 3 nhận lệnh đánh cứ điểm ngã ba Trùm Giao, có vị trí quan trọng nằm trên đường 100. Bộ đội địa phương của huyện từng đánh cứ điểm này vào mùa thu 1973 nhưng không thành. Một người bạn tôi đã mãi mãi nằm lại nơi này. Đó là anh Nguyễn Hồng (quê ở đội 7 Đại Đồng, Đức Long, Đức Thọ, Hà Tĩnh) bạn ở cùng phòng, cùng tổ 4, cùng lớp ở trường đại học, cùng vào trường huấn luyện, lên đường vào Nam cùng một ngày, cùng một hướng chiến trường.

Ngã ba Trùm Giao (hay còn gọi là ngã ba Cẩm Lý, nay thuộc địa phận xã Điện Hồng, Điện Bàn) là con đường nối liền Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Nắm được điểm chốt yếu đó, địch đã chọn ngã ba Trùm Giao làm nơi đóng quân, chốt chặn sự lưu thông của quân giải phóng từ Bắc chi viện vào Nam và ngược lại.

Các đơn vị tham gia trận đánh này gồm có Tiểu đoàn 3 bộ binh, một số đơn vị thuộc Tiểu đoàn 76 Hải Đà (lực lượng quân đội Hải Phòng tiếp viện cho Đà Nẵng), Trung đoàn Pháo binh 575 yểm trợ kèm theo lực lượng của Tiểu đoàn 1 tăng cường và bộ đội, chiến sĩ du kích địa phương Điện Bàn.

Sau nhiều đêm trinh sát, lắng nghe, chọn lọc các nguồn tin của cơ sở, lên phương án tác chiến. 14 giờ ngày 19.7.1974, ban chỉ huy tiểu đoàn có mặt tại sân chỉ huy để duyệt lại phương án lần cuối, báo cáo cấp trên và xin ý kiến trực tiếp của đồng chí Phan Hoan (Tư lệnh Mặt trận 4) đồng chí Lê Công Thạnh (Phó Chính trị Mặt trận đồng thời là Phó Chính ủy). Mọi phương án đều được vạch ra trên mặt đất.

Nhiệm vụ từng đồng chí trong ban chỉ huy được phân công rõ ràng, đồng chí Sang - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 làm chỉ huy trưởng, đồng chí An - Chính trị viên trưởng làm chỉ huy phó, đồng chí Bôi - Tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy mũi chủ công đánh lô cốt đầu cầu - mở cửa. Còn tôi chỉ huy phó 2, sau trận đánh sẽ không lên chiếm lĩnh trận địa mà phải quay về ngay trực chỉ huy sở, xử lý tình huống, tổ chức đưa quân đánh viện.

(Còn nữa)

ĐÌNH HIỆP
(Ký ức trận đánh Trùm Giao qua lời kể của ông Đỗ Văn Đông - nguyên Phái viên Quân khu 5, Chỉ huy phó trận đánh)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đằng sau anh đồng đội xung phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO