Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về “địa chỉ đỏ”
Cán bộ Ban Quản lý khu di tích căn cứ khu 5 giới thiệu các hiện vật, kỷ vật cách mạng đang lưu giữ. Ảnh: H.GIANG |
Giá trị không thể so sánh
Chiến tranh đã lùi xa, đời sống kinh tế của người dân trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Hiệp Đức - căn cứ cách mạng cuối cùng của Khu ủy khu 5 ngày càng khởi sắc. Đi cùng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, lãnh đạo địa phương còn quan tâm chú trọng đến công tác sưu tầm, phục chế và giữ gìn các giá trị lịch sử cách mạng của chiến trường khu 5. Trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến nay, tại Hiệp Đức đã có hơn 250 hiện vật, kỷ vật gốc có giá trị lịch sử, là minh chứng hùng hồn về một thời đấu tranh lửa đạn chống kẻ thù xâm lược trên mảnh đất khu 5 được những người làm công tác văn hóa bảo tàng, bảo tồn của địa phương dày công sưu tầm, gìn giữ. Đi cùng với đó là những câu chuyện về cuộc sống đời thường dung dị, về tình yêu đôi lứa lãng mạn của những người trong cuộc.
Tham gia hoạt động tại chiến trường khu 5, mà trực tiếp là chiến trường Quảng Đà, chiến sĩ, họa sĩ Lý Châu Hoàn đã dày công ký họa gần như trọn vẹn khí thế sôi sục, hào hùng trong cuộc đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược của quân và dân Quảng Nam. Hòa bình lập lại, trong hành trang của người lính khi trở về với đời thường là một tập ảnh ký họa dày hàng chục trang được nâng niu, giữ gìn cẩn thận. Nhận ra giá trị lịch sử của tập ảnh ký họa này, nhiều người đã hỏi mua với giá hàng trăm triệu đồng - một số tiền không nhỏ đối với gia cảnh khó khăn, thiếu thốn của người họa sĩ chiến trường năm nào. Tuy nhiên, giá trị của vật chất đã không thể đem so sánh với “giá trị đỏ” của một thời hoa đỏ. “Khi đoàn công tác sưu tầm của huyện bày tỏ nguyện vọng, bác Lý Châu Hoàn thốt lên: Vậy là tôi đã có thể giao tập ảnh trở về đúng địa chỉ của nó! Nhận tập ảnh bác tặng mà đoàn chúng tôi ai cũng rưng rưng xúc động không nói nên lời”- ông Trần Đức Ngọc, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích căn cứ khu 5 (Hiệp Đức) nhớ lại.
Những bức ký họa của họa sĩ Lý Châu Hoàn được trưng bày tại khu di tích.Ảnh: H.GIANG |
Hơn 37 năm trước, chiến tranh đã khiến bao gia đình phải xa cách cả về không gian lẫn thời gian. Trong hoàn cảnh ấy, những cánh thư là kênh liên lạc duy nhất của đôi vợ chồng trẻ Võ Thế Ái - Nghiêm Thị Tú. Những bức thư mà đi liền với lời bày tỏ tình cảm yêu thương là lời động viên nhau thi đua sản xuất, chiến đấu với niềm tin trọn vẹn về một ngày đoàn tụ khi đất nước thống nhất. Những cánh thư tình đậm chất lãng mạn cách mạng, là đại diện tiêu biểu cho ý thức hệ của thế hệ thanh niên thời bấy giờ. Đất nước thống nhất, gia đình sum họp, tài sản quý giá nhất của vợ chồng người cựu binh ngoài đứa con trai là hàng trăm bức thư tình viết trong thời lửa đạn được lưu giữ cẩn thận. “Tìm đến thăm gia đình bác Ái ở khu tập thể Thông tấn xã Việt Nam (Bạch Mai, Hà Nội), chúng tôi hết sức xúc động bởi cuộc sống bình dị của gia đình. Thời gian này người con trai duy nhất của vợ chồng bác Ái đang học Đại học Bách khoa Hà Nội khởi phát bệnh thần kinh do ảnh hưởng của di chứng phơi nhiễm chất độc hóa học từ cha khiến gia đình rơi vào cảnh khó khăn” - anh Nguyễn Nguyên Sa, cán bộ bảo tồn, bảo tàng huyện Hiệp Đức xúc động kể.
Kỷ vật và lời dặn của bác Năm Công
Ông Trần Đức Ngọc chia sẻ rằng, điều may mắn đối với những người làm công tác sưu tầm, tìm kiếm hiện vật, kỷ vật cách mạng của chiến trường khu 5 là được gặp bác Võ Chí Công tại nhà riêng ở TP.Hồ Chí Minh, được bác tặng những kỷ vật cách mạng quý giá của mình cùng với lời dặn dò. Ông Ngọc kể: “Năm 2008, tuy đã tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhưng khi nhắc đến những năm tháng đấu tranh cách mạng ở chiến trường khu 5, bác Năm Công sôi nổi hẳn. Bác ân cần cầm tay từng người trong đoàn dặn dò: Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, đồng bào địa phương đã hết lòng cưu mang, đùm bọc giúp đỡ cho cách mạng. Nay sống trong hòa bình, là thế hệ kế cận các chú phải phấn đấu, có trách nhiệm chăm lo cho đồng bào luôn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Trong số những kỷ vật bác Năm Công trao tặng cho đoàn khi ấy có cuốn “Nhật ký chiến tranh” ghi lại dấu ấn những trận đánh, nhận định tương quan lực lượng giữa ta và địch... Đây được xem là một trong số những kỷ vật quý nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của bác Năm Công, góp phần làm phong phú thêm “giá trị đỏ” trong kho tàng hiện vật, kỷ vật cách mạng của Hiệp Đức. “Mỗi hiện vật, kỷ vật cách mạng đều là những minh chứng hùng hồn của ký ức chiến tranh, có giá trị giáo dục to lớn đối với các thế hệ kế cận. Hàng trăm hiện vật, kỷ vật cách mạng được sưu tập, lưu giữ tại Khu di tích căn cứ khu 5 không còn là của riêng ai, là tài sản chung mang giá trị to lớn, nhắc nhớ về giai đoạn lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh” - ông Ngọc chia sẻ.
H.GIANG - PH.GIANG