Cán bộ đảng viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My cùng với các đảng viên cốt cán tại làng Nà Mít vận động khai hoang, phục hóa làm lúa nước, không lấn chiếm đất rừng làm rẫy, đem lại lúa thóc dồi dào cho đồng bào Ca Dong, góp phần giữ rừng hiệu quả.
Hỗ trợ theo kiểu “cầm tay chỉ việc”
Làng Nà Mít nằm dưới chân núi Hòn Bà (thuộc thôn 3, xã Trà Giác, Bắc Trà My), được bao bọc bởi những cánh rừng tự nhiên rộng lớn. Đồng bào Ca Dong sinh sống chủ yếu nhờ vào rừng và hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo.
Gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp như xâm chiếm đất rừng, phát nương làm rẫy, gây cháy rừng, thu hẹp diện tích rừng… vẫn còn tái diễn. Bởi vậy, công tác quản lý bảo vệ rừng ở vùng này gặp khó khăn, phức tạp.
Theo ông Châu Minh Ninh - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Bắc Trà My, làng Nà Mít có tiềm năng khai hoang, phục hóa làm lúa nước.
Nửa đầu tháng 3/2023, tại các buổi họp dân làng Nà Mít, tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, cán bộ đảng viên đơn vị đã triển khai mô hình dân vận khéo “Vận động nhân dân thực hiện khai hoang, khôi phục, mở rộng diện tích canh tác lúa nước, không lấn chiếm đất rừng để sản xuất lúa rẫy”, tổ chức cho dân làng ký cam kết thực hiện.
Với sự vào cuộc vận động trách nhiệm của các đảng viên như Bí thư Chi bộ thôn 3 Nguyễn Hồng Sơn; Trưởng thôn Phạm Xuân Bình; già làng, đảng viên Nguyễn Thanh Thưởng nên đã có 11 hộ dân trong làng đăng ký tham gia.
Với hiệu quả thiết thực, mô hình “Vận động nhân dân thực hiện khai hoang, khôi phục, mở rộng diện tích canh tác lúa nước, không lấn chiếm đất rừng để sản xuất lúa rẫy” của cán bộ, đảng viên BQL rừng phòng hộ Bắc Trà My được công nhận là mô hình dân vận khéo tiêu biểu cấp huyện năm 2023 và được UBND huyện Bắc Trà My tuyên dương, tặng giấy khen.
Tiếp đó, linh hoạt các nguồn nội lực khoảng 20 triệu đồng, BQL rừng phòng hộ Bắc Trà My thuê xe múc, huy động nhân công, vật lực hiện có tại đơn vị cùng dân làng ra quân khai hoang, phục hóa được khu đồng ruộng mới gần 1,14ha ở ven suối Xung. Đồng thời san múc, đắp chắn khe suối Xung làm đập dâng, đào hơn 100m kênh mương dẫn nước về tưới cho cánh đồng mới.
Giống lúa nước cao sản để gieo sạ được ngành nông nghiệp huyện và xã hỗ trợ. Những cán bộ có kinh nghiệm, kỹ thuật chuyên môn về làm lúa nước được phân công trực tiếp về Nà Mít ủ giống, xuống đồng cùng làm đất, xử lý phèn, sạ lúa, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh theo phương châm “vừa trình diễn, vừa cầm tay chỉ việc” cho người dân tham gia.
“Ngay trong vụ sản xuất đầu tiên hè thu năm 2023, năng suất thu về đạt khoảng 47 tạ/ha. Dân làng kéo đến tham quan và rất phấn khởi”- ông Ngô Quang Trung, cán bộ BQL rừng phòng hộ Bắc Trà My được phân trực tiếp hướng dẫn dân làng làm lúa nước, chia sẻ.
“Ban đầu mình nghĩ làm lúa nước không hề dễ dàng, nhưng được sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật nên việc thực hiện không khó. Mình khai hoang, gieo sạ hơn sào đất mà thu về được cả chục bao lúa, gấp bốn đến năm lần nếu làm lúa rẫy” - ông Nguyễn Xuân Thành, trưởng nhóm 11 hộ dân tham gia, cho hay.
Nhân rộng
Thành quả vụ sản xuất hè thu năm 2023 từ cây lúa nước giúp nhóm hộ ông Thành đón Tết Giáp Thìn 2024 no đủ. Nhận thức về sinh kế của dân làng vốn phụ thuộc vào nương rẫy giảm hẳn.
Trong năm 2023, những khu rừng quanh làng Nà Mít hơn 985ha không xảy ra cháy cũng như các vụ việc xâm lấn để lấy đất làm rẫy; nhiều diện tích rừng, nhất là rừng đầu nguồn được giữ nghiêm ngặt và dần phục hồi. Nguồn nước suối Xung cũng được hồi sinh cho dân làng tưới tiêu đồng ruộng và dẫn về làng sinh hoạt.
Đầu năm Giáp Thìn 2024, diện tích lúa nước ở đồng Xung đã được mở rộng hơn 6.000m2 và có thêm 10 hộ dân nữa tại làng Nà Mít tham gia.
Toàn bộ hơn 1,7ha lúa vụ đông xuân hiện đang tốt tươi, chuẩn bị ngậm đòng, hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu đến với dân làng nhờ được chăm bón đúng quy trình kỹ thuật.
Ngay sau kỳ nghỉ tết, Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng thôn Phạm Xuân Bình cùng cán bộ, đảng viên BQL rừng phòng hộ Bắc Trà My lại về khu suối Nứa, làng Hạnh Phúc, cách làng Nà Mít chừng 3km để vận động dân làng nhân rộng mô hình làm lúa nước. Bước đầu, đã có 13 hộ dân làng Hạnh Phúc đăng ký tham gia và được lập thành tổ hợp tác làm chung.
Đến nửa đầu tháng 3 này, có gần 1ha đất bỏ hoang được phát dọn thực bì để chuẩn bị khai hoang. Nguồn nước, hệ thống dẫn tưới cho cánh đồng mới đã có phương án.
Trong đầu quý II này, đơn vị tiếp tục huy động nhân công, thuê xe múc cùng với dân làng khai hoang ven suối Nứa để kịp canh tác vụ hè thu tới.
Theo ông Đinh Văn Linh - Chủ tịch UBND xã Trà Giác, địa phương có diện tích rừng tự nhiên lên đến hơn 5.989ha, nhiều khu dân cư khó tiếp cận, đời sống dân làng còn khó khăn.
“Sự tiếp sức, hỗ trợ của cán bộ, đảng viên BQL rừng phòng hộ huyện giúp dân làng Nà Mít, suối Nứa bước đầu nâng cao nhận thức, kỹ năng làm lúa nước, cải thiện đời sống và giảm thiểu đáng kể được tình trạng xâm hại rừng, giữ được nhiều diện tích rừng đầu nguồn... Chính quyền đoàn thể xã đang cùng vào cuộc tuyên truyền nhân rộng mô hình trong các thôn còn lại” - ông Linh nói.