Đàng xuống Bình Dương

LÊ TRÂM 03/03/2018 10:22

Đàng xuống Bình Dương mà cũng đích thị là… đường xuống Bình Giang. Hồi trước, đi theo ngõ ấy còn phải đi bộ, lội cát “rạc cẳng”, đi ba bước lùi hai bước chứ chừ cứ đi vô gần tới ngã tư Hà Lam, chỗ “ngã ba sát hạch” cho xe chạy “vô tư” một khúc đã thấy bảng chỉ dẫn đường xuống Bình Giang lẫn… đàng xuống Bình Dương ngay!

 Đàng xuống Bình Dương.Ảnh: LÊ TRÂM
Đàng xuống Bình Dương.Ảnh: LÊ TRÂM

Cỡ vài cây số là đến Cầu Sắt bắc qua sông Trường Giang bốn mùa chảy “lửng lơ”, nhiều khi chẳng thèm chảy luôn. Bên bờ tây là ngã tư mà quẹo trái là đường rẽ về Chợ Bà, qua khỏi Cầu Sắt thì đến Lạc Câu. Có chuyện rằng anh câu cá nọ nhà ở tận Dinh Chiêm chuyên đi câu cá bốn mùa. Chỗ “cắm cần câu” quanh năm của anh ta vốn là vùng sông nước Thu Bồn nên người ta gọi chết thành tên Câu Lâu (?). Bữa nọ, lần theo cơn mê cá, say thế nào đi mãi không thấy về, cả nhà sảng đớm tá hỏa tam tinh nháo nhào đi tìm. Cũng bảy ngày bảy đêm mới tìm thấy anh ta đang ngồi trầm tư bên khóm tre lẻ một đứng ven sông đúng chỗ… Bình Dương. Chỗ ấy, sau này mang tên… Lạc Câu là vì thế (?). Thôi thì dân gian truyền miệng nó cái mô típ chuyện như vậy! Ở đó, một cái làng, một cái chợ mang tên Lạc Câu, một nơi quen thuộc thường được nội và bà cố tôi nhắc tới. Hồi ấy, bà cố đi bán thuốc lá dạo quanh vùng này nên chuyện chi cũng biết (!).

Qua khỏi Cầu Sắt chạy xe dọc theo sông đến chỗ các trụ neo tàu và mấy cái chòi nuôi vịt thì đường tắc, đành phải quay lại nhưng cũng kịp ngắm một chiếc tàu sắt to bự neo ở đó, hình như đã neo từ rất lâu như minh chứng nơi đây từng một thời thênh thang sông nước. Quành xe lại chạy theo đường khác rồi cũng đến cái xóm nhỏ nằm sát bờ đông sông Trường Giang. Theo bảng chỉ dẫn treo bên đường tôi đi vào làng cố tìm cái đình Lạc Câu nhưng chịu, tìm không thấy. Ra là nơi ấy, theo như lời một cụ già có nhà gần đó, giờ chỉ còn lại cái nền và ngôi điện thờ nho nhỏ, chắc là mới xây dựng sau năm 1975 bởi hồi chiến tranh nơi này đã là “vùng trắng” trong nhiều năm trời. Cụ già bảo nhiều người ở đây muốn xây dựng lại ngôi đình rồi nhưng “không ai chịu đứng ra” nên thôi, mọi thứ vẫn đâu vào đấy.

Đoạn sông Trường Giang bị tắc nghẽn và con tàu lớn bị mắc cạn từ lâu.
Đoạn sông Trường Giang bị tắc nghẽn và con tàu lớn bị mắc cạn từ lâu.

Tôi từng nghe nhắc về ngôi đình này. Nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên chép về chỗ này như sau: “Cái bến mà các tàu quan hạng kéo ở bờ bắc sông Trường Giang thuộc làng Dục Túy ngày nay là ấp Hòa Bình xã Bình Giang. Bên kia sông là xã Lạc Câu, đình làng ngó ra sông, đình lớn, rộng nên nay vẫn gọi là Đình Trung, Bến Tàu tức là bên này xã Bình Giang, bên kia sông xã Bình Dương ngày nay thuộc quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Tín (cũ)” (Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên, trang 102). Trước đây, tôi hơi ngạc nhiên về vị thế của làng/đình Lạc Câu “nghe nói lớn lắm”, giờ thì đã rõ. Trước, vùng này từng có một cửa bể, tên gọi: cửa Khe Tân An “cửa sâu ghe bầu vào ra dễ dàng” (Nguyễn Bội Liên), mà hễ đến hết mùa đi biển thì các tàu/ghe bầu thường về đây để “kéo tàu quan hạng tức là cho lên để dọn”. “Dọn” theo nghĩa bây giờ là “tu sửa, nâng cấp” bao gồm: “xảm lại các đường be, trét dầu rái lại, tu sửa buồm chèo, mui phên lại” đến khi xong xuôi thì cho tàu/ghe “xuống nề” nghĩa là xuống nước để tiếp tục hải trình. Phía Bến Tàu là vậy tất nhiên việc buôn bán, đánh cá làm ăn hẳn là nhộn nhịp lắm. Nội cái việc có dầu rái để trét ghe đã phải có hẳn một “phường buôn” lên nguồn/xuống bể mới có để phục vụ công việc “trét dầu rái lại”. Thêm nữa, hồi ấy sông Trường Giang là “mạch máu thông thương” thay cho đường bộ của cả một dải rộng lớn ven biển kéo dài từ An Tân, An Hòa ra tận Cửa Đại. Dọc dài trên tuyến ấy là bao nhiêu cái chợ lớn như Tân An, Tam Kỳ, Chợ Được, Chợ Bà, Bàn Thạch, Nồi Rang… từng một thời nhộn nhịp khách thương hồ!

Tôi dạo quanh xóm. Những ngôi nhà đan xen nhau. Nhiều ngôi nhà làm sát bờ sông, có vườn rộng nhìn ra Trường Giang trông khá nên thơ, in hệt những ngôi nhà phía Tam Thanh trong kia giờ đã trở thành một địa chỉ du lịch nức tiếng cả nước. Thấy làng vắng vẻ, hiu quạnh không thể không chạnh lòng. Đâu rồi một thời quá vãng nhộn nhịp. Đâu rồi một cửa Khe Tân An một thời trên bến dưới thuyền? Đâu rồi mái đình Lạc Câu một thời nổi tiếng “đình làng ngó ra sông, đình lớn, rộng nên nay vẫn còn gọi là Đình Trung” ngày nào? Không khí nhộn nhịp đang diễn ra ở các xã vùng đông những ngày này chắc sẽ hứa hẹn một sự khởi sắc như con “đàng xuống Bình Dương” vừa mở rộng thênh thang.

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đàng xuống Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO