Ngư dân huyện Núi Thành đang gặp nhiều khó khăn khi khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ, cần sự vào cuộc đồng hành của các cấp, ngành.
Năm 2024, toàn huyện Núi Thành có 1.929 tàu thuyền đánh bắt trên biển và đạt tổng sản lượng 47.050 tấn hải sản các loại, vượt gần 3% so với kế hoạch năm và tăng 1,95% so với năm 2023.
Tổng giá trị sản lượng khai thác hải sản đạt hơn 2.763 tỷ đồng, tăng 163 tỷ đồng so với năm 2023. Tuy đạt kết quả khá cao, nhưng qua thực tế, tàu cá khai thác hải sản xa bờ ở Núi Thành gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Ông Trần Văn Phong - ngư dân xã Tam Quang chia sẻ: “Chúng tôi gặp khó trong việc mở rộng ngư trường đánh bắt hải sản do hành động nhũng nhiễu, gây khó của các tàu nước ngoài; có trường hợp bị đập phá tài sản như tàu ông Nguyễn Công.
Đặc biệt, khi tàu vào tránh bão ở bãi đá Bạch Quy, Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị xua đuổi. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền có giải pháp can thiệp”.
Một chủ tàu cá ở thôn An Hải Đông (xã Tam Quang) phàn nàn: “Việc quy định tàu cá lúc nào cũng phải ra vùng biển khơi để khai thác hải sản nhằm đảm bảo cho việc giám sát hành trình và gửi tin nhắn là chưa phù hợp.
Bởi vì khi trên đường ra khơi, chúng tôi có thể phát hiện luồng cá nổi ở vùng biển lộng, nhưng lại không được dừng lại để khai thác. Vì nếu khai thác là sai tuyến sẽ bị xử phạt. Đây là điều bất cập, gây khó khăn cho ngư dân. Đó là chưa kể khi máy giám sát hành trình bị trục trặc, tàu phải quay vào bờ sửa chữa thì mất cả phí tổn một chuyến biển…”.
Ông Hoàng Trung Phong - Trưởng thôn Sâm Linh Tây (xã Tam Quang) cho rằng, khoảng mươi năm nữa, nghề khai thác hải sản ở địa phương có khả năng suy giảm mạnh vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân nguồn thủy sản cạn kiệt.
Hiện nay, việc quy định người trên 60 tuổi không được ra biển hành nghề cũng gây nhiều trở ngại cho chủ tàu khi đi tìm lao động và qua thực tế tình trạng thiếu lao động biển đã xảy ra ở các xã vùng trọng điểm nghề cá của huyện Núi Thành.
Ông Huỳnh Thế Điểu - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang nói, ngành khai thác hải sản địa phương còn những bất cập và ngư dân đang gặp nhiều cái khó.
Tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, tạo tâm lý bất an cho ngư dân khi đánh bắt cá ở các vùng biển xa. Việc đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ, hậu cần nghề cá chưa tương xứng; giá cả đầu ra của hải sản không ổn định nên ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của ngư dân.
Các cấp có thẩm quyền nên có sự đầu tư, nghiên cứu tìm giải pháp tháo gỡ từng bước những cái khó để ngư dân tiếp tục vươn khơi đánh bắt hải sản xa bờ và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.