Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến đầu ra hải sản bấp bênh, giá cả xuống thấp, trong khi trữ lượng đánh bắt cũng giảm sút..., khiến ngư dân trong tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Bất ổn thị trường
Sáng 19.8, tàu cá QNa-91298 của ngư dân Huỳnh Văn Song (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cập bờ bán hải sản. Thu được gần 20 tấn cá nục, cá ngừ sau 25 ngày bám biển ở ngư trường Hoàng Sa, ông Song và 15 bạn biển kỳ vọng sẽ có nguồn thu nhập tương đối cao. Tuy nhiên, số cá trên chỉ bán được hơn 200 triệu đồng trong khi chi phí chuyến biển đã gần 200 triệu đồng nên cả chủ tàu lẫn bạn biển không có lãi để chia.
“Giá cá quá thấp, cá loại 1 chỉ bán được hơn 15 nghìn đồng/kg, cá loại 2 dưới 15 nghìn đồng/kg nên chúng tôi chỉ thu đủ bù chi. Tư thương cho rằng dịch bệnh Covid-19 khiến hải sản mất giá nên chúng tôi đành bán vậy. Tàu đã cập bờ thì không thể trữ cá lại cũng không thể bán cá ở tỉnh khác” - ông Song nói.
Bà Lê Thị Lai - chủ cơ sở thu mua hải sản Toàn Lai (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang) cho biết, chưa bao giờ đầu ra hải sản bất ổn như giai đoạn này. Các loại hải sản đều giảm giá hơn 50% so với trước khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát.
“Tôi bán hải sản cho thị trường nội địa và bán cho doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu nhưng cả 2 thị trường đều ách tắc. Với các mối làm ăn quen thuộc, chúng tôi phải mua hải sản khi chủ tàu cá cập bờ. Do chưa thể bán hết nên phải thuê kho đông lạnh bảo quản hải sản, chi phí rất cao” - bà Lai nói.
Cũng theo bà Lai, đội xe đông lạnh 7 chiếc chuyên chở hải sản cung cấp cho đối tác ở TP.Hồ Chí Minh hiện nay không thể hoạt động do mang biển kiểm soát tỉnh Quảng Nam - địa phương thuộc vùng dịch, do đó phải thuê đội xe của tỉnh khác nên chi phí đội lên khá cao...
Còn ông Phạm Tấn Vũ - chủ cơ sở kinh doanh hải sản ở thôn An Hải Đông (xã Tam Quang) cho biết, khi thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu đều gặp khó thì cả chủ vựa cá lẫn ngư dân đều chịu thiệt.
Đánh bắt khó khăn
Ngư dân Huỳnh Văn Diệp (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) - chủ tàu cá QNa-90745 cho biết, sau khi lệnh cấm đánh bắt 3 tháng rưỡi ở Biển Đông do Trung Quốc ngang nhiên áp đặt kết thúc ngày 16.8, tàu cá Trung Quốc từ đảo Hải Nam ồ ạt tràn xuống vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
“Trữ lượng hải sản ở các vùng biển xa ngày càng giảm sút. Tàu cá Trung Quốc ngày càng đông đảo, sản xuất tận diệt nên cá, mực ngày càng ít hơn. Sản lượng hải sản thu được ở các chuyến biển từ đầu năm đến nay đều ít hơn mức trung bình ở năm trước. Rất may là có sự hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước chứ không thì ngư dân sản xuất thua lỗ nặng” - ông Diệp nói.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cùng với sự hỗ trợ từ các lực lượng chức năng của nước ta như kiểm ngư, cảnh sát biển, khi đánh bắt hải sản ở các vùng biển xa, ngư dân nên nương tựa nhau theo mô hình tổ, đội đoàn kết, để tương trợ kịp thời khi gặp tai nạn, sự cố trên biển. Về trữ lượng hải sản giảm sút ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, ông Ngô Tấn cho hay, Bộ NN&PTNT đang giao trách nhiệm cho Viện Nghiên cứu hải sản khẩn trương điều tra nguồn lợi và áp dụng nhiều giải pháp hữu hiệu để tái tạo nguồn lợi.
“Trung ương đang đẩy mạnh công tác thu thập, cập nhật dữ liệu hải dương học nghề cá. Nhiều mô hình dự báo, bảo vệ, bổ sung nguồn lợi hải sản tiên tiến của thế giới đang được áp dụng sát với thực tiễn, kỳ vọng giúp ngư dân sản xuất tốt hơn trong thời gian đến” - ông Ngô Tấn chia sẻ.