(QNO) - Sáng nay 26/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị chuyên đề thảo luận, cho ý kiến về các nội dung theo chương trình công tác năm 2023 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.
Theo chương trình, hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với 3 nội dung: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện các Quyết định số 217 và 218, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 124, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 29, ngày 6/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác dân tộc trong tình hình mới. Thảo luận, thông qua Đề án nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Phát biểu khai mạc và gợi ý hội nghị thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đã đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong việc triển khai các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, làm phong phú hơn hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên địa bàn tỉnh.
Về kết quả thực hiện Chỉ thị số 29, theo đồng chí Phan Việt Cường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu rõ: Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong thời kỳ mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách. Trong đó, chỉ thị đặt ra 5 nhóm vấn đề, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, tổ chức CT-XH các cấp có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, đồng chí Phan Việt Cường đề nghị đại diện cấp ủy các địa phương cấp huyện tích cực thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm; đánh giá kết quả thực hiện các Quyết định số 217, 218 và Chỉ thị số 29, nhất là phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp khả thi nhằm tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện công tác dân tộc…
Đối với nội dung đề án được trình tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn xác định công tác dân vận trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của toàn Đảng bộ và của cả hệ thống chính trị.
Bám sát quan điểm đó và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xét thấy cần thiết phải ban hành đề án, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa của công tác dân vận trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 217, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức 3.957 cuộc giám sát chuyên đề tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, 18 huyện, thị xã, thành phố và 241 xã, phường, thị trấn. Các tổ chức CT-XH trong tỉnh đã tổ chức 6.576 cuộc giám sát.
Về hoạt động phản biện xã hội, trong 10 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức phản biện xã hội 1.326 cuộc; các tổ chức CT-XH trong toàn tỉnh tổ chức 3.443 cuộc.
Theo bà Dung, sau các hội nghị lấy ý kiến góp ý, phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH các cấp tổng hợp, ban hành 5.167 văn bản kiến nghị (3.958 văn bản kiến nghị sau giám sát và 1.209 văn bản kiến nghị sau phản biện xã hội).
Phần lớn ý kiến, kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp được cấp ủy, chính quyền giải quyết và trả lời bằng văn bản (3.899/5.167 văn bản kiến nghị được tiếp thu, trả lời, đạt tỷ lệ 75,45%).
Về kết quả thực hiện Quyết định số 218, báo cáo cho biết, hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH và nhân dân tham gia tích cực với nhiều hình thức như: góp ý trực tiếp, góp ý qua hòm thư, qua công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, tham gia đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân.
Theo đó, đã chủ trì, tổ chức lấy ý kiến tham gia của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, các tổ chức thành viên, các ngành liên quan, các cá nhân tiêu biểu và nhân dân đối với 4.304 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Định kỳ, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức CT-XH cùng cấp tổ chức góp ý bằng văn bản đối với tập thể ban thường vụ cấp ủy cùng cấp trước khi kiểm điểm cấp ủy hằng năm và kết thúc nhiệm kỳ; phản ánh 6.287 ý kiến, kiến nghị đến HĐND, UBND các cấp đề nghị xem xét, giải quyết.
“Đa số nội dung kiến nghị phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, được dư luận quan tâm hưởng ứng. Qua đó đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước” - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung cho biết.