Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương: Tạo động lực thi đua

TRỊNH DŨNG 23/08/2018 02:32

Sáng qua 22.8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch khảo sát và công bố bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI). Kế hoạch này kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của Quảng Nam.

Quang cảnh hội nghị.Ảnh: T.D
Quang cảnh hội nghị.Ảnh: T.D

Vận hành

DDCI 2018 chính thức được vận hành. Sẽ có khoảng 1.100 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh triển khai đầu tư dự án tại Quảng Nam có sử dụng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành, địa phương trong vòng 5 năm qua sẽ chính thức tham dự vào cuộc khảo sát, điều tra.

Qua đó đưa ra kết quả đánh giá về năng lực của 18 chính quyền địa phương và 20 cơ quan công quyền có chức năng, nhiệm vụ gắn trực tiếp tới các lĩnh vực liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chú trọng đến những lĩnh vực đang có chỉ số thành phần PCI thấp, cần tập trung cải thiện.

TS.Nguyễn Văn Hùng - Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng (đơn vị tư vấn) cho hay, sau hơn 10 tháng (kể từ tháng 9.2017), đơn vị đã xây dựng bộ chỉ số, mở nhiều cuộc tọa đàm, lấy ý kiến, tập huấn, tuyên truyền cho các doanh nghiệp, lấy mẫu thử 50 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, HTX. Kể từ hôm nay, sẽ chính thức khảo sát, điều tra, xử lý thông tin số liệu, xây dựng báo cáo tổng kết kết quả khảo sát, tính điểm số và xếp hạng năng lực cạnh tranh, trình UBND tỉnh phê duyệt và tháng 3.2019 sẽ chính thức công bố kết quả đánh giá DDCI 2018.

Ngày 20.7.2018, UBND tỉnh ban hành bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Cụ thể, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động của lãnh đạo, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (chính quyền điện tử) và đào tạo lao động. 18 huyện, thành phố, thị xã cũng được đánh giá và xếp hạng theo 10 chỉ số thành phần trên nhưng có thêm một chỉ số thứ 10, đó là chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.

Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, chỉ số PCI đã xếp hạng các tỉnh về môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng nếu không có DDCI, sẽ không biết được những ưu, khuyết ở cơ quan nào nên khó khắc phục. Công cụ này giúp cụ thể hóa, địa chỉ hóa những vấn đề, lĩnh vực tích cực, hạn chế, một nguồn thông tin hữu ích cho việc đánh giá lại một số chính sách liên quan đến doanh nghiệp, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương để đưa ra những quyết sách hợp lý, đồng thời có cơ sở đưa ra những chỉ đạo, giám sát việc thực thi chủ trương, chính sách của các sở, ngành, địa phương.

Động lực cải thiện

Tại hội nghị triển khai DDCI tổ chức vào sáng qua 22.8, nhiều ý kiến của đại diện sở, ban, ngành hay địa phương đều cho rằng liệu cuộc điều tra này có đủ tính thuyết phục về độ xác thực hay không?

Ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng địa phương hay sở, ngành đều băn khoăn khi cuộc đánh giá tùy thuộc vào từng đặc thù của địa phương, cơ quan. Ngoài ra, dù biết bộ chỉ số này lần đầu tiên đem ra đánh giá, cần phải có thời gian hoàn thiện, nhưng số lượng doanh nghiệp được điều tra ấy (1.100/6.993 doanh nghiệp) có thể đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp hay không?

Thực tiễn PCI trên cả nước nhiều năm qua cho thấy nhiều địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Quảng Ninh… sau khi triển khai DDCI đã được doanh nghiệp chấm điểm tốt.

So với các địa phương không đánh giá DDCI chỉ tăng 0,23 điểm thì điểm số trung bình PCI của những địa phương này đã tăng từ 1,21 điểm trở lên.

Điều quan trọng hơn, DDCI đã chính thức được Chính phủ xem như thêm một giải pháp để các địa phương kiện toàn môi trường đầu tư, kinh doanh.

“Triển khai đánh giá DDCI là cần thiết để góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI. Không đơn thuần chấm điểm, xếp hạng, bộ công cụ này còn chỉ ra cụ thể điểm mạnh, yếu, đưa ra những giải pháp, khuyến nghị giúp cho cơ quan công quyền nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Quan trọng hơn, hiệu ứng của DDCI không phải lúc công bố mà “hậu công bố” có tạo động lực thúc đẩy cải cách bằng những sáng kiến, giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn không?” - ông Quang nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng tốc độ cải thiện chỉ số PCI Quảng Nam vẫn chưa đạt ngưỡng mức điểm tối ưu. So với thang điểm 100 vẫn còn khoảng cách khá xa. Điểm số và thứ hạng PCI tăng, giảm không đều do các sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính được triển khai quyết liệt ở cấp tỉnh, nhưng nhiều cơ quan quản lý, chính quyền huyện, xã chưa chuyển biến tích cực, chưa chủ động thực thi.

“DDCI được kỳ vọng như một công cụ “truyền lửa” cải cách mạnh mẽ từ tỉnh xuống cấp sở, ngành, địa phương. Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo chuẩn mực đối với chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền. Cơ hội này để nhận diện, tự soi, tự sửa và khắc phục cho được những mặt hạn chế, thiếu sót trong quá trình hoạt động. Sẽ tạo ra động lực thi đua sôi nổi, cạnh tranh lành mạnh về chất lượng điều hành kinh tế giữa các cơ quan công quyền. Đây cũng là kênh thông tin rất đáng tin cậy để doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến cụ thể với cơ quan quản lý, chính quyền địa phương” - ông Tân nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương: Tạo động lực thi đua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO