Đánh giá tác động trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn

VĨNH LỘC 20/04/2017 08:28

Nhận diện thách thức, đánh giá nguyên nhân, chia sẻ nguồn nước… trên lưu vực Vu Gia, Thu Bồn là những nội dung chính của hội thảo “Đánh giá toàn diện những tác động trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn” do Sở TN&MT phối hợp với Sở TN&MT TP.Đà Nẵng vừa tổ chức tại Tam Kỳ.

Thách thức vùng hạ du

Lưu vực Vu Gia - Thu Bồn có diện tích khoảng 10.350km2, là lưu vực sông lớn thứ 2 so với các lưu vực sông khác cùng nằm phía sườn đông dãy Trưởng Sơn. Tính đến năm 2015, dân số trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn ước gần 1,94 triệu người, chiếm khoảng 80% dân số toàn tỉnh. Hiện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn có 42 dự án thủy điện đã được phê duyệt, tổng công suất 1.606MW, điện lượng trung bình 6.199 triệu kWh/năm. Ngoài ra, còn có khoảng 820 công trình thủy lợi như hồ chứa, trạm bơm và đập dâng. Nghiên cứu cho thấy, thời gian qua lưu vực Vu Gia – Thu Bồn bị chịu nhiều tác động gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực từ kinh tế, đời sống văn hóa xã hội đến môi trường.

Những tác động từ phía thượng nguồn đều ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh kế của người dân khu vực hạ du Vu Gia - Thu Bồn.Ảnh: V.LỘC
Những tác động từ phía thượng nguồn đều ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh kế của người dân khu vực hạ du Vu Gia - Thu Bồn.Ảnh: V.LỘC

Trong đó, lĩnh vực môi trường đang đối diện một số vấn đề như ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm; hiện tượng lũ lụt vào mùa mưa và bồi lắng, xâm nhập mặn vào mùa khô ở hạ du. Qua theo dõi, nguồn nước hạ lưu Thu Bồn vào mùa khô giảm khá mạnh, chỉ đáp ứng được 55% nhu cầu tưới tiêu. Đất nông nghiệp bị suy thoái, sạt lở bờ biển, bờ sông ngày càng tăng về số lượng và quy mô tại các địa phương như Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An.

Ông Trần Ngọc Văn - Trưởng phòng Nước và khí tượng thủy văn (Sở TN&MT) nhìn nhận, trong những vấn đề môi trường thì nhiễm mặn đang là vấn đề nan giải đối với phần hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn. Ngoài ra, vấn đề ngập lụt vùng hạ du Vu Gia – Thu Bồn do những tác động từ phía thượng nguồn hay ảnh hưởng của cấu trúc địa hình và biến đổi khí hậu… cũng gây tác động nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội các vùng hạ lưu 2 dòng sông. “Để xử lý những thách thức trên, theo tôi, mục tiêu của hai địa phương là cần tập trung phối hợp vào việc xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án mang tính chất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bảo vệ tài nguyên nước, chống xâm mặn lưu vực. Đặc biệt, trong quá trình triển khai các chương trình, dự án cần phải xem xét, lồng ghép các yếu tố của lưu vực và biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” - ông Văn kiến nghị. 

Chia sẻ nguồn nước

Theo ông Hoàng Thanh Hòa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, trong các nguyên nhân gây ảnh hưởng đến vùng hạ lưu thì tác động của con người là chủ yếu, nhất là trong việc xây dựng các công trình dân sinh. Thực tế cho thấy, ngoài hệ thống thủy điện phía thượng nguồn thì việc quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông ở hạ du như xây đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quốc lộ 14B, nâng cấp quốc lộ 1, xây dựng các đường tránh khu đô thị (đường tránh Nam Hải Vân, đường tránh Vĩnh Điện…) hay quy hoạch các khu đô thị mới (đổ đất san lấp mặt bằng, tăng cốt nền…) đều gây nên tình trạng ngập úng vào mùa mưa lũ. Đặc biệt, việc ngăn dòng, xây dựng thủy điện đã khiến dòng nước khu vực hạ lưu thuộc Đà Nẵng bị thiếu hụt. “Thủy điện Đăk Mi 4 khi vào vận hành phát điện đã chuyển toàn bộ lượng nước trong mùa khô của sông Đăk Mi (sông Cái) về sông Thu Bồn. Chưa kể, sông Vu Gia ở đoạn trung lưu lại chia nước về sông Thu Bồn qua sông Quảng Huế (tỷ lệ trung bình trước đây là 20% - 80% nhưng nay tỷ lệ phân chia này đã là 40% lượng nước sông Vu Gia đổ về Thu Bồn) gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cho vùng hạ du Đà Nẵng vào mùa khô” - ông Hòa dẫn chứng. 

Cũng theo ông Hòa, do sông Vu Gia bị thiếu nước khiến sông Vĩnh Điện cũng bị thiếu nước và nhiễm mặn. Cùng với đó, việc Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam đắp đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện (là sông liên tỉnh) càng làm tăng thêm mức độ nhiễm mặn của sông Vu Gia gây ảnh hưởng đến sông Cầu Đỏ nơi có nhà máy nước của Đà Nẵng. “Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn là hệ thống sông liên tỉnh, nên bất cứ hoạt động của ngành, địa phương nào tác động đến hệ thống sông này cũng đều ảnh hưởng đến địa phương khác trên toàn lưu vực. Do đó, sở NN&PTNT 2 địa phương cần phối hợp xây dựng phương án điều tiết nước giữa sông Vu Gia và Thu Bồn nhằm đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ du. Đồng thời cũng cần báo cáo Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT để lựa chọn phương án đầu tư hợp lý tại các điểm chia nước ở ngã ba sông Ái Nghĩa - Quảng Huế (tại Ái Nghĩa) và ngã ba sông Thu Bồn - Vĩnh Điện (tại Câu Nhí)” - ông Hòa đề xuất.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, không nhất thiết phải phân tích những ảnh hưởng nữa vì đã mang tính lịch sử, mà chỉ nghiên cứu xác định những vấn đề vướng mắc cụ thể cũng như cách thức để bắt tay vào xúc tiến triển khai dự án ngay. “Vì thời gian, nguồn lực cũng như công cụ phân tích của dự án có hạn, do đó không thể giải quyết hết các nhóm vấn đề. Vì vậy, chỉ nên xác định các vấn đề mang tính liên vùng cả 2 địa phương cùng quan tâm và có thể cùng nhau thảo luận đi đến thống nhất phương án trong khuôn khổ dự án, nhất là thảo luận, thống nhất các hình thức tham gia của cộng đồng trong quá trình đàm phán giải quyết các vấn đề liên vùng cũng như sẽ lựa chọn các phường, xã của 2 địa phương để đánh giá tác động và nâng cao năng lực để địa phương tham gia đối thoại liên vùng nhằm xúc tiến triển khai trong thời gian tới” - ông Viễn nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đánh giá tác động trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO