Lương Trọng Hối là một danh sĩ yêu nước thương dân, một nhà khoa bảng có nhân cách và tấm lòng, là một danh y tài giỏi của đất Quảng. Cuộc đời cụ là tấm gương sáng về lòng nhân hậu, với lối sống giản dị, liêm khiết giúp đời, đáng để cho các thế hệ sau, nhất là các thầy thuốc, lương y học tập.
Lương Trọng Hối sinh năm Mậu Tý (1888) tại làng Đồng Thành thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn ngày nay. Cụ là người con thứ 5 của ông Lương Trọng Tuân, làm quan ở Bộ công dưới triều Thành Thái.
Năm Nhâm Thìn (1892) lúc mới 5 tuổi, Lương Trọng Hối đã bắt đầu học chữ Nho, đến năm Ất Tỵ (1905), 18 tuổi tham gia phong trào Duy tân. Năm Mậu Thân (1908), vì tham gia phong trào chống thuế, Lương Trọng Hối bị bắt giam tại Hội An. Đến cuối năm, được trả tự do Lương Ngọc Hối tiếp tục rèn luyện chữ Hán và ra Huế tìm hiểu tân học và học tiếng Pháp.
Năm 1916 triều Khải Định tổ chức khoa thi Hương cuối cùng, Lương Trọng Hối đã đỗ Cử nhân, đứng thứ 2 trong 12 cử nhân cùng khoa. Sau đó theo lời khuyên của gia đình cụ vào học trường Hậu bổ năm 1918.
Đỗ đạt và làm quan
Năm 1921 học xong ở trường Hậu bổ, Lương Trọng Hối được bổ chức Tri phủ ở Hàm Tân, Hòa Đa thuộc tỉnh Bình Thuận và Mộ Đức, Đức Phổ thuộc tỉnh Quảng Ngãi, rồi đến huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định.
Trong thời kỳ làm quan ở các tỉnh miền Trung, Lương Trọng Hối là vị quan liêm khiết và công chính, luôn luôn bảo vệ quyền lợi của người lao động và có thái độ cứng rắn trước quan cai trị Pháp.
Người ta nhận xét rằng ở phủ Bồng Sơn có quan Tri phủ là người khoa bảng theo đúng thuyết nhân trị của thánh hiền, thường dùng hết thì giờ trong cuộc ngao du của mình để xử nhiều vụ kiện rắc rối. Quan vừa xem mạch vừa cho đơn thuốc, vừa lấy lời hơn lẽ thiệt để khuyên nhủ bên bị, bên nguyên, hòa giải nhân tâm. Nhân cách, đức độ của Lương Trọng Hối được mọi người cảm mến, kính phục.
Do đức tính thanh liêm, lại hết lòng yêu dân, yêu nước Lương Trọng Hối không những được nhân dân ngưỡng mộ tôn kính, mà còn được triều đình Huế tín nhiệm, giao cho những chức vụ cao. Năm 1937 Lương Trọng Hối được thăng Tá lý Thị lang rồi Tham tri Bộ Lại.
Năm 1944 Lương Trọng Hối nghỉ hưu về quê vui cảnh thôn dã và chữa bệnh giúp dân. Cụ đem tất cả thời gian và tài năng để nghiên cứu y học cổ truyền dân tộc. Tiếng lành đồn xa cụ được người mọi nơi đến mời đi xem bệnh và xin đơn thuốc để chữa trị những bệnh khó.
Do đức tính thanh liêm và lòng tôn kính của nhân dân đối với cụ, năm 1945 Nội các Trần Trọng Kim mời cụ ra làm Tuần vũ ở Quảng Ngãi. Trong thời gian cụ giữ chức vụ có một sự kiện lịch sử: ông Trần Tống người Quảng Nam lúc đó là Xứ ủy Trung Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương đang lãnh đạo Mặt trận Việt Minh ở Quảng Ngãi, bị bọn tay sai của phát xít Nhật phát hiện, bắt và chuyển về Dinh Tuần phủ Quảng Ngãi để xử trí.
Cụ Lương Trọng Hối đã hiểu rõ vai trò quan trọng của ông Trần Tống đối với cách mạng Việt Nam nên tìm cách để phóng thích. Chính vì vậy mà sau cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 thành công ở Quảng Ngãi, ông Trần Tống đã tự mình đưa ô tô về dinh tuần phủ để mời cụ Lương Trọng Hối và đưa thẳng về nhà ở Quế Sơn nhằm bảo vệ cho cụ.
Ngoài ra trong thời gian làm tuần vũ ở đây cụ đã thả rất nhiều tù nhân cách mạng, tán trợ người yêu nước, chở che cho dân lành nên dân chúng rất ngưỡng phục.
Sau Cách mạng Tháng 8, từ 1945 - 1951, Nhà nước đã mời cụ giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Cũng trong những năm này cụ còn được mời làm Chủ tịch Hội Đông y dược cùng các bạn lương y của cụ. Các y sinh của cụ hiện nay đã cao tuổi, nhiều cụ đã mất, nay ở Tam Kỳ chỉ còn Lương y Nguyễn Văn Tư ở phường An Mỹ và Lương y Đinh Cao Thạch ở xã Tam Phú.
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm vốn là đồng liêu của cụ dưới thời Nam triều rất tôn kính cụ, đã mời cụ tham gia Quốc hội khóa 1959 -1963. Nể tình bằng hữu cụ nhận lời với điều kiện không giữ chức vụ liên quan hoạt động chính trị. Từ năm 1961 cụ giữ chức Phó Viện trưởng viện Hán học Đại học Huế. Cụ đã dạy Hán văn và để lại những ấn tượng sâu sắc về tài năng và đạo đức của người thầy cho nhiều thế hệ học sinh.
Một danh y yêu nước thương dân
Hơn 40 năm với nhiều chức vụ, cụ Lương Trọng Hối vẫn dành thời gian nghiên cứu thuốc trị bệnh, không chỉ là một nhà Nho mà còn là một danh y am hiểu sâu sắc về cây thuốc, về châm cứu, chẩn mạch, kê đơn chữa bệnh cứu người. Cụ đã biên soạn và cho xuất bản cuốn “Thương hàn trị liệu” và “Cây thuốc Nam”.
Năm 1958 cụ có dịp sang Đài Loan nghiên cứu về Đông y, khoa châm cứu. Cụ đã biên soạn sách châm cứu bằng chữ Quốc ngữ dày 400 trang bản thảo. Tiếc rằng sách của cụ viết ra trong lúc cụ khó khăn về tiền bạc, việc in ấn cũng vất vả nên chưa có ấn bản.
Trong suốt cuộc đời vừa tham gia quan trường, với đức độ yêu nước, thương dân, cụ kết hợp giữa Nho và y để chữa bệnh cho dân nghèo, vì vậy mà nhân dân khắp nơi rất biết ơn cụ. Họ tôn vinh cụ như một danh y với nhiều giai thoại để lại về tài chữa bệnh cứu người.
Người đời đã ca ngợi phẩm chất nhà Nho và tài làm thuốc của cụ Lương Trọng Hối như sau: “Phẩm dự Nho thanh, tu dĩ chánh nhân tư chánh học; tài quan thế tụng, bất như lương tướng đắc lương y”. Dịch nghĩa như sau: “Phẩm chất tốt, có tài, hết lòng tu dưỡng bản thân, chăm lo đào tạo; tài trí cao, có vị thế quan trọng trong quan trường, không làm vị tướng giỏi cũng làm thầy thuốc hay”.
Năm 1963 thôi làm việc ở Viện Hán học Huế, cụ về an dưỡng tại Đà Nẵng (số nhà 51 đường Khải Định) và mất tại đây ngày 11.4.1969, hưởng thọ 82 tuổi. Cụ để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn hữu, các học trò và mọi người biết đến cụ ở mọi nơi. Mộ của cụ ở tại làng Đồng Thành, nhà thờ của cụ và ông bà ở số 8/100 đường Lý Tự Trọng ở Đà Nẵng.
Khi cụ qua đời bạn bè thân thiết đã phúng điếu cụ câu đối chữ Hán:
Thanh bạch khâm hoài minh nguyệt chiếu
Sơ hương đình viện sảng phong nghinh.
Gia đình tạm dịch:
Lòng người trong trắng trăng soi sáng
Nhà nhỏ làng sơ gió đón mừng.