Mỗi khi lần giở, lướt qua những cuốn sách cũ là lại thêm một lần được thư giãn cùng sách, để thấy mình vẫn còn có một chốn riêng ấm áp, đầy tin cậy để sẻ chia...
Sống lại kỷ niệm văn chương
Thường cứ đôi ba tháng hoặc nửa năm, tôi lại dọn dẹp, sắp xếp lại kệ và tủ đựng sách của mình, vừa tạo sự ngăn nắp và cũng là dịp ôn lại những kỷ niệm cùng sách.
Như khi lật xem trang đầu tập thơ mi ni “Thơ tình Lê Minh Quốc”, đọc dòng chữ đề tặng được viết khá bay bướm của tác giả, nhớ ra mình được gặp nhà thơ Lê Minh Quốc lần đầu là vào năm 2005, tại tòa soạn Báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh.
Xem lại loạt sách của cố nhà văn - nhạc sĩ tài hoa Vũ Đức Sao Biển, đọc lời đề tặng của ông, mới nhớ mình may mắn được gặp và ngồi cùng ông ít nhất 7 lần, trong đó có 5 lần ở Quảng Nam và 2 lần ở TP.Hồ Chí Minh...
Cũng từ sách cũ, những cuộc gặp đầy màu sắc văn chương, có cả niềm vui và sự chạnh lòng cùng các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Chí Trung, Lệ Thu, Cao Duy Thảo, Thanh Quế, Hoàng Minh Nhân, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Hoàng Thu, Lê Văn Ngăn, Thanh Thảo, Nguyễn Bá Thâm, Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh, Nguyễn Bảo, Đỗ Viết Nghiệm,... lại hiện về, mồn một, lung linh, sống động.
Như với cố thiếu tướng - nhà văn Nguyễn Chí Trung, tôi được gặp và trò chuyện cùng ông 3 lần và lần nào cũng thấy ông... khóc. Trong đó, khóc nhiều nhất là lần ông khoe cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình - “Tiếng khóc của nàng Út”.
Ông bảo, những giọt nước mắt nhớ nhung, sẻ chia của ông là dành cho nhân dân rộng lượng thủy chung, cho đồng đội kiên trung quả cảm và cho những bi thương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ...
Đánh thức ký ức đọc
Khi đọc sách, tôi có thói quen dùng bút dạ đánh dấu vào những chỗ, những câu, những đoạn mình thích, mình tâm đắc. Khi không có bút dạ, tôi đánh dấu bằng cách gấp một góc trang sách ấy lại. Theo thời gian, giữa kho sách cả mấy trăm cuốn, không thể nào nhớ mình đã “đánh dấu” vào chỗ nào, về nội dung gì.
Chỉ khi ngồi sắp xếp lại tủ sách, thử mở một cuốn ngẫu nhiên là lại gặp những chỗ mình đã từng đánh dấu. Như đoạn văn trong tùy bút “Quanh chợ Gò Dê” in trong tập “Rơi một nốt trầm” của nhà văn Lê Trâm, tôi đánh dấu vì Gò Dê là một chốn quen của tuổi thơ tôi với những ký ức đẹp, xa ngái và ám ảnh, trong đó có tiếng còi tàu lửa: “Ngày ấy nơi đây còn nhiều cây hoang cỏ dại và vùng đất còn rất vắng vẻ, hoang sơ khác xa với bây giờ. Nhưng ở đó cũng có được một ngôi chùa nhỏ lưu dấu sự tồn tại lâu đời của vùng đất cận sơn: chùa Hòa Mỹ. Có chăng là tiếng còi tàu lửa ngẫu nhiên cất lên mỗi lần chạy qua vùng bán sơn địa hẻo lánh này”.
Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà tôi sưu tầm được gần hết sách của ông và những chỗ được đánh dấu cũng nhiều vô kể. Và đây là một câu văn được đánh dấu “đậm”, bằng một cái gấp dọc nguyên cả trang sách chứ không chỉ gấp một góc nhỏ như những trường hợp khác, có lẽ vì thấm thía trước câu văn nhẹ nhàng mà đầy triết lý: “Để sống tốt hơn, đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn” (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ).
Hay như trong tập “Khói bay về trời” của Duy Hiển, tôi đã đánh dấu và đã mở ra đọc lại nhiều lần đoạn văn sau đây (trong bút ký “Điều không cần nhớ”), vì sự đồng cảm trước những gửi gắm của tác giả: “...Không mấy ai còn biết ở đấy từng đứng lù lù mấy khối bát giác gớm ghiếc, những thứ chỉ để giết người. Cõi đời này vốn vậy, có những thứ không cần phải nhớ, nhưng có những thứ không được phép lãng quên”.
Ký ức đọc, những kỷ niệm văn chương được đánh thức, đôi khi còn vì những chuyện tình cờ. Có lần nhận được cuộc gọi của nhà thơ Ngân Vịnh, chưa phải lúc sắp xếp lại tủ sách nhưng tôi vẫn xáo ra, tìm sách của ông. Và đây là một trong số những bài thơ trong tập “Những ngọn gió khuya” của ông được tôi đánh dấu với nhiều xúc cảm: “Ngày xa lòng nặng nỗi quê/ Tôi đi gió bấc tôi về heo may/ Thương quê thương lát gừng cay/ Cọng rơm khô xác, luống cày ải phơi” (Nỗi quê)...
Lục lọi, sắp xếp lại tủ sách, lướt qua những cuốn sách cũ, để sách không thiếu vắng hơi tay người; để gặp những kỷ niệm đẹp cùng sách, cùng chữ nghĩa...