Bảo tàng Điện Bàn là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với địa phương nhưng chưa khai thác hết các hoạt động dịch vụ bổ trợ. Trong khi đó, TP.Hội An lại ngày càng “hái ra tiền” từ các dịch vụ bổ trợ bảo tàng. Sự “trái ngược” ấy đặt ra cho cơ quan chủ quản cần phải triển khai thực hiện giải pháp mới đối với các bảo tàng địa phương...
Nhìn từ Bảo tàng Điện Bàn
Gần ba chục năm nay, một ngày làm việc của chị Đinh Thị Hiệp - người phụ trách Bảo tàng Điện Bàn, bao gồm rất nhiều việc. Từ dọn dẹp vệ sinh phòng ốc, khu trưng bày đến giới thiệu hiện vật, nếu có khách tham quan. Những lúc có đoàn khảo cứu đến sưu tầm hiện vật trên địa bàn huyện, chị Hiệp lại theo chân các đoàn đi thu thập cứ liệu. Không chỉ vậy, chị Hiệp còn kiêm nhiệm quản lý Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và Nhà lưu niệm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, 4 di tích cấp quốc gia và hơn 40 di tích cấp tỉnh khác. Công việc cứ thế nối tiếp nhau, trong khi nhân lực của bảo tàng lại quá ít ỏi. Tuy vậy, Bảo tàng Điện Bàn vẫn trở thành điểm nhấn của huyện với rất nhiều hiện vật có giá trị và không gian bài trí hợp lý, đẹp mắt. Người phụ trách không tính bằng thời gian làm việc mà bằng hiệu quả công việc, số lượt khách đến viếng thăm bảo tàng.
Các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn. Ảnh: A.NHIÊN |
Được xây dựng năm 1977 và đưa vào sử dụng năm 1982, Bảo tàng Điện Bàn luôn là địa chỉ hấp dẫn đối với khách du lịch các nơi khi đến với vùng đất bắc Quảng Nam. Đây được xem là bảo tàng cấp huyện được xây dựng sớm nhất của tỉnh cũng như cả nước với số lượng lên đến hơn 1.000 hiện vật. Không chỉ là một kho tàng lịch sử phản ánh đậm nét truyền thống yêu nước của nhân dân Điện Bàn, bảo tàng còn có một không gian thu nhỏ về hình ảnh làng quê Điện Bàn xưa và nay. Ngoài ra, nhiều bộ sưu tập quý hiếm của các cá nhân hiến tặng Bảo tàng Điện Bàn như bộ sưu tập đèn cổ của nhà sưu tập Lê Anh Đức hay hiện vật của mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ… Hằng năm, UBND huyện Điện Bàn đã đầu tư kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau để trùng tu, sửa chữa nhằm tạo điều kiện cho bảo tàng có không gian trưng bày phù hợp và bảo quản tốt các các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Chị Đinh Thị Hiệp tâm sự, nếu có thêm một đội ngũ thuyết minh chuyên nghiệp, tâm huyết, có đủ thanh, sắc và tri thức thì Bảo tàng Điện Bàn sẽ là một cái tên lưu đậm dấu ấn trong lòng khách thập phương. Bởi hiện nay Bảo tàng Điện Bàn đang thiếu những người thuyết minh lành nghề...
biểu diễn thư pháp tại Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An. |
Khai thác lợi thế của bảo tàng
Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, một đội ngũ thuyết minh năng động, cộng với sự đa dạng hóa của phòng trưng bày chuyên đề sẽ là cách giúp cho bảo tàng luôn là một điểm đến của người dân địa phương cũng như du khách. Tuy nhiên, để có được một đội ngũ thuyết minh lành nghề không phải là chuyện dễ. Những người có năng lực, ngoại hình xinh xắn thường tìm kiếm những công việc với mức lương tương xứng, trong khi ngân sách nhà nước dành cho hoạt động bảo tàng thường không thể đáp ứng yêu cầu tiền lương thỏa đáng của họ. Ông Tịnh cũng cho biết, đội ngũ hoạt động hiện tại ở bảo tàng tỉnh, cách đây 10 năm cũng là những người được đào tạo bài bản, có khả năng thuyết minh nhưng sau chừng ấy năm làm công tác sưu tầm, bảo quản hiện vật, chờ đợi xây dựng Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, họ đã phôi pha ít nhiều nghề nghiệp...
Quy hoạch hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu các bảo tàng tỉnh phải xây dựng nội dung trưng bày thể hiện được nét bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương. |
Năm 2010, có thông tư của Bộ VH-TT&DL về tổ chức hoạt động dịch vụ bổ trợ bảo tàng nhưng đến nay việc tổ chức hoạt động lĩnh vực này chưa thật sự được các bảo tàng quan tâm. Trong khi việc tổ chức các dịch vụ bổ trợ phù hợp với hoạt động của hệ thống bảo tàng từ lâu đã trở nên phổ biến, là hình thức thu hút công chúng tại nhiều địa phương. Du khách đến với bảo tàng, ngoài nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tham quan, họ còn có nhu cầu giải trí, mua sắm hay khám phá những đặc trưng văn hóa ẩm thực, trò chơi dân gian. Theo tổ chức bảo tàng quốc tế, hoạt động của bảo tàng hiện đại không chỉ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục mà còn là nhu cầu giải trí của công chúng. Nắm bắt được “tâm lý” này, các bảo tàng sẽ tìm ra cách thích hợp để thu hút công chúng đến với bảo tàng. Tại TP.Hội An, các bảo tàng chuyên đề, bảo tàng văn hóa dân gian… là điểm dừng chân không thể thiếu trong chuyến tham quan phố cổ của du khách. Bởi lẽ, sự sáng tạo trong cách trưng bày, cũng như tận dụng tối đa không gian để tổ chức các hoạt động truyền thống như viết thư pháp, biểu diễn văn nghệ dân gian… đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Thuận lợi của một đô thị du lịch, di sản văn hóa thế giới, cộng với sự tinh tế trong việc nắm bắt nhu cầu cũng như tâm lý khách du lịch, các bảo tàng ở TP.Hội An đã thành công khi “kéo” được du khách đến với mình.
Theo PGS-TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, “Hiện tượng trùng lắp giữa các bảo tàng làm cho các bảo tàng không còn hấp dẫn nữa. Vì thế cần khắc phục tình trạng tẻ nhạt ấy bằng việc giới thiệu bản sắc văn hóa mà không cần dàn trải theo trình tự lịch sử. Có thể chấp nhận những mảng trống trong trưng bày, đứt đoạn trong hệ thống trưng bày nhưng phải nêu bật nét độc đáo, riêng biệt của địa phương”. Chị Đinh Thị Hiệp, người phụ trách Bảo tàng Điện Bàn, cho rằng, để muốn thu hút khách đến với bảo tàng, sau khi đoàn khách tham quan xong, nên có các hoạt động văn nghệ truyền thống, có những dịch vụ giải trí để du khách có thể tham gia chứ không phải là một người bị động ở một không gian văn hóa như bảo tàng.
AN NHIÊN