Sông Trường Giang chạy song song với biển, gắn bó thân thiết bao đời với con dân vùng đông xứ Quảng. Con sông này, ngoài cho cá tôm, còn nuôi dưỡng cả miền di sản văn hóa tinh thần phong phú. Nhưng, Trường Giang chưa được khai thác xứng tầm với tiềm năng, thậm chí còn mang trong mình đầy dấu vết nham nhở, biến dạng từ sự can thiệp của các hoạt động phát triển kinh tế tự phát. Chính vì vậy, những động thái nạo vét luồng, phục hồi hệ sinh thái, quy hoạch sắp xếp ven bờ, chỉnh trị dòng sông… được kỳ vọng sẽ trả lại “nhan sắc” cho Trường Giang.
MỘT NGÀY LÊNH ĐÊNH THEO SÓNG NƯỚC
Sóng nước Trường Giang bây giờ giăng ngổn ngang chươm nò, sào cọc, ngư cự đánh bắt thủy sản, rất khó để ghe thuyền xuôi dòng thông suốt từ Duy Xuyên vào Núi Thành. Song, vẫn còn có nơi giữ lại cánh rừng ngập mặn với hệ sinh thái phong phú.
1. Hơn 8 giờ sáng, từ bến sông trước mặt khu biệt thự nghỉ dưỡng Nam Hội An gần với cầu Cửa Đại thuộc Nồi Rang xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên), chúng tôi khởi hành xuôi dòng Trường Giang về hướng Thăng Bình - Núi Thành.
Nắng tháng Giêng đã bắt đầu gay gắt, nhưng cảm giác dòng sông như còn ngái ngủ. Không nhiều ghe thuyền xuôi ngược, Trường Giang trong một sáng mùa xuân hiện ra thật bình yên và thơ mộng.
Chiếc ca nô lướt qua các địa danh Bàn Thạch (Duy Vinh), Nồi Rang (Duy Nghĩa), chợ Cũ (Duy Thành) của huyện Duy Xuyên, xuôi về chợ Được (xã Bình Triều) và buộc phải dừng lại ở xã Bình Đào của huyện Thăng Bình, do nước thủy triều dâng cao nên phương tiện không thể qua lọt cầu Bình Đào.
Hàng chục năm nay, dòng Trường Giang bị thu hẹp dòng chảy tự nhiên mà nguyên nhân chủ yếu là người dân lấn sông mở rộng diện tích ao nuôi trồng thủy sản. Đoạn sông hẹp nhất chỉ rộng khoảng 2 - 3m nằm ở cống Cổ Linh thuộc thôn Cổ Linh, xã Bình Sa (Thăng Bình). Qua những đoạn sông cạn, không khỏi giật mình bởi chiếc ca nô chao đảo.
Mặc dù nắm rõ từng con nước thủy triều lên xuống, khúc sông nông sâu, nhưng tài công điều khiển ca nô có lúc cũng phải hỏi người dân địa phương để dò đường, bởi ở dưới lòng sông ngư dân rải đầy lồng lưới để khai thác thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Vương - Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam) cho biết, tuổi thơ của ông gắn bó, ngụp lặn với sông nước Trường Giang; bây giờ khảo sát đầu tư dự án nên ông cũng nắm khá rõ đặc điểm địa chất, thủy văn, dòng chảy của nhiều đoạn sông. “Cát sông đoạn Duy Xuyên, Thăng Bình hiện không, hoặc rất ít lớp đất bùn dính bám” – ông Vương nói.
Thị sát dòng sông này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, khác với tính chất dòng chảy xiết như ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, thì Trường Giang lại quá êm đềm và hiền hòa, rất có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái sông nước. Giải pháp đầu tiên phải tính tới là khơi thông lại dòng chảy, quy hoạch sắp xếp lại hai bờ sông một cách bài bản hơn.
2. Lòng sông Trường Giang, địa phận xã Bình Nam (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), lởm chởm sào cọc, chươm nò, rớ cắm lấn gần hết, chỉ chừa vừa đủ lọt cho các ghe thuyền ngược xuôi có thể tránh nhau. Tầm 11 giờ 30, hai chiếc ca nô chở đoàn công tác khảo sát thực địa phải dừng dưới cầu Trường Giang (Tam Kỳ) nhận tiếp tế bánh mì nhằm “lót dạ” cho hết hành trình về phía huyện Núi Thành.
Đứng trưa, nhìn bóng vợ chồng ngư dân lom khom thả lưới, bất giác tôi lại nhớ chuyến vượt sông Trường Giang cùng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng vào thời điểm ra giêng của chừng 10 năm trước. Bóng ông ngồi suy tư trầm mặc giữa con nước lững lờ trôi, rồi lại cao hứng du dương: “Ơi con sông Trường Giang/ Con sông dịu dàng như nghĩa mẹ/ Con sông êm đềm như bóng cha/ Nghìn năm thiết tha” (Ca khúc Hoài niệm Trường Giang của cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển).
Thuở xưa, Trường Giang từng là những đầm phá cổ, đồng thời là tuyến đường thủy quan trọng từ Hội An vào Núi Thành. Theo các nhà thủy lợi, Trường Giang nói riêng và các hệ thống sông chảy gần song song với bờ biển nói chung ở miền Trung có nguồn gốc là các lạch triều và chuyển dần thành đầm phá rồi thành sông như ngày nay. Cho nên, các sông “chảy ngang – dọc theo bờ biển” không có lưu vực một cách thực thụ.
Sông Trường Giang có chiều dài hơn 70km, nối hạ lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ở phía bắc với hạ lưu hệ thống sông Tam Kỳ - An Tân ở phía nam, đổ ra cửa Lở, cửa An Hòa (Núi Thành).
Trước đây, khi chưa phát triển mạnh đường bộ thì đường thủy chính là tuyến giao thông huyết mạch, để thông thương trao đổi hàng hóa giữa các vùng. Đặc trưng dễ nhận biết ở vùng sông nước Trường Giang là nhiều đình làng, chùa chiền, miếu mạo hay chợ gần bến sông. Bởi xưa việc trao đổi buôn bán hàng hóa bằng ghe thuyền rất phổ biến.
Thế nhưng, bây giờ Trường Giang mang một “số phận” khá đặc biệt. Lòng sông đã bị chia cắt bởi nhiều ao nuôi trồng thủy sản và sự xuất hiện tự phát của các công cụ đánh bắt thủy sản. Hệ lụy là luồng lạch bị thu hẹp, tàu thuyền không thể đi lại dễ dàng; cá biệt vào mùa mưa lũ nhiều khu vực ven sông bị ngập úng cục bộ. Hiện tượng xói lở khu vực Cửa Lở kéo dài dai dẳng nhiều năm.
3. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh nói đùa như thật, sông Trường Giang là vùng sinh kế bền vững cho ngư dân địa phương nên trước đây họ đã tự “quy hoạch” không gian sống trước khi cơ quan nhà nước siết chặt quản lý. Các dự án trồng mới hoặc phục hồi rừng ngập mặn… đầu tư ở một số địa phương thời gian qua thực sự làm giàu hệ sinh thái cho sông Trường Giang.
Câu chuyện đánh thức một dòng sông đã “ngủ quên” quá lâu không đơn giản chỉ là ngày một ngày hai, nhưng không thể chậm trễ hơn trong nạo vét, khơi thông lại dòng chảy ở một số vị trí huyết mạch hội tụ nhiều yếu tố phát triển.
Thời gian qua, nhiều hạng mục dự án đã triển khai, như năm 2010, thực hiện công trình “Nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang”; sau đó năm 2015 tiếp tục “Nạo vét đường thủy nội địa quốc gia sông Trường Giang”.
Và hiện nay, dự án “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chỉnh trị sông Trường Giang, huyện Núi Thành phục vụ phát triển bền vững kinh tế khu vực và vùng lân cận” đã hoàn thành việc điều tra, khảo sát địa hình và thủy hải văn; thiết lập bộ công cụ mô hình toán hiện đại phục vụ cho việc nghiên cứu chế độ thủy thạch động lực cùng diễn biến hình thái sông Trường Giang và khu vực cửa Lở.
Trường Giang đẹp nhưng thăng trầm như phận số đời người. Mong ước một ngày không xa, con sông này sẽ được khơi dòng mạnh mẽ.
QUÁ NHIỀU THÁCH THỨC
Khó kiểm soát ô nhiễm môi trường; bất cập, xung đột trong quy hoạch phát triển các lĩnh vực kinh tế, cùng với việc quản lý lỏng lẻo hiện trạng đất đai ven bờ… là những áp lực lớn đặt ra với sông Trường Giang hiện nay.
Vượt tầm kiểm soát
Làn sóng nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát tại các xã vùng đông của huyện Thăng Bình và Núi Thành thời gian qua đã làm suy giảm chất lượng nước mặt sông Trường Giang. Nhiều khu vực nguồn nước phủ màu rêu do sự đóng cục của tảo. Đặc biệt là đoạn qua huyện Thăng Bình và Núi Thành, nước thải ao nuôi tôm lót bạt được bơm trực tiếp ra sông Trường Giang. Chưa kể, tình trạng nước thải sinh hoạt, sản xuất của các hộ dân dọc hai bên bờ sông cũng đổ thẳng xuống sông mà không qua xử lý làm ô nhiễm nguồn nước mặt thêm nghiêm trọng.
Kết quả thu thập và phân tích mẫu nước mặt vào một số thời điểm năm 2016 tại sông Trường Giang của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã chỉ ra, do ảnh hưởng bởi chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt và trong các hoạt động sản xuất khác của các hộ dân ven sông đổ thẳng xuống sông nên nhiều thông số quan trắc vượt quy chuẩn cho phép. Đơn cử, đoạn sông Trường Giang chảy qua huyện Duy Xuyên, hàm lượng As, BOD, COD, NH4+ mùa khô đều vượt quy chuẩn cho phép.
Tương tự, sông Trường Giang chảy qua huyện Thăng Bình, hàm lượng BOD vượt chuẩn cho phép; hàm lượng COD vượt từ 1,1 – 1,3 lần; đoạn qua huyện Núi Thành, hàm lượng BOD, NH4+ vượt giới hạn cho phép. Đáng chú ý, chỉ số NO2 vượt từ 2,6 - 7,6 lần quy chuẩn; riêng khu vực ngã ba sông gần cửa Lở, hàm lượng NH4+ vào mùa mùa mưa, NO2 mùa khô cũng vượt giới hạn cho phép trong lần quan trắc.
Trong khi đó, kết quả quan trắc gần đây tại sông Trường Giang khu vực xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và Tam Tiến (Núi Thành) do Sở TN&MT công bố, cho thấy, chất lượng nước sông đạt mức cho phép ở phần lớn các thông số, ngoại trừ thông số clorua luôn ở mức cao do đặc thù nguồn nước lợ của sông.
Ngành nông nghiệp thừa nhận, bất cập là hiện chưa có quy hoạch tổng thể và chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản, chưa quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ chuyên canh. Nghề nuôi tôm nước lợ ở ven sông Trường Giang thuộc các huyện Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên, Tam Kỳ còn nhỏ lẻ, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm vừa yếu vừa thiếu nhất là hệ thống xử lý nước thải; cộng với công tác quan trắc, phòng chống dịch bệnh thủy sản chưa được chú trọng.
Theo Sở TN&MT, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm sông Trường Giang gồm xả thải công nghiệp, hoạt động nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Thực tế, nước lấy vào ao nuôi trồng thủy sản dọc ven sông được người dân lấy trực tiếp từ tầng đáy của lòng sông hoặc dẫn từ biển vào, còn nước thải ao nuôi được thải thẳng ra sông không qua xử lý môi trường.
Chưa khai thác tiềm năng
Trường Giang, đoạn Duy Nghĩa, Duy Vinh hay Bình Đào, Bình Triều nhiều khu vực còn bạt ngàn màu xanh của rừng dừa nước. Nhiều chỗ lòng sông rộng, chưa bị tác động lớn của con người, thấy rõ sự đa dạng của hệ sinh thái. Trên dòng Trường Giang đã manh nha hình thành làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (xã Duy Vinh), hay công trình hạ tầng khu du lịch sinh thái và bãi tắm Hạ Thanh, xã Tam Thanh (Tam Kỳ). Dòng sông hội tụ đủ đầy yếu tố để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, nhưng nhiều năm nay mọi ý tưởng vẫn chưa biến thành hiện thực.
Sự xung đột, mâu thuẫn trong phát triển các ngành, lĩnh vực chưa được giải quyết làm cho con sông Trường Giang không được khai phóng tiềm năng. Nhìn vào bức tranh sông Trường Giang dễ nhận ra sự chia cắt rời rạc của kiểu quy hoạch tự phát trong phát triển du lịch, hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, các địa phương thì lập kế hoạch sử dụng đất còn mang tính chủ quan, chưa tạo được “mắt xích” liên kết không gian phát triển sông Trường Giang.
Rất may, một số địa phương vùng đông đã nhận thức được tầm quan trọng trong định hướng không gian phát triển trục ven sông, hướng biển. Tại huyện Thăng Bình, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 theo định hướng lấy khu vực dọc theo sông Trường Giang đến ven biển ưu tiên phát triển các ngành du lịch – dịch vụ; khu vực dọc sông Trường Giang đến dọc đường cao tốc ưu tiên phát triển công nghiệp – dịch vụ, là vùng động lực của huyện, làm nhiệm vụ kết nối, tạo sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng lân cận. Trong quy hoạch phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai, vùng ven biển và dọc theo sông Trường Giang, từ phía đông sân bay Chu Lai đến TP.Tam Kỳ và kéo dài đến Hội An sẽ là các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp.
Bất cập chồng lấn trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản với quy hoạch cảng biển, cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại 2 cửa sông cũng được các ngành, địa phương đem ra mổ xẻ, bàn cách tháo gỡ. Câu chuyện đặt ra ở đây là cần có một cơ quan chuyên môn xác định làm rõ các mâu thuẫn, chồng lấn trong phát triển các ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực sử dụng trực tiếp tài nguyên nước sông Trương Giang như khai thác vận tải đường thủy, đầu tư du lịch sinh thái sông nước, hoạt động nuôi trồng thủy sản để tích hợp quy hoạch không gian phát triển chung.
CHỜ ĐỢI CHUYỂN ĐỘNG VÙNG ĐÔNG
Các dự án đầu tư nạo vét, khơi thông dòng chảy cho Trường Giang tất yếu sẽ tạo ra xung lực mới cho vùng đông phát triển đột phá.
Sông Trường Giang và vùng phụ cận trải dài dọc theo bờ biển, khí hậu thuận lợi để quy hoạch phát triển các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Mặt khác, dòng sông này gắn liền với cuộc sống và sinh hoạt của người dân, nên các quy hoạch, đầu tư xây dựng cần tính toán tránh tình trạng ngập lụt kéo dài.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, nuôi trồng thủy sản là sinh kế chính của người dân tại khu vực sông Trường Giang và vùng phụ cận, vì vậy định hướng sử dụng sông cho các mục đích khác nhau, từ bây giờ phải ngăn chặn việc lấn chiếm lòng sông để làm ao nuôi tôm, đánh bắt thủy sản. Đồng thời quy hoạch quản lý việc xả thải nước nuôi trồng thủy sản một cách nghiêm ngặt hơn.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, tín hiệu vui là đầu năm 2021, đề xuất dự án phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung chủ yếu của dự án là đầu tư xây dựng hai công trình lớn gồm tuyến đường vành đai ven biển (từ quốc lộ 14E đến Cửa Lở) và nạo vét sông Trường Giang từ Cửa Đại đến Cửa Lở.
Theo đó, đơn vị sẽ đề xuất đầu tư 5 cây cầu vượt sông Trường Giang (gồm cầu Bình Dương, Hưng Mỹ, Tĩnh Thủy, Tam Thanh và Tam Tiến). Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh khẳng định, khi nạo vét sông Trường Giang thông suốt từ Cửa Đại đến Cửa Lở sẽ góp phần phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế vùng đông, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng dọc sông.
Hiện nay, giữa Quảng Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đã đạt được một số nội dung thỏa thuận thống nhất về dự án phát triển tích hợp thích ứng. UBND tỉnh cho biết, đề xuất dự án phát triển tích hợp thích ứng sẽ ưu tiên nạo vét lòng sông, xây cầu vượt sông Trường Giang. Dự án này sẽ được thẩm định chặt chẽ, đánh giá toàn diện các chính sách an toàn môi trường, xã hội, tái định cư; việc lập quy hoạch chung ven sông Trường Giang phù hợp với quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai. Chính quyền tỉnh sẽ tận dụng các nguồn vốn vay ưu đãi, nhà tài trợ từ Ngân hàng WB để nhanh chóng nạo vét lòng sông, thực hiện “mục tiêu kép” vừa giải quyết tiêu thoát lũ cho các đô thị vừa hồi sinh tuyến vận tải thủy.
Quảng Nam là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của duyên hải Nam Trung Bộ, trong đó vùng đông nam của tỉnh được xác định triển khai các nhóm dự án động lực. Các khu đô thị mới đã, đang hình thành hứa hẹn sẽ đổi thay vùng đất ven sông Trường Giang. Quá trình nạo vét, khơi thông Trường Giang sẽ xích sông lại gần hơn với biển xét về khía cạnh liên kết giao thông cảng biển - sông.
Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp dịp đầu xuân Tân Sửu 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh chủ trương phát triển kinh tế, phục hồi cảnh quan hai bên sông Trường Giang, xem đây như “xương sống” trong không gian phát triển. Hiện nay, một số địa phương đang khảo sát, thu thập, tích hợp dữ liệu thông tin nền làm cơ sở để lập kế hoạch quy hoạch lòng sông, hai bên bờ sông một cách đồng bộ và quản lý hiện trạng tốt hơn. Người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng kỳ vọng một ngày không xa, cùng với con sông Cổ Cò, Trường Giang sẽ được hồi sinh bằng sự đầu tư đúng mức.
“Việc phục hồi hệ sinh thái cho Trường Giang phải xác định cho rõ nơi nào thì phát triển rừng dừa nước, chỗ nào trồng cói, bần, mắm, cây trồng bản địa. Mỗi khúc sông có điểm nhấn riêng, đặc trưng sinh thái và mang vẻ đẹp khác nhau, vì thế cần khảo sát, đánh giá một cách toàn diện và khoa học” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Và, trong đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu tổng thể sông Trường Giang và vùng phụ cận phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội hội tỉnh Quảng Nam”, PGS-TS. Nguyễn Quốc Huy (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thuộc Bộ Khoa học và công nghệ) đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có đề cập việc sau khi nạo vét, khơi dòng phải xác lập được phạm vi hành lang bảo vệ và đảm bảo an toàn khai thác sử dụng tài nguyên ven sông Trường Giang phù hợp với các mức độ giới hạn phát triển.