Đánh thức văn hóa phi vật thể

LÊ QUÂN 30/08/2019 14:21

Quãng thời gian trở mình phát triển của các di sản văn hóa tại Quảng Nam, cũng đồng thời chứng kiến sự phục hưng của các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, các loại hình văn hóa phi vật thể (VHPVT) đã có chỗ đứng nhất định sau 20 năm Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.

Hô hát bài chòi. Ảnh: L.T.KHANG
Hô hát bài chòi. Ảnh: L.T.KHANG

Từ di sản thế giới Bài chòi

Bài chòi có lẽ là minh chứng mạnh mẽ nhất cho sự phục hưng đầy ngoạn mục cùng với quá trình phát triển không ngừng từ Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Tháng 5.2018, Hội An tổ chức đón nhận Bằng công nhận Di sản VHPVT thế giới cho loại hình nghệ thuật truyền thống bài chòi. Để được tôn vinh như vậy, cùng với quá trình bảo tồn và phát huy các di tích, Hội An đã nỗ lực để đồng thời vực dậy đời sống tinh thần quý báu của người dân bản địa.

Ông Tống Quốc Hưng - Phó Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An chia sẻ, tại Hội An, việc phục hồi các loại hình di sản văn hóa dân gian trở nên thuận lợi hơn nhờ sự bổ trợ từ ngành du lịch và văn hóa. Phải nhắc lại một câu chuyện khá cũ, rằng từ những năm 1999, trước khi Hội An trở thành Di sản VHTG, những người làm văn hóa Hội An đã rục rịch có sự chuẩn bị để bài chòi tìm lại được đúng vị thế của nó trong đời sống cộng đồng. Tháng 9.1998, Hội An đã thử đưa trò chơi bài chòi vào lễ hội “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20”. Đêm phố cổ tính đến nay đã tròn 20 năm, và cũng từng ấy thời gian, bài chòi xuống phố. Không gian kiến trúc, không gian ánh sáng đặc trưng phố cổ, cùng lượng người dân và du khách đến với Hội An mỗi ngày một tăng, làm cho trò chơi bài chòi đã thực sự sống dậy tại phố Hội. Đến nay, nghệ thuật bài chòi, trò chơi bài chòi đã thật sự là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa - tinh thần, là sản phẩm du lịch ngày càng sôi nổi của Hội An. 

Trong các tiêu chí để bài chòi đạt được sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với nghệ thuật này, theo ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, chính bởi đây là bộ môn nghệ thuật xuất phát từ cộng đồng, phản ánh đời sống của cộng đồng người dân Trung Bộ, ngoài ra còn có yếu tố được kế thừa và phát huy mạnh mẽ. Trong lần điền dã để làm hồ sơ Di sản VHPVT thế giới cho bộ môn Nghệ thuật bài chòi, nhạc sĩ - nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho biết, bài chòi tại Hội An có sức sống mạnh mẽ nhờ biết phát huy thế mạnh về giá trị văn hóa tại vùng đất di sản. Từ Hội An, nghệ thuật - trò chơi bài chòi được đánh giá đúng về vị trí của nó trong đời sống tinh thần của người dân. Để từ đây, rất nhiều hoạt động bảo tồn, kế thừa và phát huy di sản này được vạch ra. Từ các chương trình biểu diễn nghệ thuật cho đến việc đưa bài chòi vào giảng dạy trong các trường THCS. Bắt đầu từ năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi giai đoạn 2019 - 2025. Từ việc thu hút cộng đồng tham gia trong quá trình bảo tồn cũng như thực hiện các giải pháp về kiểm kê, lưu trữ, tư liệu hóa di sản quý giá này.

Kết nối các loại hình văn hóa

Di sản có tồn tại được hay không và nó sống trong đời sống đương đại như thế nào đều phải dựa vào cộng đồng. Đây cũng chính là hiện trạng của di sản VHPVT tại Quảng Nam. Ngoài bài chòi chính là điển hình của việc sống dậy mạnh mẽ nhờ sự yêu quý say mê từ các cộng đồng dân cư ở khắp mọi nơi thì các làng nghề và những loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian khác bắt đầu được để tâm, có sự đầu tư nhất định. 

Nghệ nhân quay trở về làng đã có những dòng sản phẩm chủ lực phục vụ du lịch, phát triển. Nghệ nhân Lê Văn Xê - làng gốm Thanh Hà (Hội An) cho biết, nhiều năm trở lại đây, người dân làng gốm Thanh Hà đã có thể “sống tốt” ngay tại làng của mình với những giá trị nghề nghiệp lâu đời mà cha ông để lại. Riêng câu chuyện phát huy các giá trị hiện hữu của làng nghề truyền thống, ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, nhiều năm trở lại đây, khi du lịch Quảng Nam phát triển, việc đưa làng nghề gắn với du lịch, phục vụ các dòng khách là điều cần phải suy nghĩ. Khi sản phẩm làng nghề phù hợp với thị hiếu du khách, cũng chính là cú hích để các làng nghề hồi sinh mạnh mẽ.

Tương tự, Mỹ Sơn được biết đến không có chỉ đền tháp rêu phong mà còn cả những điệu múa Chăm, kèn saranai, trống paranưng, dân ca, trò chơi đội nước… Cũng như vậy, nếu không có sự thăng hoa của những loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, không giữ được phong tục, nếp sống xưa…, Hội An sẽ không bao giờ được tôn vinh là một “bảo tàng sống” như hiện nay. Các sản phẩm dân gian đặc sắc nhưng không kém phần phong phú, đa dạng đã tạo nên diện mạo đời sống tinh thần của người dân xứ Quảng. Các giá trị này được thể hiện cụ thể ở từng sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể cụ thể và không gian văn hóa liên quan. Đó là điều tạo nên điểm nhấn ấn tượng với cả Hội An lẫn Mỹ Sơn.

PGS-TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, song song với việc bảo tồn các giá trị văn hóa hiện hữu, các di tích kiến trúc, sức sống của vùng đất di sản còn phụ thuộc vào các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống mà cộng đồng nơi đó sở hữu. Các di sản VHPVT được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng. “Đây cũng chính là hướng đi đúng của Quảng Nam nhằm bảo tồn, phát huy trọn vẹn di sản” - PGS-TS. Đặng Văn Bài nói thêm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đánh thức văn hóa phi vật thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO