Văn hóa

Đánh thức văn học dân gian miền núi

ALĂNG NGƯỚC 05/05/2024 11:04

Bằng chủ trương lồng ghép các hoạt động bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể trong cộng đồng dân tộc thiểu số, nhiều địa phương miền núi đã “đón đầu” việc khôi phục, bảo lưu các giá trị đặc trưng, góp phần đánh thức văn học dân gian một cách sinh động.

977a3184(1).jpg
Đồng bào Ve ở Nam Giang tái hiện lễ cưới truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Năm 2023, Bộ VH-TT&DL phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số (DTTS) đến năm 2030”.

Đề án đặt ra nhiều mục tiêu trong việc kết nối sưu tầm, nghiên cứu, tổ chức thực hiện công tác kiểm kê hàng năm để lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về văn học dân gian các DTTS.

Từ đó số hóa, xuất bản các tác phẩm văn học dân gian của các DTTS, xây dựng cơ sở dữ liệu số về văn học dân gian các DTTS để lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy…

Nam Giang “đi trước, đón đầu”

Sau thời gian sưu tầm, nghiên cứu và “đặt hàng” các nghệ nhân trên địa bàn huyện, năm 2013, Nam Giang ra mắt tập sách “Truyện cổ Cơ Tu, Ve, Tà Riềng”, tập hợp hơn 50 truyện kể cổ tích đặc sắc của đồng bào các DTTS.

Để công trình ý nghĩa được trình làng, bên cạnh kết nối sưu tầm truyện cổ, thẩm định giá trị nghệ thuật từ các nghệ nhân, già làng và chuyên gia văn hóa, địa phương liên kết phát hành 500 cuốn truyện cổ phục vụ nhu cầu tìm hiểu của độc giả trong và ngoài huyện. Đây được xem là công trình văn hóa tiêu biểu, ghi dấu ấn trong việc bảo tồn văn học dân gian từ rất sớm.

Ông Trần Ngọc Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang cho biết, ngoài phát hành “Truyện cổ Cơ Tu, Ve, Tà Riềng”, những năm qua, địa phương chủ động thành lập các đội trống chiêng, đinh tút trong cộng đồng phục vụ các dịp lễ hội, cũng như phong trào văn hóa nghệ thuật tại cơ sở.

977a2852(1).jpg
Người trẻ vùng cao "bắt nhịp" với văn hóa dệt truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Các đội trống chiêng xã Zuôih, Tà Bhing, Đắc Tôi, Chà Vàl… tham gia trình diễn ở rất nhiều lễ hội trong và ngoài huyện. “Đặc biệt, lễ hội “Âm vang cồng chiêng” được tổ chức đều đặn 2 năm một lần với nhiều nội dung phong phú như trưng bày hiện vật lịch sử, truyền thống văn hóa, điêu khắc dân gian truyền thống, đan lát, dệt thổ cẩm, tái hiện nghi thức các lễ hội dân gian…

Từ lễ hội này, chúng tôi thành lập được đoàn nghệ nhân, diễn viên tham gia các hội thi, ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số do tỉnh tổ chức, cũng như ngày hội giao lưu văn hóa - thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào do Bộ VH-TT&DL tổ chức đạt kết quả cao” - ông Hùng cho biết.

Là địa phương “đi trước, đón đầu”, bên cạnh huy động nguồn lực khôi phục các làng nghề dệt thổ cẩm, tiêu biểu là Làng dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra (xã Tà Bhing), Nam Giang triển khai sưu tầm, trưng bày hàng trăm hiện vật về đề tài chiến tranh cách mạng, văn hóa dân gian phục vụ các cuộc triển lãm quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của du khách và chuyên gia văn hóa.

977a2092(1).jpg
Văn hóa dân gian miền núi được "chế biến" thành các tiết mục nghệ thuật độc đáo. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Đến nay, chúng tôi xây dựng đội ngũ nghệ nhân kế cận hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật dân gian như trống chiêng, múa tâng tung - da dá, đinh tút, nghệ thuật nói lý - hát lý trong cộng đồng.

Trong đó, có rất nhiều người trẻ và hiện nay, chúng tôi cũng đang mở rộng quy mô tiếp cận các loại hình nghệ thuật trong các trường học, thông qua các chương trình liên hoan hát dân ca, nghệ thuật trống chiêng, trình diễn trang phục truyền thống… giúp phát hiện, nuôi dưỡng những tài năng nghệ thuật dân gian miền núi trong học đường” - ông Hùng chia sẻ thêm.

Các địa phương vào cuộc

Năm ngoái, tại không gian Ngày hội Văn hóa - thể thao và du lịch các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ 20 được tổ chức tại Phước Sơn, rất nhiều người bày tỏ ngạc nhiên khi chứng kiến các nghệ nhân đồng bào DTTS trình diễn nghi thức cúng thần linh trong lễ hội cầu mùa, cưới hỏi, cúng máng nước…

Phần lớn nghệ nhân trình diễn là những người trẻ tuổi cùng sắc phục truyền thống ấn tượng và lời thuyết minh lôi cuốn.

977a9805.jpg
Từ sự vào cuộc của các địa phương, văn hóa dân gian đang dần được cộng đồng bảo tồn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói, sự vào cuộc của các địa phương miền núi trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được thể hiện rất rõ tại không gian ngày hội các DTTS tổ chức ở quy mô cấp tỉnh.

Trước khi đề án án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các DTTS” được ban hành, nhiều địa phương miền núi, trong đó có Tây Giang đã xây dựng kế hoạch sưu tầm, nghiên cứu, từng bước số hóa văn học dân gian bằng nhiều hình thức bảo lưu, bảo tồn trong cộng đồng và các đơn vị liên quan.

“Nhiều năm nay, Tây Giang chủ trương tiếp tục duy trì các lớp học truyền dạy chữ viết của đồng bào Cơ Tu cho cán bộ và học sinh trên địa bàn huyện.

Đồng thời khuyến khích các trường học đưa nghệ thuật trống chiêng, nói lý - hát lý, dệt thổ cẩm vào các chương trình học ngoại khóa, giúp các em hiểu rõ hơn về tầm quan trọng, cũng như vai trò của bản thân trong việc chung tay bảo tồn văn hóa truyền thống” - ông Blúi nói.

Không nằm ngoài mục tiêu đánh thức văn học dân gian miền núi, tại các địa phương Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My… câu chuyện sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn các giá trị vật thể, phi vật thể đang tiếp tục được triển khai rộng khắp.

Tại Bắc Trà My, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc và truyện cổ dân gian dân tộc Co”, địa phương này đã sưu tầm được hơn 30 truyện cổ Co, cùng 7 làn điệu âm nhạc dân gian dân tộc Co.

Mới đây nhất, Nam Trà My cũng ghi dấu ấn bằng việc phục dựng và ra mắt trang phục truyền thống dân tộc Ca Dong, Xê Đăng và Mnông thu hút sự quan tâm của người dân, du khách…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đánh thức văn học dân gian miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO