Quế Quảng Nam là sản vật đặc biệt, từng xuất khẩu đến Hồng Kông, Ma Cao, Singapore, Trung Quốc, Pháp, Mỹ... Thời hoàng kim, danh quế Quảng truyền đến nhiều nơi trên thế giới, để lại một thương hiệu càng nhớ càng nuối tiếc.
Năm 2005, khi tham dự hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm phong trào Đông du được tổ chức tại Huế do Chính phủ Nhật tài trợ, tôi có dịp gặp và quen biết giáo sư Shiraishi Masaya, một nhà Việt Nam học nổi tiếng của Nhật. Bẵng đi một thời gian khá lâu, mới đây, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia, tôi lại có dịp gặp lại ông. Do cùng đi khai thác tư liệu nên chúng tôi có thời gian trao đổi nhiều hơn về chuyên môn, về quê hương bản quán, ông tỏ vẻ ngạc nhiên và thú vị khi biết tôi là người Quảng. Với một vốn Việt ngữ khá chuẩn, ông nói : “Quê bạn có hai món nổi tiếng nhất mấy trăm năm nay thì phải, quế và yến sào. Nay thì quế không được như xưa nhỉ ?”.
Quế Quảng Nam khắc trên Cửu đỉnh triều Nguyễn. |
Thời hoàng kim
Tại một phông tư liệu, tôi bắt gặp một số văn bản tiếng Pháp đề cập quế Quảng, nhất là quế Trà My, văn bản này mô tả: “Quế này có chất lượng cao, nổi tiếng trên thị trường quốc tế. Ở tỉnh này có hai loại quế: Quế rừng (Cinnamomum obtusifolium) là thứ quế tốt nhất chứa nhiều tinh dầu, chữa được nhiều bệnh, mọc rải rác ở các huyện Phước Sơn, Trà My; quế đơn (Cinnamomum cassia) là loại quế do nhân dân địa phương trồng, tập trung nhiều nhất ở Trà My, Phước Sơn và rải rác Tiên Phước, Quế Sơn và Thăng Bình”.
Một tài liệu khác cho biết, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, chính quyền Việt Minh tại Quảng Nam đã cho bộ đội và dân địa phương khai thác, vận chuyển khá nhiều quế, rồi bí mật đưa về xuôi, chuyển đến các cửa sông để xuất bán qua Liên Xô đem về cho họ một số tiền khá lớn. Tài liệu trên cũng cho rằng, vào năm 1953, Việt Minh cũng dùng quế sản xuất loại dầu quế đỏ, rồi bí mật đưa qua Trung Quốc để bán. Một tấn quế nấu được từ 2 đến 5 lít dầu. Do suốt 9 năm kháng chiến, quân Việt Minh hầu như chiếm cứ và cai quản tất cả vùng miền núi phía tây của Quảng Nam nên không một nhà buôn, nhà tư bản nào có thể xâm nhập vùng này để nhờ dân địa phương khai thác, mua bán, vận chuyển quế được. Chính vì vậy nên thời gian sau đó là thời kỳ quế Quảng có lượng xuất khẩu lớn nhất khi mà Hoa Kỳ trở thành thị trường chủ lực của quế Quảng. Khi vừa lên “nhiếp chính” tại miền Nam, Ngô Đình Diệm đã để tâm đến các sản vật Quảng Nam, nhất là quế. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển và xuất khẩu quế Quảng lúc đó, đều lọt vào tay “bà cố vấn”, tức Trần Thị Lệ Xuân (vợ của Ngô Đình Nhu). Nên chi, sẽ không ai ngạc nhiên khi biết rằng, trong các con đường miền núi được làm sớm nhất tại Quảng Nam thời gian này, chính là con đường lên Trà My, mà dân địa phương thường gọi là đường bà Nhu.
Phân loại sản phẩm quế. |
Chuyện lạ phía sau rừng quế
Tôi đọc thấy một tư văn “lạ” được gửi từ Phủ Tổng thống Diệm đến tỉnh Quảng Nam có dặn rằng: “Quế là nguồn lợi lớn cho quốc gia nếu biết khai thác. Các tỉnh có quế phải gầy dựng nên các vườn và núi quế để có thêm nguồn lợi. Lúc trước, nhà thượng cấp (tức nhà Ngô Đình Khả) ở Huế đều có trồng nhiều quế, do người dân Nam Ngãi đưa ra. Cây nhỏ rào kỹ để cóc khỏi ăn đọt và hễ khi nào hột mọc chồi đỏ tím thơm thì loài cóc thích ăn hơn thứ nào hết. Đến khi nào cây quế đã lớn quá tầm cóc nhảy và không ăn được đọt mới thôi rào. Quế trổ bông và hột nhỏ như hột tiêu vô số rồi rụng xuống đất. Cây quế con mọc như cỏ cú. Ta lựa lại và để lại những cây cần giữ. Tổng thống chỉ thị nên lựa những chỗ gần, dễ kiểm soát, gầy vườn quế rồi không bao lâu sau hột quế rơi xuống (hoặc chim chóc tha đi nơi khác cũng được) tự nhiên tỉnh sẽ có một nguồn lợi mà từ trước ít ai nghĩ đến”. Tôi thực sự băn khoăn với văn bản này, một vùng đất đã vang danh trong sử sách khắp năm châu bốn bể về trồng và khai thác quế như Quảng Nam lẽ nào không hiểu được những việc cỏn con như ông Diệm vừa dạy bày chăng? Tôi cũng gặp một chuyện khác khá bi hài về quế. Vào năm 1958, khi một toán lính bảo an, trong một lần hành quân thám sát vùng núi giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, họ phát hiện một rừng quế mà cây nào cây nấy cũng to lớn, trên cả 100 tuổi. Để tâng công và hòng được hậu thưởng, toán lính này đã khổ công kiểm đếm thì thấy: “Chúng tôi đã đếm được 150 cây quế rừng có trên 100 tuổi, rất nhiều cây có từ 19 đến 20 tuổi và cũng có thứ 3 đến 4 tuổi. Theo tìm hiểu thì đây là loại quế tốt nhất của Quảng Nam (danh quế) từ xưa đến nay, nếu kịp khai thác sẽ thu về một lượng lớn ngân khoản cho quốc gia”. Ngay lập tức, người ta huy động lực lượng lớn phối hợp cùng toán lính nói trên để khai thác. Nào dè, khi “đoàn công tác” với đầy đủ trang thiết bị hiện đại (cưa của Mỹ, đục của Nhật, nẻ loại tốt của Sài Gòn – Chợ Lớn), hùng hùng hổ hổ kéo đến địa điểm nêu trên thì gặp chuyện. Một tờ tường trình cho biết : “Một đoàn những ông bà người thượng đóng khố, tay lăm lăm cung, nỏ, giáo mác dàn hàng ngang ngăn cản chúng tôi tiếp cận rừng quế. Họ tuyên bố, ai dám bước vào khai thác quế tại “rừng thiêng” mà cha ông họ từng bảo quản mấy trăm năm nay, sẽ bị họ bắn bỏ mạng. Chúng tôi không ai dám tiến một bước. Viên đại úy phải giải thích để họ hiểu đây là sự nhầm lẫn rồi cả đoàn ra về”.
Lột vỏ quế. Ảnh: LƯU ANH RÔ |
Trong một báo cáo của Phòng Thương mãi Đà Nẵng vào năm 1959 cho biết: Số quế xuất sang Mỹ, Hồng Kông thông qua hải cảng Đà Nẵng là 1.990 tấn, trong đó thị trường Mỹ chiếm đến 1.445 tấn. Đó là chưa kể còn một lượng lớn quế khác đi bằng đường bộ vào Sài Gòn, để các nhà buôn Hoa kiều tại Chợ Lớn bán đi Trung Quốc, Ma Cao, Singapore… |
Bị ngăn trở như vậy làm sao chính quyền Ngô Đình Diệm có thể “sức” cho dân địa phương khai thác và vận chuyển một khối lượng quế lớn để phục vụ cho xuất khẩu, khi mà vùng rừng núi phía tây Quảng Nam lúc đó đối với họ, “mỗi bước đi là một bước kinh hoàng”? Tôi tìm thấy câu trả lời ngay trong đoạn hồi ký chưa xuất bản của ông Phạm Như Hiền, cán bộ hoạt động cách mạng tại Trà My trong thời gian này. Ông Hiền kể rằng, từ giữa năm 1956 đến giữa năm 1959 là cao điểm của phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Trà My nhằm chống lại chiến dịch thượng du vận của Ngô Đình Diệm. Do địch cấm vận việc đi lại buôn bán nên muối và các nhu yếu phẩm khác không thể đưa được từ miền xuôi lên. Mục đích của chúng là nhằm lập ra các hội đồng hương chính khắp các xã vùng trung, cao, rồi dựa vào các tổ chức chính quyền đó mà buộc người dân trong vùng lấy quế để đổi muối, nông cụ, vải và một số đồ dùng khác như soong, nồi... Để có muối và nhu yếu phẩm cho nhân dân và cán bộ trong vùng, cuối năm 1958, ta tổ chức cho nhân dân Trà My, từng đoàn chừng 50 đến 70 người đi lột quế, rồi cõng xuống quận Trà My đòi đổi muối, vải, khi đi mang theo gươm, giáo. Đến Trà My bọn lính ở quận ngăn lại vì nghi là “đổi muối, gạo về tiếp tế cho Việt Minh”. Đồng bào đã đấu tranh quyết liệt với địch. Một anh tên là Xoa người ở làng Lục Lục bị giữ lại vì chúng cho anh là người cầm đầu trong đoàn đấu tranh mua muối này. Anh Xoa có mang theo 1 cái giáo song lại chặt cán đi, chỉ còn như một con dao nhỏ giắt trong người. Khi chúng đưa anh vào đồn Trà My để giam, nhân lúc chúng sơ hở, anh đâm chết tên lính gác và chạy ra ngoài đồn. Bất ngờ bị bọn lính gần đó hô hoán truy đuổi. Bọn lính từ sân bay cạnh đó cũng túa ra vây, bắt được anh Xoa và bắn chết anh tại chỗ. Lập tức ta phát động quần chúng kéo xuống Trà My đấu tranh, buộc địch phải bồi thường nhân mạng, chúng chấp nhận bồi thường 20 cây vải, 30 cây rựa, một số muối và tiền.
Chính do nhu cầu kháng chiến nên quế được khai thác và từ năm 1954- 1962 là thời gian hoàng kim nhất của quế Quảng trong việc xuất khẩu.
LƯU ANH RÔ