Đã một phần tư thiên niên kỷ trôi qua, nhưng mỗi lần đề cập đến chiến thắng xuân Kỷ Dậu (1789) của nhân dân ta đối với quân Thanh xâm lược vẫn làm dấy lên niềm tự hào dân tộc. Các tài liệu lịch sử đều ghi lại khá tường tận diễn trình chiến trận mùa xuân năm ấy. Tuy nhiên, đô đốc chỉ huy trận đánh lịch sử hạ đồn Khương Thượng, tạo thế bất ngờ, làm rối loạn hàng ngũ quân Thanh, khiến Tôn Sỹ Nghị hoảng sợ bỏ chạy khỏi kinh thành Thăng Long, cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, chưa thống nhất về nhân thân, quê quán nhân vật lịch sử: Đó là Đô đốc Lê Văn Long.
Tộc Lê Trường Xuân (Tam Kỳ) giỗ tổ. Ảnh: ĐIỆN NGỌC |
Theo gia phả tộc Lê hiện lưu giữ tại Tổ đình Lê tộc Trường Xuân, TP.Tam Kỳ, thì Lê Văn Long sinh năm 1765 tại làng Phú Xuân Trung, huyện Lệ Dương, phủ Thăng Hoa, Quảng Nam; nay thuộc phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông là con trai Thủ tài hầu Lê Văn Thủ (1746-1827), cháu Triệu quốc công Lê Tấn Trung, dòng dõi nhà Lê. Mẹ ông là bà Trịnh Thị Hoa Dung, con gái của chúa Trịnh Doanh (bà được vua Lê nhận làm con nuôi, nên được người đương thời gọi là Hoa Dung công chúa). Thuở nhỏ, do cha làm quan cho nhà Lê, nên Lê Văn Long được học tập và trưởng thành ở kinh thành Thăng Long. Năm 17 tuổi đã ông đỗ tiến sĩ Võ, nổi tiếng văn võ song toàn. Ông cùng cha đều là võ quan trong triều Lê. Khi Nguyễn Huệ tiến quân phù Lê diệt Trịnh, cha con ông theo về Tây Sơn và được giao giữ chức vụ trọng yếu trong quân ngũ. Khi tiến quân giải phóng Thăng Long, vua Quang Trung giao cho Lê Văn Long đi đường tắt, bất ngờ đánh úp đồn Khương Thượng. Do có công lớn, nên một tháng sau ngày chiến thắng quân Thanh, vua Quang Trung sắc phong cho ông làm Võ tướng Hữu quân. Sắc viết: “Sắc! Thăng Hoa phủ, Lệ Dương huyện, Phú Xuân Trung xã, Lê Văn Long lịch tòng chiến trận cụ hữu cần lao, kiêm bổ Võ tướng Hữu quân sai bát quân vụ. Nhược tiếp thỉnh sự vụ sở giải đãi phất cần hữu quân hiến tại khâm tai cố. Sắc, sắc Quang Trung nhị niên, nhị nguyệt sơ ngũ nhật” (dịch là: Sắc! Sắc phong cho Lê Văn Long ở xã Phú Xuân Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, người đã trải qua nhiều chiến trận, lắm công lao khó nhọc. Nay bổ giữ chức Võ tướng Hữu quân để sai khiến việc quân. Nếu công việc trễ nải, thiếu cần mẫn, sẽ theo quân pháp xử lý. Sắc, Sắc mạng. Ngày mồng năm tháng hai, Quang Trung năm thứ hai).
Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Lê Văn Long vẫn được lưu dung trong quân ngũ của vua Gia Long. Năm 1818, Lê Văn Long được tổng trấn Bắc thành là Lê Chất giao thống lĩnh trấn Sơn Nam Hạ. Lệnh ghi (bản dịch): “Quan Khâm sai Tổng trấn Bắc thành nay tạm giao trấn Sơn Nam Hạ cho ông Lê Văn Long trông coi. Ông ta người tổng Chiên Đàn, phủ Thăng Hoa, từng lập nhiều võ công hiển hách. Bởi đây quân số bổ sung chưa có người chỉ huy đã khá lâu, lại do trấn quân đích thân tấu xin.
Theo đó, nay tạm giao đội quân này cho ông ta thống lãnh, kẻ dưới quyền phải tuân lệnh làm việc cần mẫn, siêng năng, mẫn cán thừa lệnh này. Nếu ông ta không có công lao gì, lại trễ nãi công vụ sẽ y theo quân pháp xử lý.
Ngày 29 tháng 3 (1818) Gia Long năm thứ 17”.
Vì chuyện này mà đời sau nhiều người cố chấp cho rằng Lê Văn Long không tận trung với chủ cũ (nhà Tây Sơn). Đây là vấn đề lịch sử. Vả lại Gia Long nổi tiếng trả thù riêng, nhưng chỉ với những người “có nợ máu với dòng họ Nguyễn Phước, còn cha con ông Lê Văn Long khi theo Nguyễn Huệ cũng chỉ tham gia việc quân ở Đàng Ngoài, không trực tiếp “gây nên tội” với Nguyễn Ánh (Gia Long). Cho nên, không chỉ Lê Văn Long mà nhiều danh tướng của triều Lê và triều Tây Sơn không liên quan đến chiến trận Đàng Trong vẫn được Gia Long lưu dung.
Lê Văn Long mất năm 1856. Thi hài của ông được an táng tại huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, Quảng Nam. Năm 2010, gia tộc cải táng mộ Lê Văn Long về khu lăng mộ các danh tướng tộc Lê (Lê Tấn Trung, Lê Văn Thủ, Lê Văn Long), tại phường Trường Xuân.
Noi gương ông, nhiều lớp con cháu tộc Lê làng Trường Xuân, Tam Kỳ học hành giỏi giang, đỗ đạt làm quan trải các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức; cũng như trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nhiều con em tộc Lê xả thân vì nước và nhiều người có những đóng góp lớn trong sự nghiệp cứu nước.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về nhân vật lịch sử Lê Văn Long. Nhiều thông tin mang tính suy diễn và gượng ép, thiếu tôn trọng lịch sử. Nhân kỷ niệm 225 năm chiến thắng đồn Khương Thượng (1789-2014), bài viết này xin bày tỏ ước mong có một cuộc hội thảo khoa học về danh tướng Lê Văn Long để làm sáng tỏ những nghi vấn lịch sử đối với một con người mà gia phả dòng họ còn ghi, ấn sắc vua ban còn đó và ngay cả trong dân gian vùng Tam Kỳ còn truyền tụng về Lê Văn Thủ và Lê Văn Long:
“Ngày xưa ở huyện Lệ Dương,
Cha con phò mã lên đường ra đi
Tài kiêm văn võ ai bì
Tiếng tăm lừng lẫy một thì đánh Thanh
Lệnh vua tiến chiếm Bắc thành
Diệt đồn Khương Thượng lưu danh muôn đời
Xích gần hơn, qua (anh) nói đôi lời
Anh hùng khí tiết đời đời rạng soi....”
NGUYỄN NAY