Danh xưng Chămpa trên văn khắc ở Quảng Nam

VÕ VĂN THẮNG 15/01/2023 06:05

Có thể nói, vùng đất Quảng Nam vào đầu công nguyên đã có hai tên gọi. Hoặc là thủ phủ của “nước Lâm Ấp” - theo nhận diện của sử gia Trung Hoa, hoặc là “Campapura”, kinh thành của nước Chămpa - theo cách đặt tên của tầng lớp thượng lưu bản địa chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ.

Văn khắc tại di tích Mỹ Sơn.
Văn khắc tại di tích Mỹ Sơn.

Các thông tin về vùng đất Quảng Nam xưa được ghi lại ở hai nguồn có hình thức văn tự khác xa nhau; một bên là chữ Hán, loại chữ tượng hình ghi cả âm tiết thành một khối vuông; một bên là chữ Sanskrit, loại chữ dùng ký hiệu ghi từng âm vị rời nối tiếp nhau.

Việc đối chiếu để tìm ra sự đồng nhất của tên một vị vua Lâm Ấp ghi bằng chữ Hán trong sử Trung Hoa với tên một vị vua Chămpa ghi bằng chữ Sanskrit trong văn khắc là hết sức khó khăn, khiến một số người cho rằng đó là các vị vua của hai nước khác nhau.

Nguồn tư liệu từ văn khắc

Các cuốn sử chính thống của Trung Hoa từ triều đại nhà Hán (đầu công nguyên) cho đến triều đại nhà Đường (thế kỷ 7 - 9) đều có mục viết về nước Lâm Ấp ở khu vực miền Trung Việt Nam, khởi phát từ huyện Tượng Lâm (Quảng Nam ngày nay). Ngoài những ghi chép trong sử Trung Hoa, không có một chứng cứ nào khác tại thực địa nói đến danh xưng Lâm Ấp.

Trong khi đó, trên các văn khắc bằng chữ Phạn tìm thấy ở Quảng Nam có niên đại từ thế kỷ 7 đã có xuất hiện danh xưng “Campā” (Chămpa). Văn khắc ký hiệu C 73A (Mỹ Sơn, thế kỷ 6) có dòng chữ Phạn (Sanskrit), phiên ra chữ la-tinh như sau: campādeśe janayatu sukhaṃ śambhubhadreśvaro yam (nghĩa: cầu mong thần śambhubhadreśvara đem lại hạnh phúc cho đất nước Chămpa).

Văn khắc C135 (Thạch Bích, thế kỷ 7), có dòng chữ: śrī campeśvaro vijayï mahīpati…(nghĩa: vua Chămpa, luôn luôn chiến thắng, cai quản đất đai…). Trong các ngữ cảnh đó, Campā được hiểu là tên gọi của một xứ sở hoặc cả cư dân của xứ sở ấy.

Đặc biệt có văn khắc ký hiệu C 96 (Mỹ Sơn) là bản văn khắc sớm nhất có niên đại rõ ràng có nói đến danh xưng Campapura (có thể hiểu là đô thành Chămpa/dinh trấn Chămpa/nước Chămpa). Văn khắc này do vua Prakāśadharma Vikrāntavarman lập vào ngày thứ 10, tháng Tapasya, năm 579 của kỷ nguyên saka (tức là ngày 18 tháng 2 năm 658 sau công nguyên).

G. Maspero (1928) giải thích rằng Chămpa là tên một loài hoa và cũng là tên một xứ đất ở Ấn Độ. R. Majumdar (1927) cho rằng những người di dân từ Ấn Độ đã mang tên gọi quê hương của họ đến vùng đất mới ở Đông Dương.

 Theo chúng tôi, Chămpa là tên một tīrtha (vùng đất thiêng, nơi hành hương) có nói đến trong sử thi Mahābhārata. Ở khu vực Đông Nam Á, không chỉ các thần linh trong kinh sách Sanskrit được tôn thờ, mà tên các vùng đất, huyền thoại về các dòng họ trong các sử thi Ấn Độ cũng được sử dụng để đặt tên cho những vùng đất mới và tạo nên những huyền thoại mới.

Mối liên kết thú vị

Việc dùng danh xưng một tīrtha trong sử thi Mahābhārata để đặt tên cho vùng đất ở nơi xa với lục địa Ấn Độ cũng đã được ghi lại rất rõ trong văn khắc Văt Luong Kău, tìm thấy ở gần di tích Vat Phou (thuộc tỉnh Champassak, Lào), cách di tích Mỹ Sơn khoảng 400km về phía tây. Văn khắc Văt Luong Kău ghi lại việc một vị “vua lớn của các vua” (mahārājāhdhirāja), danh xưng là Śrī Devānīka, từ nơi khác đến vùng đất này, tiến hành nghi lễ để tạo dựng tại đây một tīrtha có tên là Kurukṣetra, cũng là tên gọi một tīrtha trong Mahābhārata.

Văn khắc ở Chămpasak (thế kỷ 5, Lào) ghi việc đặt tên vùng đất theo một “tirtha”.
Văn khắc ở Chămpasak (thế kỷ 5, Lào) ghi việc đặt tên vùng đất theo một “tirtha”.

Trong kinh Vệ Đà, “tīrtha” được hiểu là bến sông với nhiều ý nghĩa tâm linh, là nơi có sự hiện diện của thần linh, nơi có nguồn nước tinh khiết, tắm ở đó để được gột rửa tội lỗi, và cùng là nơi để vượt qua khổ đau trần thế để đi về bờ giác ngộ.

Trong sử thi Mahābhārata ,”tīrtha” có thêm ý nghĩa như là một địa điểm thiêng để kết nối với thần linh, là nơi tổ chức các cuộc tế lễ đem lại nhiều phước báu, và riêng việc “đi đến các tīrtha” (hành hương) cũng là một hành vi có được phước báu thay cho tế lễ.

Cho đến sau thế kỷ 6, khi danh xưng Chămpa đã xuất hiện trên văn khắc Quảng Nam thì các sử gia Trung Hoa vẫn dùng tên gọi “Lâm Ấp” để chỉ một đất nước ở giữa Giao Châu và Phù Nam, trùng khớp với địa bàn tìm thấy các văn khắc Sanskrit có danh xưng Chămpa.

Một điều thú vị là, vào thế kỷ 7, nhà sư Huyền Trang, một đại tăng đời nhà Đường (Trung Hoa) đến Ấn Độ thỉnh kinh, khi đến bờ biển phía đông của Ấn Độ, nhà sư hỏi thăm về các xứ sở ngoài biển của Ấn Độ và được kể về một nước “Đại Chămpa” ở xa về phía đông.

Nhà sư thuật lại trong tác phẩm “Đại Đường Tây Vực ký” như sau: “Từ đây đi về phía đông bắc phía bên đại dương, giữa núi có nước Śrīkṣetra, xa về phía đông nam cạnh bờ biển có nước Kāmalaṅka, tiếp đến phía đông có nước Dvārapatī ; tiếp theo phía đông có nước Īśānapura; tiếp theo phía đông có nước Mahācampā, tức bên ta gọi là Lâm Ấp vậy.”

Điều này cho thấy lúc bấy giờ ở Ấn Độ có người đã biết đến tên gọi một đất nước là Mahācampā (Nghĩa là: Chămpa Lớn/Đại Chiêm) ở phía đông nước Īśānapura (thuộc địa phận Campuchia hiện nay). Sư Huyền Trang ghi trong bút ký của mình rằng nước Mahacampa chính là nước được người Trung Hoa gọi là Lâm Ấp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Danh xưng Chămpa trên văn khắc ở Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO