Sắc hoa, màu lá, rồi màu từ mái nhà, tường rêu, cả màu áo của ai đó hiện dần trong khu vườn xưa. “Dạo chơi vườn Huế” - một triển lãm tranh cùng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, khai mạc vào cuối tuần này, nhằm chào mừng Festival Huế 2024.
Vẽ, để cùng yêu lại
Từ những phong cách tạo hình cổ điển hay hiện đại, cho đến nghệ thuật lập thể, siêu thực, trừu tượng, dẫu qua thời gian đều sẽ chuyển tải những cảm xúc của giới hội họa về cái đẹp.
Đó cũng là những ý niệm trong câu chuyện được nhà văn nổi tiếng Henry Miller (1891-1980) tóm tắt ở tiểu thuyết “Vẽ là để yêu lại lần nữa”. Một câu chuyện về nghệ thuật thị giác mà các họa sĩ đều phải thốt lên: nói trúng chóc! Vẽ, để cùng “yêu lại”.
Những người yêu hội họa chắc phải biết họa sĩ Marc Chagall người Nga, gốc Do Thái. Họa sĩ nổi tiếng với cách vẽ viễn tưởng được xếp vào trường phái siêu thực. Sinh ra ở làng nhỏ Vitebsk, nay thuộc Belarus, những năm sống ở Paris nhưng tâm hồn ông vẫn nhớ về quê mình. Yêu trong nỗi nhớ để vẽ nên bức tranh “người đàn ông khổng lồ chơi cây vĩ cầm đỏ” với kiểu tạo hình bay lơ lửng như thiên thần. Đây là hình ảnh mà danh họa đã thường xuyên gặp người hát dạo chơi đàn vĩ cầm trong làng mình.
Triển lãm “Dạo chơi vườn Huế” khai mạc ngày 8/6 tại vườn xưa ở Kim Long, cà phê KODO, số 36-38 Nguyễn Phúc Nguyên (TP.Huế).
Những câu chuyện về hội họa để khơi dòng cảm xúc của cuộc triển lãm cuối tuần này. Chúng tôi, những họa sĩ đều gắn với kỷ niệm về Huế. Và chúng tôi chọn “dạo chơi vườn Huế”, như cách để về lại khu vườn đầy kỷ niệm với những nỗi nhớ, những giấc mơ đầy màu sắc.
Sắc hoa màu nhớ
Khu vườn thoáng lấp lánh hình bóng của Tôn nữ trong trang phục kiêu sa, ẩn chút khiêm cung của bóng rồng, phượng… trong tranh của Nguyễn Thượng Hiền.
Rồi sắc tím - sắc màu của Huế, trong những bức họa mang tên Hương đồng, Hương lau, Huế mùa Phật đản của Nguyễn Thượng Hải.
Còn tôi, mang về quê xứ Huế của mình với chân dung “Chị tôi”, “Vườn thiêng” và “Bên thềm hoa” - mô tả các chân dung phụ nữ yêu quý trong gia đình trong vườn xuân nở rộ, ngập đầy sắc màu hoa lá…
Triển lãm “Dạo chơi vườn Huế” có thêm sự góp mặt của hai họa sĩ đến từ xứ Quảng. Là Võ Như Diệu với một thời gian học tập ở khu vườn lớn của Trường Đại học Nghệ thuật - Đại Nội, cả ở trọ trong vườn có tên Tuyệt Tình Cốc đầy sắc màu hoa quý của người chủ yêu hoa kiểng.
Họa sĩ Diệu mang đến những tác phẩm: Bến xưa, Dáng xưa, Rose, Bất chợt mưa - đó là cả khung trời kỷ niệm của chàng trai trẻ.
Họa sĩ Phan Tiến Dũng cũng một thời trai trẻ yêu khung trời mộng mơ của xứ Huế. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật nơi cố đô, cũng một thời lang thang qua nhiều công viên, khu vườn cổ. Và có lẽ, đọng trong trí nhớ là hình ảnh của người chơi đàn qua các tác phẩm anh mang đến triển lãm, từ Độc huyền cầm, Ngọn đèn của mẹ, Quà của mẹ.
Ngạc nhiên hơn với nữ họa sĩ Hoàng Thị Như Ý, khi chị gởi đến những bức tranh vẽ hoa tham gia triển lãm. Đúng như tên gọi “Dạo chơi vườn ngũ sắc” (chữ của nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc), những tác phẩm có kích thước nhỏ nhưng cho người xem cảm giác đang đi dạo trong khu vườn cổ tích đầy hoa lá.
Và sẽ còn đọng lại với người xem lời tâm sự của họa sĩ Đặng Mậu Tựu như một nhắn nhủ: “Ta về ta tắm ao ta” - với tác phẩm “Về lại nhìn trời nhà mình” của anh. Với hình ảnh cô gái nhìn ngắm khung trời, xung quanh đầy sắc hoa lá, gợi cho người xem vẻ đẹp độc đáo của vườn Huế.
Cuộc dạo chơi vào khu vườn của xứ Huế, với cả không gian lẫn thời gian đều có sắc và hương. Triển lãm trưng bày 39 bức tranh của 7 họa sĩ với nhiều chất liệu phong phú, từ sơn dầu, Acrylic, lụa, in, giấy. Các tác phẩm với nhiều phong cách thể hiện đặc trưng của mỗi tác giả.
Yêu, nhớ và yêu - nhớ lại, là hoa lá, sắc hương xưa, khung trời cũ. Chúng tôi mong “Dạo chơi vườn Huế” sẽ không chỉ dành cho người yêu Huế, mà sẽ là khu vườn của nguồn cảm hứng về nghệ thuật cho người cầm cọ.