Đảo khỉ nghìn con

TRÀ SƠN 03/01/2020 13:40

Mất chừng 10 phút xuồng máy là có thể đặt chân lên đảo khỉ, một hòn đảo nằm giữa biển, cách Nha Trang 15 cây số về phía bắc. Nơi đây có khoảng 1.000 con khỉ, chuyên mua vui cho du khách. Đây là hòn đảo có số khỉ lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Thân thiện với du khách. Ảnh: T.SƠN
Thân thiện với du khách. Ảnh: T.SƠN

Khỉ “nói hai thứ tiếng”

Anh xà ích Phạm Văn Bình vừa giật dây cương cho con tuấn mã lồng lên, tay chỉ về phía đám khỉ lố nhố trong bụi rậm: “Trong đám khỉ đó có con khỉ già, sống trên 30 năm rồi, nói được cả tiếng Nga lẫn tiếng Việt đấy”. Nói rồi Bình cười, thay cho lời đính chính rằng anh đang đùa. Bình kể, đám khỉ già có tuổi thọ trên 30, nay còn sống không mấy con. Con khỉ già mà Bình vừa nhắc, được những công nhân ở đây đặt cho nó cái tên là “khỉ thái giám”. Vì sao có cái tên ngồ ngộ này, xin được kể ở phần sau.

Năm 1984, Liên Xô đã chọn hòn Lao làm nơi nuôi khoảng 170 con khỉ để nghiên cứu bào chế vắc xin. Được mấy năm thì chính biến ở Liên bang Xô viết, đám khỉ bị bỏ rơi. Tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty Khatoco quản lý. “Nhưng nuôi lũ khỉ lúc bấy giờ chẳng biết để làm gì, mà làm thịt chúng thì mang tội. Thấy có một số du khách ra đảo tham quan, họ có vẻ thích thú với việc “bè bạn” với khỉ, công ty quyết định biến hòn đảo này thành nơi nuôi khỉ, chuyên phục vụ du khách” - ông Trần Huy Tự, người gắn với đám khỉ ở đảo qua “hai thời kỳ”, nhớ lại.

Từ đó, đàn khỉ được chăm sóc chu đáo, chúng sinh con đẻ cái thành bầy đàn. Năm 1996, “dân số” khỉ ở đây chưa đến 200 con, nay đã hơn 1.000. Khỉ tăng từng năm, lượng khách đặt chân lên đảo cũng tăng theo. Như năm nay đảo đón hơn 200.000 lượt người đến đây xem khỉ!

Anh Bình khoe rằng những năm trước, khách Nga chiếm số đông còn vài năm nay có cả khách các nước phương Tây nữa. “Vậy nên lũ khỉ giờ còn nói được cả tiếng Anh nữa đấy” - Bình lại cười sảng khoái, thúc con Jemmi - tên chú ngựa, phi nước kiệu. Anh giơ tay chào tạm biệt con Chít - tên một chú khỉ mồ côi đã gắn bó với Bình từ nhiều năm nay, trước khi chiếc xe ngựa lăn bánh sang một lãnh địa khác.

Trong thế giới của khỉ

Khỉ sống bầy đàn nên tôn ti trật tự trong thế giới của chúng cũng rất nền nếp. Anh Lê Phú Điệp, sếp của đảo Khỉ, giải thích điều thắc mắc rằng tại sao khi thấy du khách đến đảo, một số con khỉ xông vào “đòi” quà, thậm chí cướp giật túi xách, còn nhiều con lại tha thẩn một mình nơi “xóm vắng” chứ không nhập bọn: “Vì ở đây chia thành 3 xóm. Xóm thứ nhất gọi là “xóm bụi đời”, toàn thu nạp đám khỉ “ngoài vòng pháp luật”, tiếp theo là “xóm Hoa Quả Sơn” - nơi có núi nhân tạo Hoa Quả Sơn, cuối cùng là “xóm cây si”, nơi có nhiều cây si sát biển. Lũ khỉ ở “xóm cây si” là yếu thế nhất nên không dám bén mảng đến xóm Hoa Quả Sơn để tranh quà du khách với lũ khỉ ở đây. Ranh giới của những xóm này đôi khi chỉ là một vệt cỏ dại vắt ngang con đường mòn. Mỗi con khỉ đều rất ý thức về giới hạn lãnh địa của mình. Nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt rất nặng”.

Tôi đặt câu hỏi: “Vì sao gọi là xóm bụi đời?”, anh xà ích tên Bình chen ngang: “Xóm này thu nạp toàn lục lâm thảo khấu ở các xóm khác về. Để chiếm được “người đẹp” trong lãnh địa của mình, các con khỉ đực phải chứng tỏ sức mạnh và vai trò thủ lĩnh của nó. Những cuộc “so găng” thường xuyên xảy ra. Con khỉ đực nào thua cuộc, liền bị con khỉ thắng khai trừ khỏi bầy đàn. Con khỉ thua cuộc đành nhập vào “xóm bụi đời”. Vì không có thủ lĩnh nên xóm này rất lộn xộn, vô tổ chức. Du khách hay bị giật túi xách và điện thoại là từ những con khỉ bụi đời này. Trong xóm bụi đời, ngoài đám thất sủng còn có cả những con khỉ lang thang cơ nhỡ nữa. Chúng là những trẻ mồ côi, bố mẹ mất sớm nên chúng nhập bọn này, chuyên “xin” quà du khách. Con Chít lúc nãy nhảy lên xe ngựa chúng ta là một đứa trẻ mồ côi như thế”.

Chít được anh Bình quan tâm chăm sóc từ tấm bé nên bén tiếng quen hơi với người xà ích vui tính này. Mỗi sáng, nó hay ra đứng trong bụi rậm ven đường, hễ nghe tiếng xe ngựa leng keng quen thuộc là nó lao ra, nhảy phóc lên càng xe, “chào” Bình một tiếng, không quên chìa tay ra xin một gói đậu phụng.

Nghe Bình kể về lũ khỉ “thất trận” ở xóm bụi đời, tôi đặc biệt chú ý chi tiết này: Không phải con khỉ bại trận nào cũng chấp nhận thân phận của kẻ thua cuộc suốt đời mà ngày đêm nó “luyện chưởng” để phục hận. Nhiều con đã thành công trong việc lấy lại ngôi vương bằng chính năng lực của mình. Hóa ra trong thế giới của loài khỉ, sự sòng phẳng và công tâm đôi khi còn rõ ràng hơn thế giới của loài người. “Với khỉ, không có chuyện làm vua suốt đời nếu như anh kém” - Bình kết luận. Riêng con “khỉ thái giám”, kẻ đã một lần thua cuộc trong việc giành gái đẹp bị đối phương tước đi cái quyền làm con đực, thì được thế giới khỉ ở xóm Hoa Quả Sơn “tôn vinh” như thái thượng hoàng. Suốt ngày nó chỉ làm mỗi một việc là trông coi đám khỉ con mới sinh xem có con nào rơi rớt đâu không, đồng thời phát hiện xem có gã trai tơ nào mật tập lẻn vào “đánh quả” chị em trong xóm để mà “báo động” với cả đàn.

Mang chuyện ở đảo khỉ, nhất là chuyện yêu đương trai gái, tranh giành ngôi báu của loài khỉ để kể với người bạn, tôi nhận từ cô một cái nguýt rõ dài: “Cái đồ khỉ!”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đảo khỉ nghìn con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO