Đạo nghĩa tiền hiền xứ Quảng

TRẦN ĐÌNH HẰNG 23/01/2023 07:32

(Xuân Quý Mão) - Gia tộc và làng xã là hạt nhân căn bản cho quá trình “tàm thực” (tằm ăn dâu), lan tỏa văn minh Việt từ châu thổ sông Hồng, sông Mã dần vượt Hoành Sơn - Hải Vân Sơn.

Lễ giỗ tiền hiền làng Mỹ Thạch (Tam Kỳ). Ảnh: T.L
Lễ giỗ tiền hiền làng Mỹ Thạch (Tam Kỳ). Ảnh: T.L

Qua nhiều mốc son lịch sử cụ thể, nhất là từ thời Hồng Đức (1470 - 1471), rồi dấu ấn trấn/dinh Quảng Nam thời chúa Nguyễn..., xứ Quảng Nam mở mang, phát triển, trở thành đất căn bản cho bước đường mở cõi về Nam.

Làng Câu Nhi (Điện Bàn) có văn bản năm Duy Tân 2 (1908) cho biết tiền nhân họ Thân đến từ châu Ái, thời nhà Hồ thu phục đất mới, đã lập xã hiệu nhưng do căng thẳng, ngài trở về quê cũ.

Đến cuối năm 1470, ngài thủy tổ Thân Phúc Cẩm trong quân vụ Nam chinh, năm sau chiến sự khải hoàn bèn hưởng ứng triều đình kêu gọi khuyến khích người ở lại mở mang làng xã nên sáu cha con họ Thân cùng các ngài họ Nguyễn, Đỗ, Trà, Trần, Kế và Ngô định cư, khai lập xã hiệu Câu Nhi sau 3 năm.

Ở làng Quảng Đại (Đại Lộc), văn bản về ngài khai canh họ Nguyễn thời Cảnh Trị (1664) cho biết ngài thủy tổ Nguyễn Văn Thiết đến từ xã Khuông Phụ (Hải Dương), theo vua Lê Thánh Tông nam chinh thắng lợi.

Hưởng ứng chính sách mở cõi của triều đình, ngài tình nguyện ở lại cùng các ngài Nguyễn Viết Lợi, Lê Nhân, đồng lòng đến Quảng Đại dựng miếu vũ, định cư, cùng bỏ tiền mộ dân khai phá đất hoang, lập thành làng xóm, truyền đời con cháu càng phát đạt.

Năm Đồng Khánh 3 (1887), làng Quảng Đại đồng thuận thiết đặt Tiền hiền tự điền để tôn vinh các ngài có công mở đất, tu chỉnh đinh - điền bạ, công đức vô lượng cho hậu thế.

Đến cuối thế kỷ 19, làng xã định lệ phụng thờ chung, “hưởng đức mà chưa đền ơn, thì lấy lễ để bày tỏ tình cảm, cúng tế do nghĩa xuất phát từ lòng người” nên đặt 4 mẫu tự điền, thường niên hội tế Tiền hiền Hậu hiền vào tiết Thanh minh tháng 3. Lệ tự điền nói rõ, giao cho con cháu 7 họ canh tác với những diện tích cụ thể (từ 2 sào đến một mẫu 2 sào): họ Nguyễn Văn, Lê Văn, Nguyễn Đăng, Trần Văn, Nguyễn Chính, Lê Phúc, Lê Quốc...

Trong năm ai đảm nhận hương chức, xét các họ tùy lớn nhỏ mà chia ruộng nhiều hay ít để canh tác. Hằng năm vào tiết Thanh minh, trước ngày kỵ 10 ngày, phải chuẩn bị tiền 30 quan/mẫu giao trước để lo sắm lễ vật. Ai đem tự điền cho người khác thuê làm mà trễ hạn nộp tiền thì bị phạt 1 con heo, 1 mâm cau trầu rượu để lo việc thờ cúng, răn đe theo nghiêm lệ.

Văn bản “Cung lục truy ân” của họ Trần (thôn Trường An, Điện Bàn) thời Tự Đức (1861) nhấn mạnh công lao khai phá mở đất lập làng ở xứ nguồn Ô Da của ngài thủy tổ đến từ xã Khuông Phụ (Nghệ An) năm Nhâm Thìn (1712).

Gia phổ họ Nguyễn xã Lộc Trường (Đại Lộc) nhấn mạnh: “Con người có tổ, có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn. Nếu không tỏ tường gốc tích thì làm sao mà lưu truyền được”.

Ngài thủy tổ Nguyễn Đức Chương người xã Phù Hoa (Nghệ An), đến xã Đơn Uyên (Quảng Ngãi) rồi ra Trà Kiệu (Quảng Nam). Trong ba người con, có Nguyễn Đức Hầu đến nguồn Ô Da, khai phá Trường An. Tờ đơn năm Tự Đức 6 (1853) nói ngài tằng tổ có công lập bạ nên khi hương thôn có việc lễ lệ, đều cho rằng nổi bật công khai sáng, được dự ngôi tiền hiền.

Một tờ khai đất đai thời Thái Đức (1785) cho biết xã Cẩm Phô vốn thuộc nội phủ (phủ Chúa thu thuế). Một văn bản về việc tế Khai cơ và Tiên hiền thời Gia Long (1809) cho thấy tín ngưỡng tiền hiền sớm định hình, điển chế hóa là một đại lễ chốn làng quê Quảng Nam, phải dùng heo bò trâu theo lệ tam sanh.

Làng họp định lệ Xuân Thu tế lễ: ngày 14/8 làm lễ cáo tại đình (dùng kim ngân, tiền giấy và bàn soạn hương đèn), cung nghinh tiên vị của ngài lập miếu họ Hoàng. Ngày 15/8 và ngày 16/2 tế lễ tiền hiền (chính tế dùng heo, bò, trâu hạng nhất). Dù ngắn gọn nhưng đây là hương ước đặc biệt của làng về đời sống lễ nghi, tôn vinh đạo nghĩa tiền hiền.

Từ truyền thống hiếu nghĩa đặc biệt đó, các làng luôn nhấn mạnh “không có người đi trước gian nan mở lối thì làm sao lớp sau có được bạ tịch đất đai. Không có người sau giỏi giang tiếp nối, thì làm sao công lao khai sáng của người trước được rạng rỡ”.

Trong thực hành đời sống lễ nghi, di sản Hán Nôm có nhiều thông tin quan trọng mang tính nền tảng cho sự hình thành, phát triển văn hóa làng xã, dòng họ Quảng Nam, tôn vinh định hình nên tín ngưỡng tiền hiền mang đậm đạo lý Việt trên vùng đất mới.

Vấn đề cấp thiết đặt ra là cần xây dựng cơ chế, chính sách, phương thức hỗ trợ theo hướng xã hội hóa cho cộng đồng làng xã và gia tộc trong việc bảo quản hiện vật, bảo tồn di sản văn hóa Hán Nôm, đời sống lễ nghi. Trân trọng di sản của tiền nhân, khơi gợi giá trị cốt lõi để thiết thực giáo dục truyền thống, bồi bổ đạo hiếu tiền hiền - uống nước nhớ nguồn xứ Quảng.

Dữ liệu hóa di sản Hán Nôm theo cách làm của Quảng Nam hiện nay có ý nghĩa khoa học và thực tiễn để cập nhật dữ liệu, phân tích xử lý để bảo tồn, phát huy giá trị di sản hữu hiệu. Tiền hiền - gia tộc xưa mở cõi lập làng, phát quang phong khí thì bồi bổ nguyên khí để vững bền gốc rễ từ cội nguồn gia tộc, làng xã - nhà nước hiện nay lại càng muôn phần ý nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đạo nghĩa tiền hiền xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO