Đảo Phan Vinh kiên cường nơi đầu sóng

HÀ DƯƠNG 27/04/2013 08:11

Nằm giữa biển trời bao la có một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa mang tên người con đất Quảng  - Phan Vinh. Ở nơi đó, các chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống quê hương người anh hùng được đặt tên cho đảo.
Huyền thoại Phan Vinh

Đảo Phan Vinh nằm ở tọa độ 8 độ 58 phút 00 vĩ độ bắc - 113 độ 41 phút 30 giây độ kinh đông. Hòn đảo mang tên người anh hùng đất Quảng đã đi vào huyền thoại. Nguyễn Phan Vinh sinh năm 1933, tại xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh là Trung úy - Thuyền trưởng tàu C235, Đoàn 125, Quân chủng Hải quân.

Mốc chủ quyền trên đảo Phan Vinh.
Mốc chủ quyền trên đảo Phan Vinh.

Mùa khô năm 1967, sau những thất bại nặng nề trên khắp chiến trường miền Nam, “Chiến lược chiến tranh cục bộ” của Mỹ bị phá sản. Đảng ta chủ trương chuyển cuộc cách mạng của nhân dân  miền Nam sang thời kỳ mới. Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã vạch kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Trong cuộc tổng tiến công chiến lược này, Quân chủng Hải quân được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là tiếp tế vũ khí cho quân dân miền Nam. Đơn vị nhận nhiệm vụ này là Đoàn 125. Trước tình hình nóng bỏng của chiến trường, lãnh đạo Đoàn  khi đó đã táo bạo cho 4 tàu cùng xuất phát vào một thời điểm tới 4 vùng biển khác nhau để đánh lạc hướng địch. Tàu C56 cập bến Lộ Giao (Bình Định), tàu C43 cập bến Đức Phổ (Quảng Ngãi), tàu C156 vào cửa Vàm Lũng (Cà Mau) và tàu C235 vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa).

Ảnh Nguyễn Phan Vinh được trưng bày tại hội trường của đảo.
Ảnh Nguyễn Phan Vinh được trưng bày tại hội trường của đảo.

Ngày 27.2.1968, tàu C235 được lệnh xuất phát, mang theo 14 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho Khánh Hòa. Quân số của chuyến đi này là 20 người, thuyền trưởng là Trung úy Nguyễn Phan Vinh - người đã 11 lần đi trên các con tàu của “Đoàn tàu Không số”. Đến 18 giờ ngày 29.2.1968, tàu C235 cách Nha Trang khoảng 10 hải lý thì bị địch phát hiện. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh xác định tàu bị lộ nên tranh thủ thời cơ đưa nhanh tàu vào bến vì cự ly không xa. Đến 23 giờ ngày 29.2, khi tàu cách Hòn Hèo khoảng 6 hải lý thì gặp 5 tàu tuần tiễu của Hải quân ngụy dàn hàng ngang tiến ra, sau đó còn thêm 3 tàu lớn của ngụy là HQ12, HQ617 và Ngọc Hồi cùng triển khai đội hình bao vây. Thuyền trưởng Phan Vinh đã mưu trí thả khói mù, cho tàu đến đúng vị trí bến quy định - địa điểm thuộc xã Ninh Phước, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Anh cho tàu thả hàng xuống biển và nhanh chóng di chuyển tàu sang vùng biển xã Ninh Vân, nhằm không để lộ vị trí thả hàng.

Ngày nay, đến với đảo Phan Vinh, chúng ta thấy một hòn đảo xanh tươi nằm ở cực đông của Tổ quốc. Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước cũng như nhân dân trong đất liền, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh có đời sống về vật chất cũng như tinh thần ngày càng tốt hơn.

Lúc này địch đã khép chặt vòng vây và gọi thêm máy bay đến yểm trợ. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, máy chính của tàu C235 đã bị hỏng. Tàu không thể cơ động được. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh hội ý chớp nhoáng và quyết định hủy tàu, không để lọt vào tay địch. Anh cho đồng đội rời khỏi tàu trước, chỉ còn mình và Thượng sĩ Ngô Văn Thứ (kỹ thuật cơ điện) ở lại kích hoạt khối thuốc cho nổ tung con tàu. Cuộc chiến đấu tiếp diễn đến ngày hôm sau, các chiến sĩ quyết không để sa vào tay địch. Cán bộ, chiến sĩ của tàu lần lượt hy sinh, riêng Nguyễn Phan Vinh chiến đấu anh dũng cho đến lúc hết đạn và anh đã dành cho mình quả lựu đạn cuối cùng. Mười bốn cán bộ, chiến sĩ tàu C235 đã vĩnh viễn nằm lại trên vùng biển Hòn Hèo.

Chuyển quà lên đảo Phan Vinh.
Chuyển quà lên đảo Phan Vinh.

Trận chiến đấu của tàu C235 mà người con xứ Quảng - Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng đã thành mốc son trong lịch sử của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ngày 25.8.1970, Nguyễn Phan Vinh được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa truy tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa, tên anh đã được đặt cho một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa mà chúng ta vẫn luôn tự hào - đảo Phan Vinh.

Kiên cường nơi đầu sóng

Tiếp nối truyền thống, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ hòn đảo mang tên người anh hùng Nguyễn Phan Vinh. Chiến sĩ Nguyễn Văn Hoan (nhập ngũ tháng 2.2012, quê ở Kim Sơn, Ninh Bình) chia sẻ: sau 3 tháng huấn luyện, tôi được phân công ra công tác tại đảo. Thật vinh dự khi được cầm súng, giữ vững hòn đảo mang tên người anh hùng huyền thoại. Mặc dù lúc mới ra đảo cũng gặp không ít khó khăn nhưng nhờ có sự sẻ chia, đùm bọc và hướng dẫn của những người đi trước, tôi đã vượt qua khó khăn, hiện giờ là trắc thủ ra đa của đảo. Sau khi hết thời gian nghĩa vụ tôi sẽ tiếp tục đi học để sau này xin được gắn bó lâu dài với đảo Phan Vinh nói riêng và lực lượng Hải quân Việt Nam nói chung.

Trong chuyến công tác ra thăm và động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa vào đầu tháng 4.2013, Thiếu tướng Bùi Sỹ Trinh - Phó Chủ nhiệm chính trị Hải quân (Quân chủng Hải quân) khi đến thăm đảo đã xúc động nói: “Đây là hòn đảo mang tên người anh hùng Nguyễn Phan Vinh. Phát huy những thành quả đã đạt được, tin rằng trong thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh tiếp tục chắc tay súng xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, tốt về lối sống, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Để đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, các lực lượng quân y, hậu cần… trên đảo được coi trọng nhằm đảm bảo sức khỏe cho các anh. Bác sĩ Đặng Hồng Nam (Trưởng Trạm xá đảo Phan Vinh) cho biết: “Việc quan tâm, chăm sóc và động viên bộ đội trên đảo là nhiệm vụ thường xuyên của chúng tôi. Từ đầu năm đến nay, trạm xá đã thăm khám, chữa bệnh cho khoảng hơn 100 lượt cán bộ, chiến sĩ. Với nguồn thuốc chữa bệnh từ Cục Quân y cấp, chúng tôi còn chia sẻ cho khoảng 50 lượt ngư dân đánh bắt trên biển bị đau ốm và ghé đảo khám chữa bệnh. Hiện chúng tôi mong muốn có thêm một số trang thiết bị, máy móc như máy trợ thở, máy siêu âm, máy trợ tim… để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho bộ đội và ngư dân được tốt hơn”.

Mặc dù việc tăng gia sản xuất trên đảo cực kỳ khó khăn nhưng đảo Phan Vinh luôn đi đầu trong công tác này. Đại úy Đỗ Xuân Hưng - Trợ lý hậu cần đảo bộc bạch: “Do điều kiện thời tiết thất thường, thiếu thốn nguồn nước đã làm cho rau xanh không thể lớn được. Nhưng với quyết tâm tăng gia, chúng tôi đã tìm tòi, nghiên cứu, cuối cùng rút ra được rằng chăm sóc rau ở đảo phải cẩn thận, chăm chút như chăm cây cảnh trên đất liền”. Chính vì vậy, mỗi tháng đảo thu hoạch được khoảng 3 tạ rau gồm cải, rau muống, mồng tơi. Không những thế, hiện  bộ đội đảo Phan Vinh còn nuôi được gần 150 con gà, vịt, ngan và 5 con heo…

Thiếu tá Hoàng Văn Phước - Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh cho biết, với nhiệm vụ phải thường xuyên luyện tập, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ đảo mang tên người anh hùng Nguyễn Phan Vinh luôn xác định tâm thế là còn người còn đảo, để xứng đáng với những thế hệ trước đã hy sinh xương máu bảo vệ đất nước.

HÀ DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đảo Phan Vinh kiên cường nơi đầu sóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO