Kết luận tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục tháng 5.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị sớm đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy của các trường học một cách sâu sắc và thực tế hơn.
Đại sứ Israel tại Việt Nam trao đổi kinh nghiệm về khởi nghiệp tại SURF 2018. Ảnh: X.LAN |
Khát… nhân sự
TS. Võ Duy Khương - Chủ tịch Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) cho biết, hơn 2 năm qua DNES đã ươm tạo được 40 dự án khởi nghiệp lựa chọn từ hàng trăm dự án đăng ký. Hầu hết dự án khi được chọn có ý tưởng rất hấp dẫn, như làm kính cho người khiếm thị, đặc sản ẩm thực Việt, thực phẩm từ dế…, tuy nhiên sau đó một số dự án đã dừng hoạt động. Có những dự án đoạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp cả nước, nhưng sau thời gian ươm tạo, lập được doanh nghiệp khởi nghiệp và có sản phẩm ra thị trường thì hiện nay cũng rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Theo ông Khương, điểm chung của các dự án này là nhân sự (thường là sinh viên đang học tập hoặc mới ra trường) tự tin quá mức vào khả năng của mình, vẽ ra dự án cả “triệu đô” trong khi bản thân chưa tìm hiểu, trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về mô hình và hoạt động của một doanh nghiệp startup như thế nào, nên khi gặp những rắc rối ban đầu đã vỡ trận.
“Để việc giảng dạy môn học khởi nghiệp hiệu quả trong các trường đại học, cần có tư duy đổi mới, sự đầu tư của Ban giám hiệu, hỗ trợ đội ngũ giảng viên xây dựng đề cương chi tiết, bài giảng, tham gia các khóa đào tạo, cập nhật kiến thức, mở rộng mạng lưới với cộng đồng khởi nghiệp ở địa phương và cả nước”. (TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu & đào tạo Việt - Anh Đại học Đà Nẵng) |
“Thiếu vốn” - đó là câu cửa miệng của hầu hết startup. Đến khi được nhà đầu tư cấp vốn, thì lời than vãn ngay lập tức chuyển thành “thiếu người”. Tuyển dụng xong thì đến đoạn “thiếu công nghệ”. Xử lý xong, thế nào cũng đến “thiếu sự sẵn sàng của thị trường”. Mà cho dù xong đoạn nào, thì cũng có đoạn “thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng”. Bởi vậy, ngay từ đầu, có lẽ mỗi người trong hệ sinh thái khởi nghiệp, cần “bày trận” cho đủ 5 nguồn vốn quan trọng này mới có thể yên tâm khởi nghiệp.
Ông Trần Nguyên - Giám đốc DNES chia sẻ, gần 3 năm tham gia với cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, điều quan trọng mà DNES rút ra được là chuyện “con người” mang tính chất quyết định sống còn với một dự án khởi nghiệp. Bởi vậy, ngay từ đầu, DNES chủ trương lựa chọn các dự án ươm tạo dựa vào mức độ cam kết của đội ngũ sáng lập dự án. “Hai trong số những bài học quan trọng mà chúng tôi học được từ quốc gia khởi nghiệp Israel là: không ai khởi nghiệp một mình, phải luôn có đội ngũ; khởi nghiệp không phải là một cuộc dạo chơi mà nó là một cuộc dấn thân, cam kết và dành trọn thời gian, tâm huyết” - ông Trần Nguyên chia sẻ.
Miền Trung là đất học, con người nổi tiếng cần cù và chịu thương, chịu khó. Nhưng dải đất nghèo này phải chịu nắng, gió và bão lũ khắc nghiệt nên văn hóa “mạo hiểm” vẫn chưa vượt qua được rào cản “ăn chắc mặc bền”. Làm thế nào để nguồn vốn con người được được phát huy tốt nhất, đặc biệt là từ hệ thống các trường đại học (ĐH), cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn luôn là trăn trở. Bởi thế mà Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp quốc tế Đà Nẵng lần 3 - SURE 2018 được tổ chức hồi cuối tháng 6 với mong muốn tạo ra những làn gió mới, kéo theo những luồng chảy mới về nhân tài từ nhiều nơi khác nhau tề tựu về Đà Nẵng để làm dày thêm vốn nhân sự nơi đây.
Ươm mầm từ đại học
“Hai trong số những bài học quan trọng mà chúng tôi học được từ quốc gia khởi nghiệp Israel là: không ai khởi nghiệp một mình, phải luôn có đội ngũ; khởi nghiệp không phải là một cuộc dạo chơi mà nó là một cuộc dấn thân, cam kết và dành trọn thời gian, tâm huyết” (Trần Nguyên - Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng) |
Có thể nói, đào tạo khởi nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hệ thống giáo dục khắp nơi trên thế giới. Bởi lẽ, đó là phương thức rất hiệu quả để gia tăng số lượng nguồn doanh nhân cho đất nước từ sinh viên - học sinh, tuổi trẻ tràn đầy hoài bão. Để nâng cao chất lượng giảng dạy học phần “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tại các trường đại học (ĐH) ở Việt Nam, đã có một số chương trình đào tạo giảng viên được thực hiện. Điển hình là chương trình đào tạo giảng viên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thuộc Chương trình đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2). Từ năm 2015 đến nay, chương trình này đã đào tạo, cấp chứng chỉ cho 12 chuyên gia tư vấn, gần 100 giảng viên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đến từ 40 trường ĐH, cao đẳng trên toàn quốc. Tại TP.Đà Nẵng, trong khuôn khổ dự án Xây dựng Trung tâm khởi nghiệp công nghệ cao do Hội đồng Anh hỗ trợ, Viện Nghiên cứu & đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) đã phối hợp với hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố tổ chức khóa đào tạo khởi nghiệp cho 25 giảng viên trong toàn thành phố.
Các chương trình đều có tác động đáng kể đến suy nghĩ, tư duy và bước đầu giúp các giảng viên thay đổi phương pháp giảng dạy khởi nghiệp theo hướng tinh gọn, hiện đại trong đào tạo khởi nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai giảng dạy môn học này như thế nào trong các trường ĐH cho hiệu quả vẫn chưa được bàn thấu đáo. Trên thực tế các trường ĐH đã ít nhiều đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo. Chẳng hạn, tích hợp vào môn Chiến lược thành môn “Chiến lược và khởi nghiệp” tại ĐH Ngoại thương; “Lập kế hoạch kinh doanh” tại ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng và ĐH Duy Tân đã đưa chương trình vào đào tạo cho ngành Quản trị kinh doanh từ hơn 10 năm trước.
TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) cho biết, nhà trường thậm chí đã đưa môn học này vào giảng dạy cho sinh viên năm thứ nhất với cả ngành khoa học và kỹ thuật, thế nhưng môn học này hiện vẫn giảng dạy rất khác nhau về cả nội dung và phương pháp. Hiện nay có nhiều giáo trình khởi nghiệp của nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt, tuy nhiên cần nghiên cứu chọn lựa những chuyên đề phù hợp và viết thêm những chuyên đề sát với thực tiễn của Việt Nam. Nội dung chương trình có thể tập trung vào các nhóm chuyên đề như: xây dựng tinh thần khởi nghiệp; thiết kế tư duy sáng tạo; kỹ năng quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường; các quy trình khởi nghiệp. Đây sẽ là những nội dung, công cụ phân tích có ích cho sinh viên tham gia khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, cần phải xây dựng các mô hình thực hành khởi nghiệp. Chương trình dạy và học về startup cần có những mô hình thực tế, các quy trình cơ bản mà các founder - người sáng lập sẽ áp dụng cho doanh nghiệp của mình. Đến nay, việc thiếu trầm trọng tài nguyên giảng dạy và chưa áp dụng tích cực phương pháp giảng dạy đổi mới về khởi nghiệp là vấn đề đáng quan tâm trong các trường ĐH, cao đẳng. Ngoài ra, cũng như các ngành học chuyên môn, để khắc phục tình trạng chỉ học lý thuyết suông, cần có các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ngoài xã hội, tổ chức các chương trình huấn luyện - đào tạo khởi nghiệp cả cho sinh viên và người đã đi làm về kỹ năng thực hành khởi nghiệp. Như vậy sẽ hài hòa cả về dạy và học lý thuyết khởi nghiệp trong trường ĐH và huấn luyện kỹ năng thực hành sát với thực tiễn xã hội.
XUÂN LAN