Đào tạo lao động cho dự án trọng điểm: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Thực hiện chuyên đề: LÊ DIỄM 09/12/2017 09:48

Nghị quyết (NQ) 12 của HĐND tỉnh ban hành ngày 19.7.2016 với nhiều chính sách dành cho việc đào tạo nghề đã được thực thi hơn một năm nhưng kết quả khá hạn chế. Tại thời điểm ban hành NQ 12, thị trường lao động (LĐ) của tỉnh đang bức xúc vì nhiều dự án lớn đầu tư vào tỉnh, nhất là ngành may mặc, trong khi nguồn LĐ qua đào tạo còn hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. NQ 12 ra đời là sự quyết tâm lớn của tỉnh vì mục tiêu  đào tạo LĐ có tay nghề gắn với giải quyết việc làm.

Sau một năm, toàn tỉnh có 1.554 người học nghề theo cơ chế của Nghị quyết 12. Ảnh: L.D
Sau một năm, toàn tỉnh có 1.554 người học nghề theo cơ chế của Nghị quyết 12. Ảnh: L.D

NHU CẦU THỰC VÀ CON SỐ ẢO

NQ 12 ra đời với kỳ vọng vào sự đổi thay của lực lượng LĐ, và được cụ thể hóa bằng Quyết định 3577 của UBND tỉnh ban hành ngày 14.10.2016, quy định cơ chế chính sách hỗ trợ người LĐ và doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Tuy nhiên khi triển khai chương trình này trong thực tế thì đã phát sinh nhiều khó khăn.

Chọn con đường vào công ty

Gần 6 tháng kể từ khi bước vào môi trường làm việc tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp Germton (KCN Đông Quế Sơn), chị Hồ Thị Mống (sinh năm 1997, xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn) mới dần vơi nỗi nhớ nhà. Cùng vào công ty với chị Mống hồi tháng 5.2017, có gần hai chục người, nhưng rơi rớt dần, cuối cùng chỉ còn được vài người bám trụ. Chị Mống tâm sự, lúc còn ở nhà, chị chỉ biết làm nương rẫy. Đến khi các chị trong hội phụ nữ xã Phước Mỹ đến tận nhà tuyên truyền cho chị biết về NQ 12, chị phân vân, chọn lựa, hỏi ý kiến người thân, rồi mới dám đăng ký đến học nghề tập trung ở Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh ở Nam Giang. Sau 2 tháng học nghề, thực tập, chị Mống được làm quen với máy may, với cách ăn ở tập trung theo kiểu suất ăn công nghiệp, ngủ đúng giờ giấc do nhà trường quy định. Chị Mống cố gắng bắt nhịp với môi trường làm việc mới. Bạn bè bỏ về, chị cũng phân vân. Chị Mống kể: “Tôi cũng không dám nghĩ mình xa nhà được lâu thế. Mới đầu, tôi cũng sợ, lo và muốn bỏ về. Tuy nhiên, nhờ các thầy cô đến thăm, rồi công ty cũng giúp đỡ, nên tôi bám trụ được. Giờ thì lương lúc cao nhất cũng gần 4 triệu đồng. Mấy tháng gần đây cũng có gửi ít tiền về nhà cho cha mẹ. Giờ tôi đã được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), nên tôi sẽ cố gắng làm việc để ổn định cuộc sống”. 789 người LĐ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chọn con đường đi học nghề, đó là nhu cầu thực tế cần một nghề nghiệp để ổn định cuộc sống của đồng bào. Điều đó chứng tỏ NQ 12 đã đi vào cuộc sống, đến tận những bản làng xa xôi của Nam Trà My, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn...

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh, dù đã có những bước chuyển, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Ông Quý cho biết: “Suy nghĩ về học nghề lập nghiệp của LĐ người dân tộc thiểu số đã có thay đổi nhưng vẫn còn rất nhiều người không muốn tham gia học nghề; có LĐ còn ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước (nhất là chính sách hộ nghèo) không muốn học nghề lập nghiệp. Một số LĐ vướng chuyện gia đình (chồng, con nhỏ) nên không đăng ký hoặc đã đăng ký đi học, đi làm nhưng bỏ về giữa chừng. Một số người khi đi làm thì việc tuân thủ nội quy, quy định của doanh nghiệp còn kém, và bị nhắc nhở nên chạm tự ái và bỏ về. Học viên bỏ học giữa chừng về địa phương và lan truyền những thông tin không đúng sự thật gây ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh và đào tạo”. Việc đào tạo nghề cho LĐ theo NQ 12 và Quyết định 3577 còn không ít khó khăn, do một số doanh nghiệp không hợp tác với nhà trường để đào tạo và tiếp nhận LĐ (kể cả việc tham quan, thực tập…); việc xác nhận bảng lương, tham gia BHXH cho LĐ để nhà trường thanh toán kinh phí đào tạo cũng chưa được doanh nghiệp làm đúng như cam kết. Khi LĐ đến làm việc, một số chính sách cho họ chưa được doanh nghiệp thực hiện đúng theo cam kết dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh như LĐ nghỉ việc, chuyển việc, lãn công… khiến nhà trường khó thanh quyết toán kinh phí đào tạo. Dù vậy, ông Quý khẳng định, nhà trường vẫn sẽ tiếp tục vào cuộc đào tạo LĐ theo NQ 12 và Quyết định 3577 để mang lại lợi ích thiết thân nhất cho LĐ miền núi.

Con số ảo

Dựa trên nhu cầu các doanh nghiệp, HĐND tỉnh đã đề ra mục tiêu đào tạo LĐ trong năm 2017 là 8.600 người. Khi Quyết định 3577 ra đời, Panko đầu tư vào KCN Tam Thăng, thông báo nhu cầu LĐ cần đến 15 nghìn người cho đến hết năm 2018, và nhiều doanh nghiệp khác cũng cần nguồn LĐ rất lớn. Dựa trên đăng ký nhu cầu của doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho các địa phương đào tạo trong năm 2017 là 12 nghìn LĐ của các ngành nghề, trong đó nhiều nhất là ngành may mặc. Nhưng qua một năm thực hiện NQ 12, chỉ có 1.554 người tham gia học nghề theo cơ chế, trong đó 789 người là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 50,8%). Và cũng chỉ có 988 người tốt nghiệp (trong đó 516 người dân tộc thiểu số, chiếm 52%). Số LĐ đang làm việc tại doanh nghiệp là 831 (trong đó 430 người là dân tộc thiểu số, chiếm 51,7%), tham gia BHXH được hơn 500 người, số còn lại tiếp tục được doanh nghiệp đào tạo nâng cao tay nghề rồi mới ký hợp đồng và tham gia BHXH.

Người lao động được cơ sở đào tạo đưa đến tận doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu trước khi đăng ký học nghề. Ảnh: L.D
Người lao động được cơ sở đào tạo đưa đến tận doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu trước khi đăng ký học nghề. Ảnh: L.D

Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, đến thời điểm này, số lượng LĐ học nghề và vào làm việc tại doanh nghiệp theo NQ 12 và Quyết định 3577 còn thấp so với yêu cầu đặt ra, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là khi tổ chức rà soát nhu cầu tuyển dụng LĐ, các doanh nghiệp báo cáo số lượng nhu cầu không đúng thực tế. Nhiều doanh nghiệp đăng ký nhu cầu rất lớn nhưng lại không tuyển LĐ hoặc tuyển rất ít. Như Công ty Panko lúc đầu đưa con số quá cao, đến khi tỉnh có cơ chế thì Panko lại không mặn mà vào cuộc, không tiếp nhận và không phối hợp trong đào tạo LĐ. Ở một số địa phương chưa có sự vào cuộc đồng bộ, khoán trắng công việc đào tạo nghề cho ngành LĐ-TB&XH. Ông Triều cũng phân tích thêm, dù không đạt được mục tiêu, nhưng có thể nói NQ 12 đã đi vào cuộc sống theo hướng tích cực, mang lại hiệu quả trong chuyển biến nhận thức, tạo cơ hội nghề nghiệp cho người dân. Bởi chưa bao giờ trong đồng bào dân tộc thiểu số, tinh thần và phong trào đi học nghề lại cao như bây giờ. Người LĐ vùng núi cao của tỉnh đã biết chọn con đường đi học nghề và đi làm ở doanh nghiệp. Có LĐ bỏ về vì không thích nghi với điều kiện làm việc, nhưng vẫn còn gần 500 lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục gắn với công việc tại doanh nghiệp, đó là thành công đáng được ghi nhận khi thực hiện NQ 12 của HĐND tỉnh.

MỖI NƠI KHÓ MỖI KIỂU

Chỉ tiêu được tỉnh giao về các địa phương năm 2017 là 12 nghìn LĐ. Nhưng các địa phương không tìm được cả người học nghề lẫn “đầu ra” cho LĐ, nên mục tiêu bị không đạt.

Đủ cách tuyên truyền vẫn “bể”

Đến nay, Hiệp Đức đào tạo LĐ ngành may theo NQ 12 chỉ được 48 người, trong khi chỉ tiêu là 500 người. Kể từ khi chỉ tiêu được giao về, Hiệp Đức vào cuộc thực hiện ngay. Phòng LĐ-TB&XH huyện tham mưu UBND huyện ra công văn chỉ đạo, yêu cầu các hội đoàn thể, địa phương cùng vào cuộc. Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các trường nghề tuyên truyền đến 17 cuộc ở cơ sở cho người LĐ. Khi tuyên truyền, LĐ đi đông, nhưng đến khi yêu cầu LĐ lựa chọn để đăng ký đi học nghề và đi làm, thì họ rút dần. Bu bám riết, Phòng LĐ-TB&XH Hiệp Đức mới phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam mở được lớp đầu tiên có 35 LĐ theo học nghề. Sau khi học xong, LĐ không chọn vào làm việc ở các công ty tại huyện Hiệp Đức, mà chọn đi làm việc ở KCN Đông Quế Sơn. Đến nay, chỉ còn 17 người trong số 35 người còn làm việc và được đóng BHXH. Và huyện tiếp tục tuyển sinh chỉ được thêm 13 người, không đủ để mở lớp, nên số LĐ này được đưa đến học nghề tập trung tại Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh ở Nam Giang.

Ông Trần Anh Đức - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Đức cho biết: “Chỉ tiêu năm 2017 xem như “bể”. Nguyên nhân là LĐ nhàn rỗi ở Hiệp Đức khoảng 1.000 người, nhưng không phải là thất nghiệp hoàn toàn mà chỉ thất nghiệp lúc nông nhàn. Họ so sánh, chọn lựa giữa việc làm công hàng ngày với việc đi làm công nghiệp, nên không chọn làm công nghiệp may mặc do lương còn thấp, lại phải chịu áp lực về thời gian cũng như kỷ luật. LĐ trẻ thì đã làm ăn xa, chỉ LĐ có con nhỏ, có gia đình mới ở nhà nhưng lại vướng bận nên không chọn học nghề, đi làm”.

Thiếu hụt lao động

Với TP.Hội An, nơi mọi người đổ xô vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, thì công việc trong nhà máy càng không phải là lựa chọn của LĐ. Chỉ tiêu giao về cho Hội An năm 2017 là 700 LĐ, nhưng đến nay mới tuyển được... 9 người đi học nghề may ở một công ty may thời trang. Ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH Hội An cho rằng, việc giao chỉ tiêu không sát nhu cầu thực tế, không đúng với tình hình của Hội An nên không thể nào thực hiện được. Ông Phúc phân tích, LĐ ở Hội An ưu tiên tìm việc làm ở khu vực du lịch, dịch vụ hơn, do thời gian làm việc thoải mái, thu nhập cao, lại được giao tiếp, không phải ngồi làm việc ngày 8 tiếng. Người Hội An làm nghề may đã là nghề truyền thống, nhưng đó là may cho khách du lịch, may theo nhu cầu, may tại nhà chứ không phải may công nghiệp. Với nghề may công nghiệp thì ở Hội An chỉ có Công ty May Hòa Thọ, nhưng vẫn khó tuyển dụng LĐ.

Trước thực tế này, Hội An đã kiến nghị mở rộng ngành nghề đào tạo, và đã được tỉnh mở rộng một số ngành phục vụ du lịch, dịch vụ. Nhưng khi đi vào đào tạo thì lại vướng quy định thanh toán nên cũng không triển khai được. Bởi, LĐ sau khi được đào tạo các nghề phục vụ du lịch, nếu họ đi làm ở khu vực hộ kinh doanh cá thể, trong các homestay thì sẽ không được ký kết hợp đồng LĐ, không tham gia BHXH, thì cơ sở đào tạo không thể thanh quyết toán được kinh phí. Doanh nghiệp du lịch cũng không mặn mà tiếp nhận LĐ được đào tạo theo NQ 12 và Quyết định 3577 bởi ràng buộc phải tham gia BHXH ngay sau khi tiếp nhận LĐ. Vì thế, theo ông Phúc, hướng tháo gỡ là cần cơ thế thoáng hơn trong thanh toán kinh phí đào tạo. Riêng việc khảo sát nhu cầu cần được làm kỹ từng ngành nghề, từ đó giao chỉ tiêu phù hợp với từng địa phương cụ thể.

CẦN SỰ PHỐI HỢP NHỊP NHÀNG

Muốn thực hiện được NQ 12 và Quyết định 3577, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp và cả người LĐ. Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đến tận doanh nghiệp để tìm hiểu về điều kiện làm việc của lao động học nghề may theo cơ chế của tỉnh. Ảnh: L.D
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đến tận doanh nghiệp để tìm hiểu về điều kiện làm việc của lao động học nghề may theo cơ chế của tỉnh. Ảnh: L.D

Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh: Không nên “khoán trắng” cho ngành LĐ-TB&XH

Qua theo dõi và giám sát của Ban Văn hóa - xã hội, chúng tôi thấy việc triển khai NQ ở nhiều địa phương rất trách nhiệm, nhất là miền núi cao; bằng nhiều giải pháp cụ thể, xem đây là một trong những giải pháp căn cơ để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, cũng còn một số địa phương giao cho ngành LĐ-TB&XH thực hiện, chưa có sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan và UBND cấp xã. Có nơi chưa triển khai đến đối tượng thụ hưởng chính sách nên số LĐ trong độ tuổi không được đào tạo nghề, không có việc làm nhưng không biết có chính sách để tham gia.

Trong thời gian tới, NQ vẫn tiếp tục triển khai như mục tiêu đã nêu, vì các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng LĐ, người LĐ vẫn mong muốn được đào tạo nghề, được có việc làm ổn định. Cần phải quyết liệt, có giải pháp cụ thể để sớm khắc phục những bất cập thời gian qua. Các địa phương và ngành liên quan phải vào cuộc, không nên “khoán trắng” cho ngành LĐ-TB&XH. Chính sách phải được đến đúng đối tượng ngay từ khâu tuyên truyền, tư vấn cho đến khâu thực hiện. Phải rà soát chặt chẽ, sát thực tế nhu cầu tuyển dụng, ngành nghề tuyển dụng của doanh nghiệp. Từ đó giao chỉ tiêu cho các địa phương phù hợp và có tính khả thi cao. Cơ sở đào tạo nghề cần gắn đào tạo lý thuyết và thực hành, khuyến khích các doanh nghiệp tự đào tạo và tuyển dụng LĐ.

Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh: Sẽ điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế phù hợp thực tế

Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 3577 đã nảy sinh một số vướng mắc, như việc quy định tỷ lệ 80% LĐ sau học nghề vào làm việc tại doanh nghiệp và được đóng BHXH cho cả đồng bằng và miền núi là không phù hợp; chưa quy định cụ thể mức hỗ trợ nội trú học nghề đối với trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có khu nội trú; chưa quy định cơ chế chi trả tiền hỗ trợ nội trú cho LĐ là người dân tộc sau học nghề vào làm việc tại doanh nghiệp; LĐ sau học nghề có nguyện vọng làm việc tại các doanh nghiệp ngoài địa bàn huyện cần được hỗ trợ từ cơ chế... Những nội dung này đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương điều chỉnh, bổ sung.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh đang phối hợp với các ngành liên quan hoàn thiện nội dung điều chỉnh, bổ sung cơ chế để trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Những nội dung kiến nghị gồm điều chỉnh hợp lý tỷ lệ LĐ miền núi sau học nghề vào làm việc tại doanh nghiệp và được đóng BHXH thấp hơn hiện nay, bổ sung chính sách hỗ trợ tiền giữ trẻ cho LĐ nữ có con nhỏ vào làm việc tại doanh nghiệp... Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với LĐ miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số cần có sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ sở giáo dục dạy nghề, đặc biệt là các doanh nghiệp, nơi nhận người LĐ. Tôi tin rằng, cùng với sự điều chỉnh, bổ sung cơ chế, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, việc triển khai thực hiện cơ chế sẽ có những khởi sắc mới và đạt kết quả tốt hơn.

Ông Lê Văn Tăng - Giám đốc nhân sự Công ty TNHH MTV CN Germton (KCN Đông Quế Sơn): Chất lượng LĐ ngày càng tốt hơn

Tỉnh cho ra đời NQ 12 rất kịp thời, đúng với nguyện vọng của doanh nghiệp. NQ 12 như là một trợ lực mạnh mẽ cùng với chính sách của công ty để chúng tôi có thể tuyển dụng được LĐ dễ hơn, nhanh hơn. Đến nay chúng tôi đã tiếp nhận 3 đợt LĐ đến làm việc với 168 người. Qua quá trình thử việc, nâng cao tay nghề thì hiện còn lại 112 người, trong đó có 84 người đã được đóng BHXH. Số LĐ còn lại chúng tôi tiếp tục đào tạo khoảng 1 tháng nữa và sẽ ký kết hợp đồng, đóng BHXH. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, cơ sở đào tạo đã đào tạo đúng nhu cầu của công ty và công ty cũng hỗ trợ cơ sở đào tạo về mặt kỹ thuật để đào tạo LĐ phù hợp với việc làm, công nghệ của công ty. Ngoài chế độ hỗ trợ theo Quyết định 3577, công ty còn hỗ trợ cho LĐ tiền nuôi con nhỏ, tiền xăng xe, chuyên cần, thưởng năng suất... giúp LĐ yên tâm làm việc.

Bà Phan Thị Kim Hạnh - Trưởng phòng TC-HC Công ty CP May Hòa Thọ Hội An: Chỉ cần có LĐ, công ty sẽ hỗ trợ tối đa

Là một doanh nghiệp may mặc nên chúng tôi rất cần nguồn LĐ, nhưng tuyển dụng không đủ. Khi tỉnh cho ra đời NQ 12, chúng tôi rất phấn khởi, nghĩ rằng đây sẽ là động lực quan trọng để cho LĐ chọn nghề may. Nhưng ở Hội An, việc tìm LĐ là một việc vô cùng khó, chúng tôi đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An thông báo tuyển dụng và tự tuyển dụng nhưng vẫn tìm không đủ. Mọi người hay nghĩ rằng LĐ thực tập đưa đến công ty thì chỉ được bố trí làm việc phụ, không cho vô chuyền may để có cơ hội nâng cao tay nghề. Với Hòa Thọ, điều đó không xảy ra, chúng tôi sẵn sàng cho LĐ thực tập vào chuyền may ở những công đoạn đơn giản, phân công kỹ thuật kèm cặp để cho LĐ nâng cao tay nghề. Công ty sẽ hỗ trợ bằng cách thành lập thêm một chuyền may mới dành cho LĐ vào thực tập để họ may ở công đoạn giản đơn, rồi đào tạo thêm, có chính sách hỗ trợ lương để LĐ yên tâm làm việc, nâng cao tay nghề. Từ nay đến sau tết chúng tôi rất cần LĐ, vì thế chỉ cần Phòng LĐ-TB&XH Hội An cùng các xã, phường tuyển dụng được LĐ học nghề, công ty sẽ hỗ trợ mọi điều kiện có thể.

Thực hiện chuyên đề: LÊ DIỄM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo lao động cho dự án trọng điểm: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO