Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

DIỄM LỆ 28/10/2014 09:35

Sau hơn 2 năm giao phân cấp đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) về huyện, thành phố, các địa phương đã thực hiện tốt hơn. Tuy vậy, đến thời điểm này tình hình giải ngân vẫn chậm.

Đi vào nền nếp

So với thời điểm khi mới phân cấp đề án đào tạo nghề cho LĐNT 2 năm trước, các địa phương đã chủ động, thực hiện tốt hơn. Hầu như các khâu, công đoạn đều đi vào nền nếp. 18/18 huyện, thành phố đều ban hành được kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT. Ban chỉ đạo từ cấp huyện được kiện toàn, có sự chỉ đạo sát sao hơn từ khâu lập kế hoạch, tuyên truyền đến triển khai thực hiện. Kế hoạch đào tạo của năm 2014 đến thời điểm này đều triển khai nhiều lớp đào tạo, với tổng số 3.548 LĐNT được học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hầu như các địa phương đã nắm được tinh thần đào tạo là phải theo sát nhu cầu người học và xã hội, bám vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của chính địa phương. Đồng thời quan điểm chỉ đào tạo nghề cho LĐNT khi dự báo chính xác được mức thu nhập tăng thêm và việc làm sau khi học nghề đã được các địa phương quán triệt. Vì thế, khâu điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và tìm đầu ra cho người học luôn được các địa phương phối hợp với trường nghề thực hiện trước khi bắt đầu đào tạo một nghề.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương đã đi vào nền nếp. Trong ảnh: Lớp đào tạo nghề nấu ăn cho lao động nông thôn TP. Tam Kỳ.Ảnh: D.LỆ
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương đã đi vào nền nếp. Trong ảnh: Lớp đào tạo nghề nấu ăn cho lao động nông thôn TP. Tam Kỳ.Ảnh: D.LỆ

Trong thời điểm này, lớp học nghề kỹ thuật pha chế thức uống dành cho 35 LĐNT trên địa bàn TP.Tam Kỳ đang diễn ra tại Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật & du lịch Quảng Nam. Ngay trước khi khóa học được mở, Phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ phối hợp với nhà trường khảo sát nhu cầu, thông báo rộng rãi đến LĐNT có nguyện vọng học nghề, đặc biệt là khảo sát nhu cầu cần người làm việc tại các quán cà phê, nhà hàng trên địa bàn thành phố đã được đơn vị đào tạo thực hiện. Vì vậy, sau lớp học này, 35 LĐNT đang theo học đều yên tâm sẽ được nhận vào làm việc ở các quán cà phê, nhà hàng, và một số chị em đi học với mong muốn tự mở quán để giải quyết việc làm cho mình và một số người khác. Bà Trần Thị Bộ - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ, cho biết: “Đối với nghề phi nông nghiệp, đến nay thành phố đã đào tạo tốt nghiệp 2 khóa học nghề nấu ăn và sản xuất hàng mây tre đan, đang đào tạo lớp pha chế thức uống. 60 người học nghề nấu ăn và sản xuất hàng mây tre đan đều có việc làm bằng cách tự tạo việc làm như đi nấu đám tiệc, làm nhà hàng, nhóm gia công hàng cho các công ty, và thu nhập cao hơn sau học nghề vì kỹ năng tay nghề được nâng cao”.

Giải ngân chậm

Trong tháng 9.2014, nhằm nắm lại tình hình giải ngân nguồn vốn đề án đào tạo nghề cho LĐNT, các sở LĐ-TB&XH, NN&PTNT, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính đã thực tế kiểm tra tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Đình Quế - Phó Trưởng phòng Đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH tỉnh), đánh giá: “Qua thực tế kiểm tra, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã được các địa phương vào cuộc tích cực. Tuy nhiên, tình hình giải ngân đến nay vẫn rất chậm, nguyên nhân chủ yếu là thiếu sự đồng bộ giữa các phòng, ban và trình độ tác nghiệp của cán bộ chuyên môn còn chậm vì phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm. Tỉnh có chủ trương nếu huyện nào làm chậm thì điều chuyển vốn sang huyện làm tốt hơn và có nhu cầu về vốn, và đợt kiểm tra này cũng nhằm mục đích đó”.

Qua kiểm tra ở các huyện, đoàn kiểm tra đánh giá các huyện Duy Xuyên, Núi Thành, Quế Sơn, Đại Lộc làm tốt, đã giải ngân đạt và có nhu cầu bổ sung kinh phí. Huyện Bắc Trà My đồng ý điều chuyển hơn 160 triệu đồng cho huyện khác. Các huyện còn lại gồm Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Thăng Bình, Tiên Phước, Nông Sơn, Hiệp Đức đến lúc này tiến độ giải ngân nguồn vốn đều chậm so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, các huyện trên đều cam kết sẽ giải ngân đến cuối năm 2014 đạt 100% kế hoạch giao. Các huyện đã cam kết nhưng nếu không thực hiện được cam kết, từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát, nếu địa phương nào không thực hiện đúng cam kết thì các sở, ngành liên quan sẽ tham mưu UBND tỉnh thực hiện điều chuyển kinh phí dạy nghề giữa các địa phương. Cách làm này sẽ giúp các địa phương quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo nghề, đặt trách nhiệm lên vai từng người trong ban chỉ đạo, điều hành thực hiện việc đào tạo nghề cho LĐNT ở các huyện.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO