Việc thực hiện kế hoạch đào tạo nghề lao động nông thôn (LĐNT) cho cả 2 năm 2012 - 2013 tại các địa phương trong tỉnh đến nay chỉ đạt 20% so với nhu cầu.
Vào cuộc chậm
Trong 2 năm 2012 - 2013, số LĐNT có nhu cầu học nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp hơn 45 nghìn người. Kết quả, chỉ có 8.002 người được đào tạo (trong đó có 3.224 người học nghề phi nông nghiệp và 4.778 người học nghề nông nghiệp). Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, có rất nhiều hạn chế và khó khăn ngay lúc bắt đầu thực hiện Đề án 1956, từ công tác chỉ đạo điều hành, đến tuyên truyền tư vấn học nghề, điều tra khảo sát nhu cầu, dạy nghề... Ông Huỳnh Văn Tùng - Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: “Dù đã phân cấp rõ ràng cho địa phương nhưng một số nơi vẫn chưa quyết liệt thực hiện Đề án 1956. Đến nay, còn 3 huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My và Nông Sơn chưa ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT; các huyện Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn, Phú Ninh chưa ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo cấp huyện; còn 49 xã chưa có tổ công tác thực hiện đề án. Sự vào cuộc chậm, thiếu quyết tâm khiến công tác đào tạo nghề cho LĐNT quá chậm”.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong năm 2014 sẽ theo sát nhu cầu người học và nhu cầu xã hội. Ảnh: D.L |
Trong cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo tỉnh về thực hiện Đề án 1956, hàng loạt các hạn chế khác cũng đã được chỉ ra. Đến nay, vẫn còn 5 địa phương không ban hành kế hoạch tuyên truyền, tư vấn học nghề. Việc tuyên truyền không được triển khai sâu rộng, người dân không hiểu rõ đề án. Trong điều tra, khảo sát nhu cầu, vẫn còn 4 địa phương không ban hành kế hoạch và dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT hàng năm. Mạng lưới dạy nghề trong tỉnh đến nay đã được phân bổ đồng đều, hầu hết các huyện có cơ sở dạy nghề, hoặc trung tâm dạy nghề, hoặc bổ sung chức năng cho các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề. Tuy nhiên, trung tâm dạy nghề được đầu tư từ Nghị quyết 30a như Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My chỉ có hạ tầng bề thế bên ngoài, còn cơ sở vật chất, phương tiện dụng cụ dạy nghề cũng như giáo viên hầu như không có. Ông Nguyễn Khắc Tưởng, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, nhận định: “Trong thực hiện Đề án 1956, việc giải quyết việc làm còn quá nhiều tồn tại. Người dân nông thôn học là mong kiếm được cái nghề, nhưng học xong không được giải quyết việc làm thì làm sao LĐNT thiết tha đi học? Nhất là đồng bào dân tộc miền núi, nếu học mà không tạo được việc làm cho đồng bào thì họ thà ở nhà chứ không đi học”.
Đào tạo phải sát nhu cầu
Đào tạo nghề sát với nhu cầu ở cả 2 phía, nhu cầu của người học và nhu cầu của xã hội là mục tiêu được đặt ra trong việc thực hiện Đề án 1956 trong năm 2014. Ông Võ Duy Thông, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Trong năm 2014, mục tiêu được xác định rõ ràng là không chạy theo số lượng đào tạo mà phải bám chất lượng. Đào tạo sát nhu cầu của người dân và của xã hội đang cần gì, nhằm giải quyết việc làm cho người học. Các ngành chức năng sẽ tham mưu UBND tỉnh kiện toàn lại Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Lâu nay, chính quyền xã và đoàn thể rất ít tham gia vào Đề án 1956, nhưng trong giai đoạn tiếp theo, trách nhiệm sẽ được quy về cấp xã là đơn vị thực hiện chủ chốt trong khảo sát, quản lý LĐNT trên địa bàn. Các hội, đoàn thể phải nắm được các chủ trương, chính sách của đề án để tuyên truyền cho hội viên của mình, hướng dẫn họ học nghề và chịu trách nhiệm về phần hội viên của mỗi hội, đoàn thể”.
Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ được khuyến khích mạnh trong việc tham gia dạy nghề bằng các cơ chế phù hợp. Các địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, để doanh nghiệp nhận người lao động sau học nghề. Công tác kiểm tra, giám sát cũng sẽ được tăng cường trong năm 2014, nhằm hạn chế thấp nhất những sai sót không đáng có, hướng dẫn sát sao những việc khiến cho địa phương lúng túng, thực hiện không đúng dẫn đến không thể thanh quyết toán kinh phí thực hiện. Những khó khăn chung của Đề án 1956 như mức hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề thấp, mức hỗ trợ tiền ăn, đi lại thấp và không hợp lý đã được các ngành ở Trung ương tiếp thu, đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét lại các nội dung này.
Trong cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện Đề án 1956, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đề nghị các địa phương khi đào tạo phải gắn nhu cầu người học và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, kiên quyết không đào tạo khi không có đầu ra hay tăng thu nhập cho người dân. Phó Chủ tịch UBND Huỳnh Khánh Toàn cho phép các cơ sở dạy nghề được tạm ứng 60% kinh phí đào tạo khi mở lớp (trước đây chỉ ứng 30% là quá thấp, không đủ đào tạo). Đồng thời yêu cầu kể từ năm 2014, đến tháng 7 hàng năm phải rà soát lại kinh phí thực hiện, địa phương nào không đào tạo được thì rút nguồn kinh phí, giao về cho các huyện làm tốt hơn.
DIỄM LỆ