Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Động lực chuyển dịch cơ cấu lao động

NGUYỄN SỰ 24/03/2018 11:32

Những năm gần đây, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nhằm tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. LĐNT có tay nghề sẽ góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là xây dựng thành công mô hình nông thôn mới.  

Nhờ được đào tạo nghề bài bản, nhiều lao động nông thôn có việc làm ổn định. Ảnh: VĂN SỰ
Nhờ được đào tạo nghề bài bản, nhiều lao động nông thôn có việc làm ổn định. Ảnh: VĂN SỰ

Bước chuyển tích cực

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 do UBND tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, ngay sau khi có Quyết định số 1956/QĐ-TTg (ngày 27.11.2009) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, lãnh đạo tỉnh quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện đề án này. Đặc biệt, trong năm 2016 HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 12/NQ-HĐND và UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 3577/QĐ-UBND về cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho những chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020. Ông Thùy nói: “Cơ chế này là một chính sách vượt trội của tỉnh nhằm phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Trong đó, ưu tiên đào tạo gắn với việc làm cho LĐNT, nhất là lao động ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Theo ông Thùy, những năm qua các cấp, ngành đã nỗ lực triển khai hiệu quả nhiều hoạt động liên quan đến công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn về học nghề và việc làm. Đồng thời tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề. Cạnh đó, xây dựng các mô hình dạy nghề thích hợp cho LĐNT và tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho những cơ sở dạy nghề công lập. Ngoài ra, chú trọng phát triển các chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở dạy nghề… Ông Thùy chia sẻ thêm: “Riêng năm 2017, tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề là 4.701 người. Trong đó, học nghề theo đề án đào tạo nghề cho LĐNT là 3.147 người, học nghề theo cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động của tỉnh là 1.554 người. Theo thông tin từ các địa phương, có hơn 70% số người sau khi học nghề có việc làm thông qua các hình thức như tìm được việc làm tại doanh nghiệp, tự tạo được việc làm, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tận dụng thời gian nông nhàn để làm thêm các công việc khác nhằm tăng thu nhập…”.

Điều đáng ghi nhận trong quá trình triển khai công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở Quảng Nam thời gian qua là đã xuất hiện một số cách làm hay, hiệu quả. Chẳng hạn như, ngay từ khâu tư vấn và tuyển sinh, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã kết hợp với doanh nghiệp, phối hợp cùng chính quyền địa phương thông tin cụ thể về việc người lao động sau khi học nghề sẽ làm việc tại doanh nghiệp nào, thu nhập bao nhiêu, điều kiện làm việc ra sao... Hay là trước khi khai giảng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đi tham quan một số doanh nghiệp để tìm hiểu, nắm bắt thực tế nhằm có sự lựa chọn môi trường làm việc phù hợp. Đặc biệt, các đơn vị liên quan đã tổ chức đào tạo theo mô hình khép kín, vừa đào tạo ở nhà trường, vừa đào tạo tại doanh nghiệp để người lao động quen dần với môi trường làm việc và đáp ứng ngay yêu cầu công nghệ của doanh nghiệp. Khi bàn giao lao động cho doanh nghiệp, các địa phương cùng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã cử cán bộ theo dõi, quan tâm động viên người lao động trong thời gian đầu và phối hợp với doanh nghiệp tìm kiếm chỗ ăn, chỗ nghỉ cho người lao động cũng như thường xuyên giữ liên lạc với doanh nghiệp để theo dõi, nắm bắt tình hình...

Cần đào tạo sát thực tế

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề
Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng nhất thiết phải đổi mới và tăng cường hoạt động điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp cũng như năng lực của các cơ sở dạy nghề. Bổ sung danh mục nghề đào tạo theo nhu cầu thực tế của lao động ở từng địa phương và nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Việc kiểm tra, giám sát phải được thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã nhằm đảm bảo tính hiệu quả của công tác dạy và học nghề...

Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp - giải quyết việc làm nói chung, đào tạo nghề cho LĐNT nói riêng tại một số địa phương chưa được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa. Một số hội, đoàn thể ở cơ sở chưa thực sự tích cực trong việc tuyên truyền, vận động hội viên của tổ chức mình tham gia học nghề lập nghiệp. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong quá trình triển khai đề án ở nhiều địa phương chưa thật sự hiệu quả. Các thống kê, báo cáo về nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp chưa kịp thời, đầy đủ…

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải tiếp tục nỗ lực triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT, bởi đây được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, đặc biệt là tạo động lực chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. “Thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh khâu tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội, các doanh nghiệp về công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Đồng thời tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp rộng rãi trong cộng đồng, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề lập nghiệp” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thùy đề nghị các cơ quan chức năng cần chỉ đạo mạnh mẽ những đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT chỉ mở lớp dạy nghề đối với những nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, những nghề có khả năng giải quyết việc làm sau đào tạo tại doanh nghiệp hoặc người lao động phải có khả năng tự tạo việc làm, tìm việc làm. Cùng với đó, ưu tiên dạy nghề tại các xã xây dựng mô hình nông thôn mới, dạy nghề theo hợp đồng cung ứng lao động cho doanh nghiệp và các chương trình, dự án trọng điểm. Đồng thời dạy nghề cho người lao động có cam kết sẽ tìm được việc làm hoặc tự tạo được việc làm sau học nghề.

Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, các đơn vị liên quan cũng cần tiếp tục tăng cường năng lực đào tạo cho những cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu, chất lượng đào tạo. Trong đó, chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, giáo viên dạy nghề, nhất là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, nghệ nhân... để huy động lực lượng này tham gia dạy nghề. Bên cạnh đó, biên soạn, điều chỉnh, bổ sung các bộ chương trình, giáo trình dạy nghề theo hướng tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật và phù hợp với thực tiễn công nghệ sản xuất của địa phương. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia dạy nghề, nhất là dạy nghề để tiếp nhận vào làm việc tại doanh nghiệp mình…

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Động lực chuyển dịch cơ cấu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO