Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), Phòng LĐ-TB&XH, NN&PTNT các huyện miền núi phải đảm đương thêm khối lượng công việc đồ sộ. Do những khó khăn vốn có ở miền núi, nên việc đào tạo nghề càng thêm khó.
|
Điều kiện khó khăn, học viên lớp nề hoàn thiện ở huyện Bắc Trà My ngày càng sụt giảm số lượng. |
Nghề nào cũng khó
Chúng tôi tiếp cận với lớp nghề nề hoàn thiện đang được Trung tâm Dạy nghề thanh niên đào tạo tại xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My) vào thời điểm hơn 10 học viên đang thực hành xây, tô. Giáo viên hướng dẫn Bùi Thể Đạt cho biết, lớp gồm 30 học viên theo danh sách, nhưng chỉ có khoảng 70% là đi học thường xuyên. Lớp nghề này tuyển sinh LĐNT là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số của 3 xã Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka, do điều kiện đi lại khó khăn, nơi học xa nhà nên nhiều học viên nghỉ học. Học viên Nguyễn Văn Lúng (SN 1995, ở thôn 3, xã Trà Ka) cho biết: “Từ nhà đến chỗ học quá xa nên mình đi học nghề phải xin ở nhờ nhà người dân quanh đây, điều kiện sinh hoạt khó khăn lắm. Ở thôn mình, cán bộ về vận động đi học nhưng nhiều thanh niên không chịu. Học xong làm ở đâu thì mình chưa biết, nhưng phải đi học cho có nghề đã”.
Đến tháng 7.2013 kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT năm 2012 huyện Bắc Trà My chỉ mới quyết toán được 37,5% đối với nghề phi nông nghiệp (kinh phí phân bổ gần 290 triệu đồng) và 11% đối với nghề nông nghiệp (kinh phí phân bổ gần 463 triệu đồng). Trong khi đó, dựa trên nhu cầu của Bắc Trà My, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí đào tạo nghề theo đề án cho năm 2013 (cả phi nông nghiệp và nông nghiệp) là 750 triệu đồng, nhưng đến tháng 7, UBND huyện Bắc Trà My vẫn chưa phân bổ kinh phí cho các đơn vị thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Trà My khó có thể hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề năm 2013. Ở một khía cạnh khác, trong hợp đồng đào tạo nghề giữa huyện Bắc Trà My với cơ sở dạy nghề, không nêu rõ đối tượng được đào tạo, thiếu chương trình đào tạo và kế hoạch giảng dạy kèm theo. Với nghề nông nghiệp, hợp đồng đào tạo được ký trước mới có đơn đăng ký học nghề của người lao động. |
Ông Hồ Cao Cường - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc Trà My cho hay: “Ở miền núi, chính quyền, đoàn thể các xã chưa hiểu và chưa cùng vào cuộc với huyện trong tuyên truyền, vận động bà con học nghề. Bà con không đi học nghề cũng vì chưa được giải thích các chế độ chính sách rõ ràng. Với lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, học nghề đã khó, sống bằng nghề đã học càng khó”. Cũng theo ông Cường ngay cả các nghề đặc thù của địa phương như đan lát, dệt thổ cẩm, mây tre... cũng khó triển khai đào tạo. Bởi, bà con sau học nghề làm ra sản phẩm chẳng biết bán cho ai. Trong khi đó, đào tạo các nghề phi nông nghiệp như nề, may, mộc... thì học viên tốt nghiệp ít được các chủ cơ sở tiếp nhận do tay nghề không đạt yêu cầu, ý thức lao động không cao. Thời gian đầu, có nhiều nghề bị áp đặt đào tạo, không căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương như nuôi nhông trên cát, nuôi kỳ đà... nên người lao động học xong không vận dụng được. Hay như nghề nuôi cá lồng bè trên sông Tranh, học viên đào tạo xong được doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn nhưng lại không bao tiêu đầu ra nên nghề cũng “chết”.
Bà Nguyễn Thị Nam Ngân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc Trà My nói: “Khi bị kiểm tra, chúng tôi mới nhận ra được những sai sót cơ bản trong quá trình thực hiện. Đây là vấn đề còn rất mới đối với cả ngành lao động và ngành nông nghiệp, trong khi con người thì thiếu, địa bàn xa xôi, chính quyền, đoàn thể ở huyện, xã chưa vào cuộc... Khi đoàn công tác của tỉnh yêu cầu phải kiểm tra năng lực của đơn vị đào tạo thì chúng tôi mới hay chứ có nghĩ gì đến chuyện đó. Những sai sót này là kinh nghiệm để chúng tôi làm tốt và đúng hơn trong những khóa đào tạo nghề sau này”.
Chất lượng đào tạo nghề?
Công ty Vinatex Đà Nẵng - Chi nhánh Hiệp Đức hiện có 150 công nhân may đang làm việc. Trong số này, có khoảng 50% công nhân là LĐNT đã hoàn thành khóa học nghề may công nghiệp do Phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Đức ký hợp đồng đào tạo với Trung tâm Dạy nghề thanh niên. Khóa học khai giảng ngày 22.3.2013 gồm 210 học viên được Trung tâm Dạy nghề thanh niên liên kết với Công ty Vinatex Đà Nẵng đào tạo tại chính cơ sở sản xuất chi nhánh Hiệp Đức. Khóa học kết thúc vào ngày 22.6, nhưng đến gần cuối tháng 8 vẫn chưa bế giảng, chưa cấp chứng chỉ nghề cho người lao động. Chị Nguyễn Thị Hạnh (thôn 2, xã Thăng Phước) nói: “Tôi thuộc diện hộ nghèo, học xong chưa bế giảng thì chưa được nhận chế độ. Nhưng quan trọng hơn là chúng tôi cần nhận chứng chỉ nghề để công ty ký kết hợp đồng lao động”. Chưa có chứng chỉ nghề nên lâu nay chị Hạnh và những công nhân khác cùng khóa học làm ở cơ sở này chưa được công ty ký hợp đồng. Do đó các chị phải chịu khá nhiều thiệt thòi khi không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chưa được tính bậc lương hay hưởng các khoản hỗ trợ khác dù vẫn làm tăng ca cả Chủ nhật. “Thu nhập của chúng tôi thời gian qua chỉ dựa trên nguồn hưởng theo sản phẩm. Nhiều lúc có hàng phải làm thêm, những công nhân khác được công ty hỗ trợ tiền ăn ca, còn chúng tôi do chưa được ký hợp đồng nên không được hỗ trợ” - chị Hạnh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hạnh mong sớm nhận chứng chỉ nghề để được công ty ký hợp đồng lao động.Ảnh: D.L |
Theo ông Trần Anh Đức - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Đức, 210 học viên của lớp may công nghiệp nêu trên sau khóa học đều được Công ty Vinatex nhận vào làm. Tuy nhiên, ông Hồ Viết Thanh - Giám đốc Công ty Vinatex - chi nhánh Hiệp Đức lại cho biết, chỉ có khoảng 50% LĐNT thuộc lớp học nghề còn đang làm việc tại công ty. Ông Thanh cho hay: “Học viên hoàn thành khóa nghề nhưng may không được, sản phẩm làm ra bị hỏng, không đạt chất lượng, chúng tôi phải bù lương, bù lỗ. Vì thế một số lao động chán nản, tự ý bỏ việc”.
Liên quan đến quá trình đào tạo trước đó, ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Đức cho biết: “Trung tâm Dạy nghề thanh niên cho biết là phân công đủ giáo viên đứng lớp, kết hợp với các kỹ thuật viên của Công ty Vinatex Đà Nẵng - chi nhánh Hiệp Đức cùng hướng dẫn cho học viên”. Tuy nhiên, “phân công đủ giáo viên đứng lớp” là bao nhiêu người thì ông Hải không nắm rõ. Trong khi đó, hợp đồng đào tạo nghề chỉ ghi có một cán bộ quản lý lớp là ông Bùi Thể Đạt. Điều đáng nói là trong thời gian từ 23.1.2013 đến 5.8.2013, ông Bùi Thể Đạt đang là giáo viên hướng dẫn lớp nề hoàn thiện ở xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu một người của cùng một cơ sở đào tạo vừa dạy nghề ở Bắc Trà My vừa quản lý lớp ở Hiệp Đức thì hiệu quả và chất lượng đào tạo sẽ như thế nào? Đây có phải là điều lý giải vì sao học viên của khóa nghề may có tay nghề không đạt yêu cầu và phải lần lượt tự rời Công ty Vinatex Đà Nẵng - chi nhánh Hiệp Đức ra đi.
_________
Bài cuối: Gỡ “nút thắt”
Chặng đường của Đề án 1956 còn rất dài. Để thời gian tới chương trình thực hiện mang lại nhiều hiệu quả, những nhà quản lý, nhà chuyên môn đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các “nút thắt”.
DIỄM LỆ