Đào tạo nghề cho phụ nữ

DIỄM LỆ 23/06/2023 08:33

Phụ nữ học nghề để làm chủ cuộc sống, tự tin hơn; đối với phụ nữ miền núi, học nghề càng cần thiết để có việc làm, thoát nghèo.

Phụ nữ Nam Trà My học nghề thú y để chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình và thôn bản. Ảnh: D.L
Phụ nữ Nam Trà My học nghề thú y để chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình và thôn bản. Ảnh: D.L

Hỗ trợ chị em học nghề

Tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nữ ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi phải bám sát vào thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, đi từng bản làng để vận động chị em học nghề phù hợp là câu chuyện mà hơn 10 năm qua Hội LHPN huyện Nam Trà My phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, cùng các địa phương kiên trì thực hiện.

Bà Vũ Thị Như Thuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Trà My cho biết: “Hơn 10 năm qua, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của huyện, các chương trình mục tiêu triển khai trên địa bàn, Hội LHPN huyện đã cố gắng vận động chị em đi học nghề để có công ăn việc làm, tạo thu nhập, tự tin hơn trong cuộc sống. Việc tuyên truyền không thể là ngày một ngày hai, mà theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Mỗi chị em phụ nữ ở chi hội cơ sở là cánh tay nối dài, thường xuyên bu bám, vận động chị em đi học nghề, trong đó chọn chị em có tư tưởng tiến bộ hơn để vận động trước. Sau khi thành công thì lấy đó làm điển hình để vận động chị em khác”.

Trong 10 năm qua (2012 - 2022), Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp với các ngành liên quan cùng cấp tổ chức 1.004 lớp cho 41.846 chị em tham gia học nghề (may công nghiệp, giày da, lễ tân, nấu ăn, thủ công mỹ nghệ...). Gần 65 nghìn lượt chị em đã được tư vấn, giới thiệu việc làm, giải quyết lao động tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài địa phương, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cho lao động nữ trên địa bàn tỉnh.

Nhờ vậy, chị em đã biết đi học nghề may công nghiệp để đi làm ở các công ty, xí nghiệp, đi xuất khẩu lao động làm việc phụ giúp gia đình, hoặc đi làm nghề nông nghiệp ở Hàn Quốc.

Một số chị em vì điều kiện gia đình con cái không thể đi xa, Hội LHPN huyện chọn cho họ học các nghề truyền thống địa phương, học xong có thể làm nghề tại chỗ như nghề làm chổi đốt, nghề pha chế thức uống để phục vụ cho các quán hoặc tự mở quán nước nhỏ, nghề thú y để chăm con vật nuôi của gia đình và có thể đi chữa bệnh, phòng bệnh cho vật nuôi ở thôn bản, nghề đan lát...

Gần 400 chị em phụ nữ đã được học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp trong năm 2022 là một con số ấn tượng đối với chị em phụ nữ miền núi. Và điều quan trọng, họ học nghề và có thể sống được bằng nghề đã học mới chính là đích hướng tới của việc đào tạo nghề cho chị em.

Nâng cao vị thế phụ nữ

Theo bà Đặng Thị Lệ Thủy - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là khu vực nông thôn, luôn được các cấp Hội Phụ nữ xác định là hoạt động quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ “vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường”.

Cùng với công tác đào tạo nghề, 10 năm qua đã có hàng chục HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết được duy trì và thành lập mới với 818 hộ phụ nữ tham gia, giúp lao động sau đào tạo có việc làm, phát triển kinh tế.

Qua kiểm tra của các cấp Hội Phụ nữ cho thấy các mô hình, HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ hoạt động tương đối hiệu quả, duy trì việc làm ổn định cho lao động nữ với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng.

Vận động phụ nữ miền núi học nghề là cả quá trình bền bĩ. Ảnh: D.L
Vận động phụ nữ miền núi học nghề là cả quá trình bền bĩ. Ảnh: D.L

Nét mới trong hoạt động hỗ trợ tạo việc làm của các cấp Hội Phụ nữ trong thời gian qua là tập trung xây dựng các mô hình tạo việc làm sau khi học nghề dưới hình thức mô hình kinh tế hợp tác. Kết quả, từ năm 2012 - 2022, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục duy trì, xây dựng 295 mô hình phát triển kinh tế thu hút 10.520 thành viên tham gia, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp (gần 70%) và phi nông nghiệp, dịch vụ.

Bà Thủy cho biết: “Công tác dạy nghề, hướng nghiệp cho lao động nữ góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động nữ, thông qua đó người lao động được lựa chọn những ngành nghề phù hợp với bản thân và gia đình, học và phát huy được những điều đã học áp dụng vào các mô hình dịch vụ xã hội, sản xuất, kinh doanh, tiến tới thành lập các mô hình tổ hợp tác, tổ liên liên, HTX kiểu mới theo hướng liên kết vùng”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo nghề cho phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO