Đào tạo nghề có đầu ra

DIỄM LỆ 28/02/2020 09:50

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TU ngày 22.10.2012 của Tỉnh ủy, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được xem là một kênh hiệu quả giúp giảm nghèo bền vững đối với lao động (LĐ) ở vùng đồng bào miền núi. Qua đó góp phần thay đổi nếp sống, tư duy và chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực miền núi của Quảng Nam.

Gắn kết với doanh nghiệp bằng các hợp đồng đào tạo theo địa chỉ được các cơ sở dạy nghề đẩy mạnh trong thời gian qua. Ảnh: D.L
Gắn kết với doanh nghiệp bằng các hợp đồng đào tạo theo địa chỉ được các cơ sở dạy nghề đẩy mạnh trong thời gian qua. Ảnh: D.L

Chính sách đến với LĐ miền núi

Bám bản làng, bám LĐ để vận động người dân đi học nghề đã thành thói quen của cán bộ ở khắp các huyện vùng cao của tỉnh. Các trường nghề đã vào cuộc đào tạo nghề, kết nối, giới thiệu, tạo việc làm ổn định cho LĐ tại một số doanh nghiệp (DN) như Panko Tam Thăng, Moonchang Vina (Tam Kỳ), Germton (Quế Sơn), Vast Apparel (Phú Ninh)...

Ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc miền núi tỉnh cho biết: “Đối với LĐ miền núi, đào tạo phải đến từng nhà LĐ, trong quá trình đào tạo phải tạo nên kỷ luật công nghiệp để họ vừa biết nghề vừa biết chấp hành kỷ luật. Quan trọng là đào tạo nghề phải gắn với thực tập, thực tế sản xuất tại DN nhằm giúp LĐ có trình độ tay nghề tốt hơn. Trong điều kiện thiếu thốn về trang thiết bị đào tạo và nguồn lực, cần tranh thủ sự hỗ trợ nguồn chuyên gia, LĐ kỹ thuật, thiết bị, công nghệ của DN gắn liền với quá trình đào tạo tại trường và giải quyết việc làm sau đào tạo tại DN, giúp LĐ tin tưởng và theo học”.

Tại huyện Nam Trà My, từ khi có chính sách đào tạo nghề cho đồng bào miền núi, có 601 LĐ đã học nghề may công nghiệp, nghề nông nghiệp, nghề mây tre đan. LĐ có việc làm đạt 96%, số LĐ duy trì việc làm trên 12 tháng đạt trên 60%.

Ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cho biết: “Với LĐ miền núi, cần xác định nhóm nào có thể học nghề để đi làm ở DN được thì vận động họ đi làm để được hưởng lương, được đóng BHXH. Nhóm nào không thể hoặc chưa thể đi làm xa được như phụ nữ có con nhỏ thì tư vấn cho họ học nghề có thể tự tạo việc làm hoặc có việc làm tại chỗ được. Cùng với sự vào cuộc của các trường nghề, sự hỗ trợ của các chính sách của tỉnh về chi phí đào tạo, ăn ở, đi lại..., và sự đồng hành của DN tiếp nhận LĐ sau đào tạo, LĐ của huyện đã đi học nghề và đi làm ở DN là một sự thay đổi lớn trong tư duy học nghề, lập nghiệp ở miền núi”.

Hiệu quả

Quảng Nam đang thực hiện 2 chính sách đào tạo nghề trọng tâm là “đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, “đào tạo LĐ cho các chương trình, dự án trọng điểm và các DN trên địa bàn tỉnh” theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh và Quyết định số 3577 của UBND tỉnh.

Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Chính sách đào tạo nghề cho người LĐ, đặc biệt là LĐ khu vực miền núi của tỉnh đã góp phần tích cực trong việc thay đổi tư duy LĐ sản xuất của người dân, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu LĐ, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhiều hộ nghèo ở khu vực miền núi khi cả hai vợ chồng có việc làm từ học nghề thì đã thoát nghèo, có việc làm ổn định, giúp cho các huyện miền núi giảm nghèo bền vững hơn”.

Lao động nữ ở vùng cao học nghề gắn với việc làm tại chỗ do điều kiện gia đình không thể đi làm xa. Ảnh: D.L
Lao động nữ ở vùng cao học nghề gắn với việc làm tại chỗ do điều kiện gia đình không thể đi làm xa. Ảnh: D.L

Đối với Quyết định 3577, toàn tỉnh đã có hơn 47 nghìn LĐ nông thôn (trong đó có 8.331 LĐ là người dân tộc thiểu số) được hỗ trợ học nghề trong giai đoạn 2010 - 2019, cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hơn 75% học viên tìm được việc làm, tự tạo được việc làm ổn định và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế kinh doanh, dịch vụ, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Kết quả trên đã góp phần nâng tỷ lệ LĐ có việc làm qua đào tạo trên địa bàn tỉnh từ 40% (năm 2010) lên 62% (năm 2019).

Chính sách đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số thực sự có bước nhảy vọt khi Nghị quyết số 12 và Quyết định 3577 ra đời. Đây là chính sách hỗ trợ vượt trội của tỉnh nhằm tạo được nguồn LĐ cho các DN đầu tư vào tỉnh, trong đó ưu tiên đào tạo LĐ có tay nghề gắn với việc làm cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. LĐ là người dân tộc thiểu số khi tham gia học nghề sẽ được hỗ trợ hoàn toàn chi phí đào tạo, chi phí ăn ở (kể cả trong những ngày nghỉ học theo quy định), tiền đi lại, mua đồ dùng cá nhân trong thời gian học nghề. Sau khi học nghề sẽ được giải quyết việc làm ngay tại DN và tiếp tục được hỗ trợ tiền thuê nhà với thời gian tối đa 24 tháng.

Đã có tổng cộng 4.585 người được hỗ trợ đào tạo (trong đó 2.389 LĐ là đồng bào dân tộc thiểu số). Có 3.944 người sau học nghề vào làm việc tại DN (trong đó 1.902 người là đồng bào dân tộc thiểu số), với mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng trở lên.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo nghề có đầu ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO