Đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm

DIỄM LỆ 26/11/2014 10:24

Hơn 80% học viên sau học nghề tại Trung tâm Dạy nghề Duy Xuyên đều có việc làm là con số ấn tượng trong thời điểm này.

Cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ từ nguyên liệu mây tre của ông Văn Công Khánh (thôn La Tháp Đông, xã Duy Hòa) mỗi ngày luôn tấp nập người đến giao hàng, nhận hàng. Ông Khánh trước đây là học viên của lớp mây tre đan do Trung tâm Dạy nghề Duy Xuyên tổ chức. Từ một người nhận gia công làm phụ, ông đã phối hợp cùng một số người khác thành lập tổ hợp tác. Cơ sở của ông Khánh không sản xuất tập trung, mà mỗi người tự nhận hàng về nhà rồi giao thành phẩm cho ông phân phối. Hiện, cơ sở giải quyết công ăn việc làm cho hơn 80 lao động trong và ngoài xã Duy Hòa. Hầu hết lao động này đều từng theo các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Trung tâm Dạy nghề Duy Xuyên tổ chức. Và đầu ra cho sản phẩm ở tổ hợp tác sản xuất mây tre đan cũng do trung tâm tìm kiếm.

Trung tâm Dạy nghề Duy Xuyên phối hợp chặt chẽ với các công ty may giải quyết việc làm cho học viên nghề may công nghiệp.Ảnh: D.LỆ
Trung tâm Dạy nghề Duy Xuyên phối hợp chặt chẽ với các công ty may giải quyết việc làm cho học viên nghề may công nghiệp.Ảnh: D.LỆ

Chị Lê Thị Thanh Phụng, ở thôn 9 (xã Duy Hòa) học nghề mây tre đan vào cuối năm 2013 tại Trung tâm Dạy nghề Duy Xuyên. Chị nhận gia công sản phẩm thêm từ tổ hợp tác của ông Văn Công Khánh. Chị Phụng nói: “Ban đầu, tôi làm chưa nhanh nhưng thu nhập thêm mỗi tháng 1,5 - 2 triệu đồng. Bây giờ đã thành thạo, tôi chỉ cho con cái làm thêm nên mỗi tháng thu nhập hơn 4 triệu đồng. Với nguồn thu nhập này, cùng với làm ruộng, làm rau thêm, vợ chồng tôi nuôi 3 con ăn học, đứa đầu đang học đại học rồi”. Nhiều chị em ở Duy Hòa và các xã lân cận tranh thủ thời gian nông nhàn, làm thêm công việc đan sản phẩm từ mây tre giúp có thêm nguồn thu nhập, giúp gia đình ổn định cuộc sống.

Trung tâm Dạy nghề Duy Xuyên được thành lập theo đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiệm vụ chính là thực hiện các khóa đào tạo nghề dành cho lao động nông thôn, nhưng phải giải quyết được việc làm cho học viên sau các khóa học. Yêu cầu được được trung tâm thực hiện rất nghiêm túc, bằng cách phối hợp với các doanh nghiệp may như Xí nghiệp may Ánh Sáng, Hòa Thọ, Sedo, Việt Vương, Huy Hoàng, và Hợp tác xã Mây tre Bảo Trung (Đà Nẵng) giới thiệu nguồn lao động thường xuyên. Nhờ vậy, trung tâm luôn là địa chỉ được các doanh nghiệp tin cậy về chất lượng đào tạo nguồn lao động. Riêng trong năm 2014, trung tâm đã đào tạo được 302 lao động nông thôn ở các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, trong đó, có trên 80% lao động có việc làm sau đào tạo. Ông Phan Văn Bình - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Duy Xuyên, cho biết: “Sở dĩ trung tâm dám chắc về con số lao động có việc làm sau đào tạo vì trung tâm thường xuyên giữ mối liên lạc với các doanh nghiệp cùng hợp tác. Người lao động không làm việc ở doanh nghiệp thì tự mở cơ sở tại nhà, hoặc thành lập các tổ hợp tác nhận hàng về gia công. Các giáo viên hoặc cán bộ quản lý của trung tâm vẫn giữ thông tin với học viên, đánh giá hiệu quả thường xuyên của các khóa học để từ đó có những điều chỉnh tốt hơn”.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO