Huyện Thăng Bình đang chủ động nâng cao chất lượng lao động để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm.
Công nhân may mặc ở Công ty CP May Thăng Bình. Ảnh: QUANG VIỆT |
Đến thời điểm này, 90% lao động có việc làm là con số khá ấn tượng của huyện Thăng Bình so với nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh. Nhờ phát triển mạnh các nghề mây tre đan, chế biến nông sản, phát triển các làng nghề truyền thống, đặc biệt là thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp nên lượng lao động trên địa bàn huyện ngày càng có việc làm đảm bảo. Đơn khởi như tại cơ sở mây tre đan Hồng Anh (thôn An Thái, xã Bình An) mỗi ngày có đến 20 lao động thường xuyên làm việc. Số lao động này càng tăng lên khi nghề nông nhàn rỗi. “Tổng số lao động tại cơ sở của chúng tôi là hơn 80 phụ nữ. Thời điểm này các nông hộ phải bận bịu với nghề nông nên họ ít đến nhận việc. Tuy nhiên, do sản xuất bằng cách gia công sản phẩm nên chị em phụ nữ lại nhận việc về nhà khi xong công việc đồng áng vào ban ngày”- chị Trần Thị Hồng Anh, chủ cơ sở mây tre đan Hồng Anh cho biết. Mỗi lao động tại cơ sở này có được nguồn thu nhập trung bình là 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Công tác giải quyết việc làm cho người lao động thường xuyên được huyện Thăng Bình chú trọng. Bởi vậy, số lượng lao động liên tục gia tăng vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, lao động trong khu vực nông nghiệp chủ yếu được hình thành bởi hình thức tự tạo việc làm. Đối với khu vực công nghiệp, mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động có tăng nhưng ở mức thấp khi số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp không quá nhiều trong những năm gần đây. Do các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ nên chưa đáp ứng khả năng giải quyết việc làm tại chỗ cho lực lượng lao động địa phương. Vì vậy, tình trạng tự tạo việc làm bằng các công việc không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao vẫn còn nhiều. Ngoài ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề có chuyên môn cao nhìn chung còn thấp, chưa đến 30%. Chất lượng đào tạo nghề chưa cao, ngành nghề đào tạo chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thị trường lao động đang là điểm yếu trong cung lao động ở huyện Thăng Bình.
Theo UBND huyện Thăng Bình, tạo việc làm ổn định và có thu nhập cao cho người lao động đang là trăn trở lớn của địa phương. Huyện chú trọng nâng cao chất lượng lao động nhằm chuyển dịch lao động vào các ngành dịch vụ, du lịch, đặc biệt là công nghiệp. Theo đó, Thăng Bình có kế hoạch tổ chức hội thảo về nâng cao đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động làm cơ sở cho việc định hướng phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Trước mắt, huyện tập trung phát triển làng nghề truyền thống, phát triển kinh tế trang trại, phát triển cao su đại điền để tạo việc làm cho lao động xã hội.
Xung quanh giải quyết việc làm cho người lao động, nhiều ý kiến cho rằng huyện Thăng Bình cần thực hiện hiệu quả các chương trình tạo việc làm, giải quyết việc làm của Chính phủ. Đồng thời địa phương nên thảo luận với các ngân hàng tín dụng, các tổ chức phi chính phủ nhằm tạo thêm dòng vốn tín dụng cho người nghèo khu vực nông thôn để họ có thêm vốn thực hiện kinh doanh.
QUANG NGUYỄN