Đào tạo nghề hội nhập AEC

NAM VIỆT 22/07/2015 10:32

Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang khẩn trương đào tạo lao động có tay nghề cao, đón đầu Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm nay.

AEC, một trong 3 trụ cột chính (gồm cả Chính trị - An ninh và Văn hóa - xã hội) của Cộng đồng ASEAN, theo kế hoạch sẽ ra đời vào cuối năm 2015. AEC mở ra cơ hội hợp tác, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng thành viên nói riêng và cho cả khối ASEAN nói chung. Tuy nhiên, AEC vừa tạo ra nhiều cơ hội bên cạnh không ít thách thức đối với các thành viên. Đó là khi AEC đi vào hiện thực cũng là lúc cho phép tự do di chuyển lao động trong khu vực. Nhưng sự chênh lệch tay nghề lao động giữa các nước thành viên hiện nay tương đối lớn, cản trở tiến trình hội nhập, phát triển. Nước nào có đội ngũ lao động tay nghề có kỹ năng, trình độ cao sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội trong khi những nước thiếu đội ngũ lao động được đào tạo bài bản đáp ứng nhu cầu lao động trong khối sẽ phải lo lắng.

Công nhân ngành may tại Myanmar. (Ảnh: mmbiztoday)
Công nhân ngành may tại Myanmar. (Ảnh: mmbiztoday)

Ngay trong báo cáo “Con đường đến Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015: Những thách thức và cơ hội đối với các doanh nghiệp” của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới đây quan ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng đáp ứng nhu cầu thị trường của khối. Gần 50% chủ sử dụng lao động trong khu vực trong cuộc khảo sát cho biết người lao động tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần. Trong khi đó, hơn 50% nói rằng cử nhân tốt nghiệp đại học có được những kỹ năng có ích, cần thiết cho tiến trình hội nhập AEC vẫn còn thấp như kỹ năng quản lý và lãnh đạo, tiếp đó là kỹ năng chuyên môn và tay nghề và dịch vụ khách hàng.

AEC ra đời sẽ có thêm 14 triệu việc làm cho khu vực ASEAN đến năm 2025. Do đó, trước những thách thức hay bất cập về nguồn nhân lực, nhiều thành viên của ASEAN từ những năm qua luôn chú trọng đến chương trình đào tạo nghề lao động chất lượng cao. Tại Việt Nam, chiến lược đào tạo nghề với nguồn nhân lực cao đã và đang được các trường dạy nghề trong nước áp dụng triệt để. Ngoài khả năng về ngoại ngữ, một trong những kỹ năng không kém phần quan trọng trong thời hội nhập là khả năng tự tin giao tiếp, đặc biệt với người nước ngoài, rất được quan tâm. Tất cả sự chuẩn bị cho nguồn nhân lực này không chỉ để hội nhập với các nước trong khu vực mà còn vươn rộng lên tầm quốc tế.

Hay như Chính phủ Thái Lan triển khai các chương trình đào tạo hướng nghiệp, thậm chí theo hướng làm cho nước này trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghề nghiệp của ASEAN. Nhiều chương trình giảng dạy ở các cấp giáo dục hướng nghiệp được sửa đổi cho phù hợp khi AEC ra đời, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực: ngôn ngữ, công nghệ thông tin và kỹ năng làm việc. Philippines cũng cho hay nước này chuẩn bị rất chu đáo đội ngũ tay nghề cao, nhất là trình độ kỹ sư, có khả năng cạnh tranh với các lao động các nước trong khu vực, thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm tại khu vực ASEAN nói chung, cả trên thị trường quốc tế. Indonesia thì tập trung đào tạo những lĩnh vực có thế mạnh, có khả năng cạnh tranh như ngành điện tử, ô tô, xi măng, dệt may, da giày, nội thất, thực phẩm, đồ uống… Singapore vẫn thực hiện các ưu đãi thu hút nhân tài ngoài nước nhưng lại không chấp nhận những lao động có ý thức kỷ luật kém.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo nghề hội nhập AEC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO