Đào tạo nghề may theo Quyết định 3577: Lo "bể" kế hoạch

DIỄM LỆ 25/04/2017 09:06

Sắp hết tháng 4, toàn tỉnh chỉ mới có khoảng 600 người đã và đang học nghề may công nghiệp theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh. Kế hoạch năm 2017 đào tạo 12 nghìn lao động nghề may đang tạo áp lực đối với các địa phương.

  • Đào tạo nghề may công nghiệp cho 90 lao động miền núi
  • Đào tạo lao động nghề may: Khó tuyển sinh tận cơ sở
  • Khởi sắc đào tạo nghề may
  • Gần 500 lao động được đào tạo nghề may
  • Đào tạo nghề may cho lao động miền núi
Lao động miền núi trong độ tuổi từ 18 đến 35 đều đã có gia đình, con cái nên sợ đi học, đi làm.Ảnh: D.L
Lao động miền núi trong độ tuổi từ 18 đến 35 đều đã có gia đình, con cái nên sợ đi học, đi làm.Ảnh: D.L

Sợ... đi làm

Chúng tôi đến thôn Aró (xã Lăng, Tây Giang) trong một ngày giữa tháng 4.2017. Ban ngày, đi một vòng quanh thôn, gia đình nào cũng có người ở nhà. Ghé vào nhà Zơdêl Buối (sinh năm 1990) và Zơrâm Thị Pháo (sinh năm 1994), cả hai vợ chồng đều đang ở nhà. Hỏi thăm, Buối nói hôm nay không đi rẫy, hai vợ chồng ở nhà trông con. Hôm nào đi phát rẫy thuê thì hôm đó có tiền công, không đi chẳng biết làm gì. Khi Buối đi làm thì Pháo ở nhà trông con, Pháo đi làm Buối ở nhà, cứ thay nhau như thế, một người làm một người nghỉ. Nhà Buối có được ít đất làm lúa rẫy, nhưng bấp bênh, mùa đủ lúa ăn, mùa không đủ lúa. “Lúc mô có lúa thì có cơm ăn, lúc không có lúa ăn sắn. Vợ chồng mình chỉ biết làm thuê thôi, mình đi phát rẫy cao su cho công ty, phát cả tháng được 900 nghìn đồng tiền công. Lúc nhận tiền công lo mua gạo ăn để dành, chứ lúc hết tiền là hết gạo” - Buối tâm sự. Hỏi vợ chồng Buối có biết về chính sách đào tạo nghề may cho lao động miền núi, Buối nói cán bộ xã, thôn có tuyên truyền đi học nghề may khi họp dân làng. Nhưng Buối cho rằng đó là việc của phụ nữ nên không chọn nghề này để học. Vợ Buối đi học thì được, nhưng đi làm xa quá Buối sợ không có ai giữ con cho mình đi phát rẫy, nên anh chưa thể quyết định cho vợ đi học, đi làm hay không.

Chồng đi rẫy, chị Bling Bai (sinh năm 1993) không có người thuê làm gì nên ở nhà. Hai vợ chồng Bai chưa có con nên khi nghe về học nghề may, Bai vừa thích đi nhưng vừa sợ chồng không cho đi học, đi làm. Bai nói: “Mình có nghe cán bộ xã nói đăng ký đi học nghề may, nghe học nghề có nhiều chế độ, chính sách, không tốn tiền, mình cũng thích lắm. Mình chưa có con thì có thể đi được, nhưng mà sợ chồng không cho đi vì đi học, đi làm xa quá. Ở làng chỉ biết làm thuê thôi, ai thuê gì làm nấy vì mình chỉ có sức lao động thôi chứ đâu có tay nghề. Lúc không đi làm thuê thì vào rừng hái rau, bẻ măng về để ăn”. Trong thôn Aró này, những lao động từ 18 tuổi trở lên đều đã có gia đình, có con cái nên việc đi học, đi làm đối với họ là điều vô cùng khó. Lao động trong độ tuổi mà doanh nghiệp ngành may cần (từ 18 đến 35 tuổi) không muốn xa con cái, gia đình dù là nam hay nữ. Cái khó này đâu chỉ riêng Aró, mà là của cả huyện Tây Giang. Đó là chưa kể lao động miền núi còn sợ đến doanh nghiệp không quen với giờ giấc làm việc, tác phong công nghiệp... Cho đến nay, đã hơn nửa năm triển khai Quyết định 3577, Tây Giang vẫn chưa tuyển sinh được lao động nào để đào tạo.

Chê lương thấp

Công tác tuyển sinh để đào tạo nghề may công nghiệp ở khu vực đồng bằng đang bị chững lại. Nếu đem so sánh giữa đồng bằng và miền núi thì miền núi khởi sắc hơn. Ở miền núi còn có những bước chuyển từ Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang... khi đã và đang có lao động đi học nghề may công nghiệp, dù số lượng vẫn còn khiêm tốn. Nhưng ở đồng bằng, những địa phương như Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình vẫn chưa có lớp may công nghiệp nào được triển khai theo Quyết định 3577. Phải chăng ở đồng bằng đã hết lao động nhàn rỗi? Để có câu trả lời cho vấn đề này, chúng tôi đã đến Đại Lộc, một địa phương hội đủ các điều kiện có thể đào tạo nghề may công nghiệp thuận lợi, nhưng hiện nay vẫn chưa có ai đi học nghề. Bà Nguyễn Thị Mừng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc thông tin rằng hội đã tổ chức một đợt khảo sát số lượng phụ nữ 18 - 35 tuổi ở địa phương là 9.330 phụ nữ, trong đó có việc làm ổn định và không ổn định là 8.277 trường hợp, còn 1.653 trường hợp chưa có việc làm. Nhưng khi triển khai cho chị em đăng ký học nghề may công nghiệp, chỉ có 66 người có nhu cầu học nghề may, và các ngành nghề khác có 55 người đăng ký. Lý do được các chị đưa ra rất đơn giản, ngành may mặc có mức thu nhập thấp hơn nhiều ngành khác, nên chị em không mặn mà đăng ký học.

Bà Võ Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc cho biết: “Từ khi có Quyết định 3577, Đại Lộc là một trong những địa phương vào cuộc triển khai ngay. Nhưng đến bây giờ vẫn chưa mở được lớp đào tạo nghề may nào chỉ vì không có lao động đăng ký học nghề và đi làm. Khi đi tuyên truyền, tư vấn cho lao động thì ngoài nói về chính sách hỗ trợ học nghề, chúng tôi còn nói về mức lương ngành may 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Nghe mức lương này, lao động nói thấp, mà làm việc trong công ty áp lực nên không đăng ký học nghề để đi làm trong doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng là tạo việc làm ổn định cho người lao động, nên nếu lao động không chịu đi làm thì không thể đào tạo nghề được. Đại Lộc đặt quyết tâm cố gắng vận động người lao động, nhưng không biết có đạt được chỉ tiêu giao trong năm 2017 là 700 lao động hay không”.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo nghề may theo Quyết định 3577: Lo "bể" kế hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO