Khởi động năm học 2022 - 2023, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã tuyển sinh đào tạo các trình độ đạt 99,07% kế hoạch. Đó là tín hiệu khả quan đánh dấu bước chuyển động tích cực trong giáo dục nghề nghiệp.
Theo Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 30/11/2022, tổng chỉ tiêu tuyển mới các trình độ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là 23.281 người, đạt 99,07% kế hoạch. Trong đó, trình độ cao đẳng là 916 sinh viên, trung cấp 2.425 học sinh, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 19.940 người.
Ước tính đến hết năm 2022, tuyển sinh GDNN sẽ đạt 23.500 người (đạt 100% kế hoạch). Kết quả đào tạo các trình độ GDNN trong năm góp phần thực hiện hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2022 ước đạt 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng chứng chỉ là 29% (đạt 100% kế hoạch).
Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với chương trình GDNN thời gian qua đã tạo thêm động lực để các nhà giáo GDNN, các cơ sở GDNN kiên trì với công cuộc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Nhiều cơ sở GDNN tuyển sinh đạt như Trường Cao đẳng Quảng Nam tuyển sinh được 1.650 sinh viên, học sinh các trình độ, Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung đạt 470 người học, Trường Cao đẳng Thaco 459 người học nghề.
Theo đại diện các cơ sở GDNN, việc phân luồng học sinh từ lớp 9 đã giúp các trường tuyển sinh đào tạo nghề thuận lợi hơn. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ, vào cuộc của các địa phương khi cơ sở GDNN đến tuyển sinh tại các xã, thị trấn, tư vấn cho phụ huynh và học sinh ở các trường THCS hay THPT. Từ đó nhận thức của phụ huynh, học sinh có sự thay đổi đáng kể.
Học nghề để lập nghiệp đã được người dân quan tâm. Đặc biệt, các cơ sở GDNN cũng cam kết về giải quyết việc làm ngay sau khi hoàn thành đào tạo nghề ở các trình độ đã giúp học sinh, sinh viên yên tâm theo học nghề. Cùng với các chính sách hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số...
Để có được kết quả này, thời gian qua các cơ sở GDNN đã đổi mới cách tuyển sinh gắn với cơ sở, bám sát, vận động để người dân cho con em đi học nghề.
Có con đang học nghề tại Trường Cao đẳng Thaco, bà Nguyễn Thị Lan (ở huyện Phú Ninh) nói: “Lúc nó chọn đi học nghề, nhà tôi ai cũng ủng hộ. Bởi nếu chọn học nghề tại Thaco, rồi đi làm luôn trong đó, không phải lo lắng sau này ra trường xin việc gì, xin ở đâu.
Bây giờ thật sự thấy nhiều cháu đi học đại học về, rồi làm trái ngành, hoặc bằng đại học không có tác dụng gì khi phải đi làm nghề khác thì uổng phí cả tiền bạc, thời gian. Hơn nữa, con tôi trình độ học lực cũng không giỏi lắm, nên học xong 12 nó đi học nghề là lựa chọn tốt nhất”.