Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh gần đây có chuyển biến tích cực. Song, để nâng chất lượng nguồn LĐNT trước yêu cầu thực tế đặt ra, cần có các định hướng và biện pháp đào tạo phù hợp hơn.
Góp phần khôi phục làng nghề
Theo Sở NN&PTNT, qua 9 năm (2010 - 2018) thực hiện Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT, miền núi, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT trên địa bàn tỉnh, một số làng nghề được khôi phục và phát triển như: làng nghề phở sắn Đông Phú (Quế Sơn), làng rau Trà Quế (Hội An), làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch (Duy Xuyên)…
Nhiều lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT, miền núi được triển khai như lớp mộc dân dụng ở xã Mà Cooih (Đông Giang), lớp nuôi gà thả vườn ở xã Trà Đông (Bắc Trà My), lớp trồng rau sạch, nuôi cá nước ngọt, vận hành máy nông nghiệp, trồng lúa chất lượng cao ở Tam Phước (Phú Ninh); lớp làm vườn - cây cảnh ở xã Cẩm Hà (Hội An); lớp chăn nuôi thú y ở Điện Trung (Điện Bàn); lớp trồng rau sạch Điện Minh (Điện Bàn)...
Ông Nguyễn Kinh Bằng (xã Tiên Hiệp, Tiên Phước) tham gia lớp kỹ thuật trồng cây ăn quả, cho biết từ việc tiếp thu kiến thức ở các khóa học, ông đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, chọn giống tốt, đầu tư mở rộng diện tích vườn thanh trà lên đến 60 gốc. Nhờ chăm sóc tốt, áp dụng đúng quy trình canh tác, mùa thanh trà mỗi năm giúp gia đình ông thu về 50 triệu đồng...
Giai đoạn 2016 - 2018, Quảng Nam đào tạo được 115 lớp, tổng số 3.074 người, tại 56 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc đang phấn đấu đạt chuẩn năm 2018 với tổng kinh phí hơn 8,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2019 - 2020, dự kiến đào tạo nghề nông nghiệp cho 8.285 người/230 lớp với kinh phí hơn 14,8 tỷ đồng. Phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80% người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Quảng Nam hiện còn 3 cơ sở đào tạo nghề là Trường Cao đẳng Công nghệ, Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam và Trường Trung cấp nghề Quảng Nam nên công tác đào tạo nghề tại các đơn vị có lúc trở nên quá tải, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đào tạo tổng số 36/64 danh mục nghề nông nghiệp. Giai đoạn 2010 - 2018, tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề nông nghiệp là 24.079 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 70% kế hoạch. Mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ lao động có việc làm phải đạt trên 80% kế hoạch.
Theo định hướng của Sở NN&PTNT, giai đoạn 2018 - 2020, ưu tiên tổ chức các lớp đào tạo nghề tại các địa phương đăng ký xây dựng xã nông thôn mới (47 xã giai đoạn 2018 - 2020), thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cơ sở dạy nghề về hợp đồng, chấp hành dự toán kinh phí đào tạo. Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh bổ sung các danh mục nghề đào tạo cho sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng đối tượng hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp nằm trong độ tuổi lao động...
Cần “cầm tay chỉ việc”
Bên cạnh kết quả đạt được, theo phản ánh của nhiều địa phương, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT còn những tồn tại, hạn chế. Đó là, cán bộ quản lý, theo dõi công tác đào tạo nghề nông nghiệp ở nhiều địa phương chủ yếu kiêm nhiệm, chuyên môn còn hạn chế. Còn lúng túng trong xác định ngành nghề đào tạo. Công tác đánh giá hiệu quả sau học nghề chưa được chú trọng. Việc tổ chức đào tạo còn nặng học lý thuyết, thời gian thực hành chưa nhiều. Việc kết hợp đào tạo nghề nông nghiệp với việc xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, khuyến nông chưa nhiều.
Ông Trương Nhành - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) cho rằng, mỗi năm, tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 70 - 100 lao động của xã. Nhìn chung, nhóm ngành nghề may mặc, thú y, chăn nuôi hay tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, việc đào tạo tương đối hiệu quả, tỷ lệ lao động có việc làm hay ứng dụng vào thực tế sau đào tạo rất cao. Song, những khóa chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả còn thấp do khâu đào tạo còn nặng lý thuyết, nông dân phần lớn lớn tuổi, cần tăng cường “cầm tay chỉ việc”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn thì cho rằng, mỗi năm, thị xã đào tạo được khoảng 10 lớp học nghề nông nghiệp, trung bình mỗi lớp có 30 học viên. Điện Bàn hướng tới đào tạo nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ như: nghề trồng rau an toàn ở Điện Minh, nghề làm nem chả an toàn ở Điện Phước, nghề trồng hoa ở Điện Thọ, sản xuất đậu phụng an toàn ở Gò Nổi...
“Công tác đào tạo nghề nông nghiệp nay phải gắn với thực tiễn, phải “cầm tay chỉ việc” chứ không nặng lý thuyết như trước. Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT nên mở rộng, điều chỉnh danh mục đào tạo nghề phù hợp với thực tế địa phương, đảm bảo học viên sau đào tạo có thu nhập ổn định. Ngoài ra, cần mở khung thời gian với một số nghề đào tạo, ví như nghề trồng hoa cúc cần đào tạo từ 1,5 - 2 tháng nông dân mới có thể thạo nghề...” - ông Chơi kiến nghị.