Đào tạo nghề nông nghiệp qua kênh khuyến nông: Hiệu quả thiết thực

VĂN SỰ -  ĐOÀN ĐẠO 23/09/2013 09:02

Nhờ chú trọng khâu thực hành trong công tác đào tạo nghề nên những năm gần đây Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) Quảng Nam đã giúp rất nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh có được việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới...

Có việc làm sau học nghề

Ông Hồ Đình Đồng (thôn Phú Tân, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) - một học viên từng học lớp nuôi thủy sản nước lợ do Trung tâm KN-KN tỉnh tổ chức kể: “Học xong lớp nuôi thủy sản nước lợ, tôi liền nạo vét đáy ao, nâng cấp bờ, làm cống, cải tạo lại ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật đã học. Sau đó, tôi thả nuôi 25 nghìn con cá rô phi đơn tính và diêu hồng trên 1ha ao nuôi. Vụ thu hoạch vừa rồi, tôi bán được 7 tấn cá, trừ chi phí đầu tư còn lãi hơn 80 triệu đồng”. Theo ông Đồng, nếu không có khóa đào tạo nghề do Trung tâm KN-KN tỉnh tổ chức chắc đến giờ này ông vẫn chưa tìm được hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế hộ để tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. “Khóa đào tạo có thời gian thực học là 50 ngày. Trong quá trình học, các học viên được hỗ trợ con giống, nhiều loại vật tư và hóa chất để thực hành. Trước đây, tôi cũng tham gia nhiều lớp tập huấn của các đơn vị khác nhưng hiệu quả không cao do tập huấn chỉ tổ chức cung cấp lý thuyết, ít thực hành” - ông Đồng nhận xét.

Giảm thời gian học lý thuyết, các học viên được tham quan nhiều mô hình khuyến nông để nâng cao kinh nghiệm.                                                                                                Ảnh: Đoàn Đạo
Giảm thời gian học lý thuyết, các học viên được tham quan nhiều mô hình khuyến nông để nâng cao kinh nghiệm. Ảnh: Đoàn Đạo

Bà Trương Thị Bạn ở thôn Cẩm Khê (Tam Phước, Phú Ninh) dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi gà thả vườn như để minh chứng cho sự thành công sau khi được tham gia lớp học nuôi gà an toàn sinh học do Trung tâm KN-KN tỉnh tổ chức cách đây hơn 3 năm. Bà chia sẻ: “Cái hay của lớp học là mình được thực hành nhiều, từ khâu xây dựng chuồng trại đến quy trình trộn thức ăn cho gà, xử lý chất thải… Chính vì thế, kết thúc khóa học ai cũng có thể tự mình áp dụng nghề đã học vào thực tế để làm ăn”. Sau khóa học, bà Bạn rủ một người hàng xóm (cùng tham gia lớp học) là Nguyễn Thị Mỹ Lệ vay vốn và thuê mảnh đất 750m2 để xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn. Đến nay, 2 phụ nữ này đã phát triển quy mô chăn nuôi lên đến 1 nghìn con gà/lứa và mỗi năm nuôi 3 - 4 lứa, thu về lãi ròng gần 100 triệu đồng.

Thời gian qua rất nhiều học viên của các lớp dạy nghề do Trung tâm KN-KN tỉnh mở đều đã có việc làm tạo thu nhập ổn định ngay tại quê nhà. Ông Lê Thương - Trưởng phòng Thông tin và huấn luyện (thuộc Trung tâm KN-KN Quảng Nam) cho biết, từ năm 2010 đến nay, bằng nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, đơn vị đã tổ chức 21 lớp dạy nghề tại nhiều địa phương với tổng cộng 630 học viên tham gia, trong đó chủ yếu là nghề nuôi gà thả vườn an toàn sinh học, trồng rau sạch, thú y, nuôi thủy sản nước ngọt. Thực tế cho thấy đa số các học viên đã thành công trong việc áp dụng kiến thức học tập ngay sau khi hoàn thành khóa đào tạo...

Đào tạo sát thực tế

Ông Lê Thương chia sẻ, hầu hết bà con nông dân đều không chú trọng đầu tư thâm canh, không tính toán hiệu quả kinh tế rõ ràng nên việc sản xuất luôn gặp rủi ro, thậm chí dẫn đến tổn thất lớn. Vì vậy, khi lựa chọn nghề để đào tạo cho lao động nông thôn, đơn vị phải dựa trên nhu cầu thực tế mà người dân đang cần. Trong quá trình giảng dạy giảm thời lượng dạy lý thuyết xuống còn 30 - 40%, còn lại dành phần lớn thời gian cho thực hành ngoài hiện trường. Ông Thương cho biết thêm, thời gian qua bằng nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông hằng năm, đơn vị cũng đã lồng ghép, bố trí thực hiện nhiều mô hình như nuôi gà thả vườn, trồng rau an toàn, nuôi thủy sản nước ngọt gắn với các lớp đào tạo nghề nhằm có hiện trường thực tế để hướng dẫn học viên thực hành, tham quan, qua đó giúp họ học hỏi kinh nghiệm, rèn tay nghề thành thục hơn.

Rút kinh nghiệm từ đào tạo thí điểm 3 lớp nghề trong năm 2010 ở xã Tam Phước nên trước khi tổ chức các khóa đào tạo năm 2011 và 2012, Trung tâm KN-KN tỉnh đã làm việc với cấp ủy đảng, chính quyền, hội đoàn thể tại địa phương nơi triển khai lớp đào tạo. Tại mỗi điểm mở lớp, đảng ủy, chính quyền cơ sở đều phân công một tổ chức đoàn thể, hội phối hợp theo dõi, hỗ trợ các điều kiện cần thiết liên quan đến khóa học. Điều đáng nói, dù trong nguồn đào tạo không có kinh phí hỗ trợ cho học viên nhưng UBND các xã, thị trấn đều vận dụng kinh phí của địa phương hỗ trợ tiền xăng xe cho học viên tham gia khóa học. Chính vì thế mà việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn rất thuận lợi.

Tuy đã đạt hiệu quả cao nhưng hiện công tác dạy nghề qua kênh khuyến nông vẫn còn nhiều vướng mắc như thiếu kinh phí hỗ trợ đào tạo, việc phân bổ vốn chậm khiến nhiều thời điểm mở lớp đúng vào vụ mùa gây khó khăn cho nông dân khi đi học nghề. Theo ông Thương, mỗi khóa học kéo dài 3 tháng là quá nhiều, nên chăng cần tổ chức dạy tập trung trong vòng một tháng để tránh gây mất thời gian của nông dân. Ông Thương nói thêm: “Hiện nay, đội ngũ giáo viên của Trung tâm KN-KN tỉnh chỉ có 20 người là quá thiếu và mức trả thù lao như lâu nay không thể đáp ứng chi phí đi lại, ăn ở cho giáo viên. Nếu khắc phục được các khó khăn trên thì tôi nghĩ công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn qua kênh khuyến nông sẽ đem lại nhiều thành công”.

 VĂN SỰ -  ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo nghề nông nghiệp qua kênh khuyến nông: Hiệu quả thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO