Đào tạo nghề ở vùng cao

DIỄM LỆ 31/12/2012 09:15

Ba năm trở lại đây, đồng bào vùng cao đã dần quen hơn với việc học nghề. Tuy nhiên, để đồng bào “lập nghiệp” từ nghề đã học là cả một quá trình gian nan…

  • Mở 10 lớp đào tạo nghề tại gươl làng
  • Nâng cao trình độ quản lý đào tạo nghề cho lao động nông thôn
  • Hợp tác đào tạo nghề trùng tu di tích
  • Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Sẻ chia kinh nghiệm
  • Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn
  • Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Nhiều vướng mắc
  • Còn nhiều vướng mắc trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn
  • Đào tạo nghề theo nhu cầu
  • Đào tạo nghề cho nông dân
Phụ nữ Nam Giang làm nghề dệt thổ cẩm bài bản hơn sau khi được đào tạo.  Ảnh: D.LỆ
Phụ nữ Nam Giang làm nghề dệt thổ cẩm bài bản hơn sau khi được đào tạo. Ảnh: D.LỆ

Vận động

Giai đoạn đầu triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ở vùng cao chủ yếu tập trung tại các xã nông thôn mới nhằm kết hợp nhiều nguồn lực. Tại A Nông (Tây Giang), A Rooih, Ba (Đông Giang), Tà Bhing, La Dêê (Nam Giang)..., người dân được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm hay trồng các loại cây theo đúng hướng dẫn.

Bà con đồng bào vùng cao đã chú ý hơn đến các lớp dạy nghề, theo dõi những kỹ thuật mới. Chị A Cói (thôn Zơ Ra, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) tâm sự: “Mười tám tuổi, tôi đã được mẹ bày cho nghề dệt thổ cẩm, nhưng chỉ may áo cho người nhà thôi. Khi cán bộ xã gọi đi học nghề, tôi không thích đi. Nhưng rồi khi đến lớp, tôi biết may nhiều thứ như túi, ví, áo gối, khăn... bằng thổ cẩm với nhiều kiểu đẹp hơn. Giờ thì tôi được làm ở làng nghề, có thu nhập”. Tính đến cuối năm 2012, hơn 600 LĐNT của huyện Nam Giang đã được đào tạo nghề, gồm chăn nuôi, thú y, trồng rừng, nghề mộc, dệt thổ cẩm...

Theo những giáo viên của trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam, để có được kết quả như trên là cả quá trình gian nan. Việc tuyên truyền không chỉ được thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng mà còn phải đến tận nhà. Từ người giáo viên đến cán bộ huyện, xã và từng thôn bản cùng vào cuộc để giải thích, vận động đồng bào đi học nghề miễn phí. Một giáo viên tâm sự: “Chỉ có ở những xã mà dân cư đã được sắp xếp lại rồi thì dễ vận động hơn, vì bà con sống gần nhau. Những nơi dân cư chưa được sắp xếp, đi từ nóc này qua nóc nọ mất cả mấy tiếng đồng hồ, đi một xã mất cả ngày, chưa kể mùa mưa đường sá không thể đi được”.

Học nghề để lập nghiệp

Trong số học viên vùng cao tham gia học nghề, nhiều người đã biết ứng dụng nghề mới vào công việc thường ngày. Tại xã Trà Đông (huyện Bắc Trà My), có 6 lớp đào tạo nghề đã được mở cho LĐNT với 157 người theo học các nghề như nuôi nhông đất, kỳ đà, gà thả vườn, heo đen, nề, trồng rau sạch, thú y, nuôi cá…

Người dân vùng cao nhận gà giống về nuôi.
Người dân vùng cao nhận gà giống về nuôi.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Đông, cho biết: “Các nghề bà con đã học đều được ứng dụng, mang lại hiệu quả cho kinh tế gia đình chứ chưa mang tính đại trà. Riêng nghề nuôi gà được bà con ứng dụng rất tốt, nhiều đàn gà phát triển đến vài trăm con, không bị dịch bệnh như mọi năm”. Như hộ ông Nguyễn Ngọc Thăng (thôn Đông Sơn, xã Trà Đông) sau khóa học nghề đã phát triển đàn gà lên đến 1.000 con, cung cấp cho tiểu thương các xã lân cận. “Trước khi đi học, tôi cũng đã nuôi gà nhưng số lượng thường dưới 100 con lại hay bị dịch bệnh. Giờ đây, tôi biết cách tự tiêm phòng cho gà, khử trùng chuồng nuôi, nên mạnh dạn mở rộng quy mô. Chỉ lo là nuôi nhiều quá mà không tìm được đầu ra ổn định” – ông Thăng tâm sự.

Ở huyện Bắc Trà My, việc đào tạo nghề cho LĐNT đang nhận được sự quan tâm của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Ở xã Trà Sơn, đồng bào nuôi nhím tự phát đã có nhím con để bán giống, sau khi 35 hộ dân học nghề nuôi nhím. Ở xã Trà Giang, trước đây bà con trồng rau thành vùng cung cấp cho chợ huyện Bắc Trà My nhưng chưa qua trường lớp, giờ cũng đăng ký học khóa trồng rau an toàn. Một số hộ dân vẫn nuôi cá lồng bè trên Sông Tranh 2 nhưng chưa thuần thạo kỹ thuật cũng đã được hướng dẫn cách nuôi cá lồng bè hồi tháng 12.2012. Bắc Trà My đã quy hoạch vùng trồng cao su tiểu điền, nên dự kiến trong năm 2013 người dân sẽ được học các lớp kỹ thuật trồng, khai thác cao su.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo nghề ở vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO