Chính sách hỗ trợ đào tạo lao động (LĐ) cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 12/2016 của HĐND tỉnh đã bắt đầu được triển khai. Vì nhiều lý do, các địa phương đưa chỉ tiêu đào tạo của năm 2016 sang 2017, còn các cơ sở dạy nghề thì vào cuộc một cách thận trọng.
Các cơ sở dạy nghề đang khá thận trọng khi vào cuộc đào tạo nghề theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. Ảnh: D.L |
Khó triển khai vì cận tết
Cuối tháng 10.2016, Sở LĐ-TB&XH triển khai kế hoạch đào tạo LĐ theo Nghị quyết số 12 trong toàn tỉnh. Thời điểm triển khai Nghị quyết 12 cho năm 2016 chỉ còn 2 tháng cuối năm, nhưng nhu cầu tuyển dụng công nhân may của các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh lên đến 7.896 LĐ. Triển khai Nghị quyết 12, các địa phương bắt tay ngay vào cuộc, xây dựng kế hoạch đào tạo, nhưng đã là tháng cuối năm, vì thế dù có quyết tâm thì kế hoạch năm 2016 cũng không thể nào hoàn thành. Đến hết tháng 12.2016, trong toàn tỉnh có 9/18 huyện, thị xã, thành phố tổ chức hội nghị triển khai và ban hành kế hoạch thực hiện cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề. Đến nay, toàn tỉnh có 201 người được đào tạo theo cơ chế mới của Nghị quyết 12, trong đó Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam liên kết với Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 đào tạo 95 LĐ của xã Tam Lãnh (Phú Ninh), Trường Trung cấp Nghề tư thục ASEAN liên kết với các Công ty CP Thời trang Nguồn Lực, Công ty TNHH MTV Vast Apparel Việt Nam đào tạo 106 LĐ ở Điện Bàn và Phú Ninh.
Các địa phương xác định đây là cơ chế ưu đãi vượt trội dành cho người học nghề, giúp người LĐ có tay nghề và tìm được việc làm ổn định. Nhưng thời điểm triển khai đào tạo quá cận tết, nói như ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Phước thì thời gian này người dân đều lo tìm công ăn việc làm để có nguồn thu nhập lo tết, nên họ không mặn mà với việc học nghề. Đó cũng là lý do khiến huyện Tiên Phước chưa thể đào tạo nghề cho LĐ địa phương theo Nghị quyết 12, dù huyện đã tích cực tuyên truyền, phân tích cụ thể chính sách ưu đãi. Vì thế kế hoạch năm 2016 của Tiên Phước đành “khất” lại qua năm 2017 sẽ đào tạo. Đối với các địa phương miền núi, từ việc tìm LĐ đi học nghề đến việc đào tạo càng khó khăn trong thời điểm này. Đến nay vẫn chưa có huyện miền núi nào mở lớp đào tạo nghề theo cơ chế mới, và cũng hẹn sang năm 2017.
Chưa dám đào tạo
Từ kế hoạch đến triển khai thực hiện đào tạo nghề theo Nghị quyết 12 vẫn còn khoảng cách khá lớn, nhất là khi bị ràng buộc bởi những điều kiện trong thực hiện đào tạo, chẳng hạn người học nghề phải có việc làm sau đào tạo, làm việc tại một doanh nghiệp trong tỉnh ít nhất 6 tháng… Vì điều kiện này nên khi các cơ sở dạy nghề ký kết đào tạo, cung ứng LĐ cho các doanh nghiệp còn phải “ngó lại” xem người LĐ như thế nào mới dám quyết định. Ông Hồ Quang Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam cho biết: “Đến thời điểm này, trung tâm chưa dám đào tạo, bởi còn phụ thuộc rất lớn vào người LĐ. Nếu đào tạo xong mà người LĐ không chịu đi làm, hoặc đi làm việc ở ngoài tỉnh thì trung tâm không thể nào có đủ chứng từ để thanh quyết toán. Trước tiên cần phải làm tốt công tác tuyên truyền đến người LĐ, để họ hiểu và phối hợp cùng đơn vị đào tạo nghề, doanh nghiệp cam kết làm việc sau khi học nghề. Nếu không, các cơ sở dạy nghề không dám đào tạo vì sợ không thanh quyết toán được”.
Là cơ sở dạy nghề đứng chân ở huyện miền núi, Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam cũng tỏ ra khá thận trọng khi vào cuộc đào tạo nghề cho LĐ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đến nay trường vẫn chưa đào tạo lớp nào theo cơ chế mới này. Bởi đặc trưng của LĐ miền núi hoàn toàn khác LĐ đồng bằng, ở đây người LĐ có thể chịu đi học nghề nhưng chưa chắc chịu đi làm. Trong khi đó địa bàn miền núi không có doanh nghiệp may mặc đóng chân nên không thể giải quyết việc làm tại chỗ mà phải dịch chuyển LĐ xuống đồng bằng. Ông Quý nói: “Nghị quyết 12 khác hoàn toàn so với Đề án 1956 về đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, vì thế cơ sở đào tạo phải thận trọng. Nhà trường đang làm việc với các huyện miền núi, nhằm phối hợp tuyên truyền tư tưởng cho LĐ thật tốt trước khi đào tạo. Nếu đào tạo xong mà người LĐ không chịu đi làm thì nhà trường gánh khoản chi phí đào tạo này không xuể”. Nhà trường cũng đã thử nghiệm bằng cách đưa 10 học sinh học nghề trung cấp may xuống doanh nghiệp ở đồng bằng làm việc. Từ điển hình 10 trường hợp này, nếu làm việc ổn định và có nguồn thu nhập tốt sẽ là cơ sở để nhà trường cùng các địa phương dẫn chứng tuyên truyền cho những LĐ khác. Ông Quý hy vọng rằng trên cơ sở truyền thông mạnh mẽ trong năm 2017, cơ chế mới sẽ được người LĐ hiểu và đồng hành. Ông Quý cho biết nhà trường sẽ chọn hình thức “đào tạo ít nhưng chắc chắn”, đảm bảo người LĐ học nghề có việc làm, bởi đó là mục tiêu cuối cùng của Nghị quyết 12.
LÊ DIỄM