Đào tạo nghề theo Quyết định 3577: Tiếp tục với quyết tâm cao

DIỄM LỆ (thực hiện) 16/09/2019 13:32

Đào tạo nghề cho các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh tiếp tục được thực hiện với quyết tâm cao. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đây được xác định là chính sách đào tạo nghề có nhiều ý nghĩa xã hội, nhất là đối với lao động (LĐ) vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về việc thực hiện chính sách này trong thời gian qua.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các địa phương tiếp tục đào tạo nghề theo Quyết định 3577 với quyết tâm cao. Ảnh: D.L
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các địa phương tiếp tục đào tạo nghề theo Quyết định 3577 với quyết tâm cao. Ảnh: D.L

Tháo gỡ khó khăn

* Thưa ông, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện đào tạo nghề cho các chương trình, dự án trọng điểm theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh như thế nào? Kết quả đạt được ra sao?

* Ông Nguyễn Thùy: Triển khai thực hiện Cơ chế đào tạo nghề cho các chương trình, dự án trọng điểm theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh được Sở LĐ-TB&XH xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ngay từ cuối năm 2018, sau khi tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện (2017 - 2018), sở đã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tập trung quan tâm công tác khảo sát nhu cầu sử dụng LĐ của doanh nghiệp để có cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo năm 2019 sát đúng với thực tiễn; phối hợp chặt chẽ hơn với doanh nghiệp về đội ngũ kỹ thuật và cơ sở vật chất. Sở cũng đã có văn bản giao chỉ tiêu gợi ý về đào tạo nghề theo Quyết định 3577 năm 2019 để các địa phương phấn đấu thực hiện. Qua theo dõi, từ đầu năm đến nay, các địa phương triển khai tốt công tác đào tạo nghề theo Quyết định 3577 là Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Duy Xuyên; các cơ sở GDNN tham gia tích cực công tác đào tạo nghề này là Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc miền núi Quảng Nam, Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam, Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam; một số doanh nghiệp tích cực tham gia nhận LĐ là Công ty Panko Tam Thăng, Công ty Germton...

Trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng số LĐ được đào tạo nghề theo Quyết định 3577 là 1.131 người (trong đó hơn 70% là người dân tộc thiểu số). Theo báo cáo các địa phương, cơ sở GDNN, có hơn 90% số LĐ hoàn thành khóa học vào làm việc tại doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với các năm trước đây.

* Trong quá trình thực hiện Quyết định 3577 đã nảy sinh những vướng mắc ở cơ sở. Các vướng mắc đó đã được giải quyết thế nào, thưa ông?

* Ông Nguyễn Thùy: Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 3577 đã nảy sinh một số vướng mắc, như chỉ hỗ trợ duy nhất nghề may công nghiệp, quy định phải có xác nhận đóng bảo hiểm xã hội mới thanh quyết toán kinh phí, cơ quan chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho người dân tộc thiểu số sau học nghề vào làm việc tại doanh nghiệp… Các vướng mắc này đã được UBND tỉnh tháo gỡ, theo đó ngành nghề đào tạo được bổ sung, mở rộng hơn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của người LĐ, thủ tục thanh quyết toán đơn giản hơn, việc chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho người dân tộc thiểu số sau học nghề vào làm việc tại doanh nghiệp được giao phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố… Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh đã phối hợp ban hành văn bản liên ngành về hướng dẫn một số nội dung trong triển khai thực hiện Quyết định 3577, từ công tác tuyển sinh, ký kết hợp đồng, chuyển tạm ứng, thanh quyết toán… Sau khi các vướng mắc được giải quyết, các địa phương, cơ sở GDNN đã thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện Quyết định 3577.

Linh hoạt điều chỉnh

* Các doanh nghiệp đến đầu tư vào Quảng Nam ngày càng nhiều, nhất là lĩnh vực du lịch, công nghiệp. Ông có thể cho biết, việc đào tạo nghề nhằm cung ứng đủ nguồn LĐ cho doanh nghiệp sẽ được tập trung triển khai như thế nào?

* Ông Nguyễn Thùy: Đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp là một yêu cầu không thể thiếu trong GDNN. Cho đến nay các ngành nghề đào tạo theo Quyết định 3577 cơ bản đã được mở rộng và đáp ứng được yêu cầu, nhất là lĩnh vực may mặc và du lịch. Để công tác GDNN gắn với doanh nghiệp thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, trong thời gian đến tỉnh tập trung một số giải pháp. Đầu tiên, phải thực hiện rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động doanh nghiệp tham gia dạy nghề; ưu tiên ngân sách cho các khóa dạy nghề gắn kết với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, đảm bảo được số lượng người LĐ sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định (không phân biệt loại hình cơ sở đào tạo). Tiếp tục tập trung chú ý tuyển sinh ở địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, người LĐ không có việc làm ổn định hoặc thu nhập thấp. Tổ chức rà soát hệ thống cơ sở GDNN của tỉnh, trên cơ sở đó thực hiện điều chỉnh, quy hoạch theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo cơ cấu vùng miền, cơ cấu ngành nghề đào tạo.

Cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển GDNN, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm. Cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa địa phương với cơ sở GDNN, giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo cần được đẩy mạnh hơn. Địa phương cùng với cơ sở GDNN ký kết hợp đồng trách nhiệm đào tạo lao động trên địa bàn. Doanh nghiệp và cơ sở GDNN cùng phối hợp xây dựng tiêu chuẩn, kỹ năng nghề, thiết kế chương trình và tham gia vào quá trình giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học nghề. Cơ sở GDNN phải chủ động điều tra để có được thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp (nghề, trình độ, mức độ kỹ năng...) để tổ chức đào tạo phù hợp. Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ sở GDNN về nhu cầu lao động. Điều nữa là phải tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp nội dung chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy - học, đổi mới phương pháp đào tạo, nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ nhà giáo để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về lĩnh vực GDNN nhằm từng bước tiếp cận chuẩn khu vực và chuẩn quốc tế về kỹ năng nghề là điều không được bỏ qua nếu muốn công cuộc GDNN của tỉnh đi đến hội nhập tốt hơn, cung ứng được nguồn LĐ có chất lượng cho doanh nghiệp.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo nghề theo Quyết định 3577: Tiếp tục với quyết tâm cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO