Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: "Cơn khát" không ngừng nghỉ

QUÂN LÊ 14/10/2020 06:19

Khá nhiều thách thức được phân tích và bàn thảo các giải pháp để Quảng Nam trở thành nơi hội tụ những yếu tố của nền kinh tế tri thức, trong đó nguồn nhân lực là vấn đề then chốt.

Sát hạch tuyển chọn Đề án 500 khóa III. Ảnh: N.A
Sát hạch tuyển chọn Đề án 500 khóa III. Ảnh: N.A

Chủ động tìm người

Liên tục các đợt tuyển dụng và đào tạo tại chỗ được Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức - Điện Bàn thực hiện trong nhiều năm liền. Đây là vấn đề then chốt để phát triển cơ sở, theo khẳng định của bác sĩ Trần Công Ân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức. Lựa chọn và tạo cơ hội để các bác sĩ trẻ được đào tạo liên tục từ chính nguồn kinh phí của bệnh viện, trang bị máy móc hiện đại để đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương cũng như các vùng lân cận, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức ngày càng khẳng định năng lực điều trị của mình với các bệnh viện trong khu vực. Trong lĩnh vực y tế, câu chuyện nguồn nhân lực luôn được ưu tiên hàng đầu.

“Mặc dù có những lợi thế về dân số và lực lượng lao động, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực của Quảng Nam vẫn còn nhiều bất cập. Kỹ năng lao động của lực lượng lao động trong tỉnh vẫn khó có thể đảm nhiệm những công việc yêu cầu chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo của Quảng Nam so với cả nước còn chênh lệch; cả nước là 21,9 %, Quảng Nam 19,6%. Cơ cấu lao động phân theo trình độ kỹ thuật hiện nay có những điểm bất cập, mất cân đối so với yêu cầu của sự nghiệp phát triển”.

(Bà Nguyễn Thị Nguyệt - cán bộ Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Tuy nhiên, nếu các cơ sở y tế tư nhân luôn chủ động tìm cách để “kéo” nguồn nhân lực về đơn vị mình thì các cơ sở công lập lại đau đầu với việc thiếu bác sĩ tại đơn vị. Ông Nguyễn Văn Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên chia sẻ, nhiều năm liền, trung tâm gần như luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng bác sĩ chuyên khoa. Tại các địa phương miền núi, tình trạng thiếu bác sĩ càng là vấn đề đáng quan tâm. Đã có nhiều hình thức tuyển dụng, ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút bác sĩ về các huyện miền núi công tác nhưng vẫn không đảm bảo được nhu cầu của mỗi địa phương.

Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND ngày 19.4.2017 của HĐND tỉnh  về chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho viên chức sự nghiệp y tế công lập tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017 - 2021 với kết quả đạt được 79 ê kíp, trong đó số chuyên khoa sâu được phê duyệt 50 ê kíp. Đưa ra các lý do khiến Nghị quyết số 11 về y tế trong thời gian qua chưa thể hoàn thành, đại diện Sở Y tế cho rằng, tình trạng dịch chuyển cán bộ y tế từ đơn vị công lập sang tư nhân, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, bác sĩ sau đại học, nên các đơn vị gặp khó khăn và chưa đáp ứng kịp thời trong việc cử cán bộ đi đào tạo ê kíp, chuyên sâu theo quy định… Chính sách thu hút bác sĩ của tỉnh đã kết thúc nên các đơn vị trong toàn ngành thiếu hụt lực lượng bác sĩ khá trầm trọng nhưng phải vừa lo công tác khám  chữa bệnh tại đơn vi, vừa tham gia đào tạo. Vì vậy, ngành y tế gặp nhiều khó khăn. Hiện nay Bộ Y tế ban hành văn bản tạm dừng đào tạo chuyên sâu, định hướng nên ảnh hưởng việc triển khai thực hiện đào tạo của đề án.

Thu hút nhân tài

Nhiều cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động như vay vốn học nghề, phát triển các làng nghề truyền thống... góp phần tích cực trong việc thay đổi tư duy lao động sản xuất của người dân, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống... Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua được đào tạo, nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ; trong đó, trình độ tiến sĩ 5 người; thạc sĩ 206 người; đại học 2.279 người.

Y tế cũng là lĩnh vực được quan tâm để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong ảnh: TS-BS. Lê Viết Nhiệm (BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam) là một trong những nhân lực chất lượng cao của Quảng Nam. Ảnh: Đoàn Đạo
Y tế cũng là lĩnh vực được quan tâm để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong ảnh: TS-BS. Lê Viết Nhiệm (BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam) là một trong những nhân lực chất lượng cao của Quảng Nam. Ảnh: Đoàn Đạo

Qua các năm thực hiện Đề án 500, toàn tỉnh đã tuyển chọn, đào tạo 519 người có trình độ đại học trở lên (trong đó 2 thạc sĩ) để bổ sung cho cấp xã. Đến nay, có 41/519 học viên được bố trí vào chức danh cán bộ; 469/519 học viên được bố trí vào các chức danh công chức, 9/519 học viên bố trí vào chức danh những người hoạt động không chuyên trách. Với Đề án 600, tỉnh đã tuyển chọn đào tạo 30 người, phần lớn là con em người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương nên có cùng tiếng nói, hiểu biết được các phong tục, tập quán bản địa để bố trí làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 3 huyện: Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn.

Quảng Nam xác định phát triển nguồn nhân lực đồng bộ cả về số lượng và chất lượng, hạt nhân là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; thu hút, trọng dụng nhân tài vào khu vực công; tập trung nguồn lực cho các chuyên gia đầu ngành, ưu tiên tuyển dụng người lao động qua đào tạo; kết hợp hài hòa giữa đào tạo và đào tạo lại với thu hút nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh và của doanh nghiệp. Bà Trần Thiên Hương - cán bộ Viện Chiến lược phát triển cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, ngoài nâng cao chất lượng GD-ĐT, cần đổi mới phương pháp quản lý nguồn nhân lực theo kết quả chứ không nặng về thủ tục hành chính, tạo điều kiện phát huy năng lực cá nhân, khuyến khích đổi mới sáng tạo. “Xây dựng dữ liệu về cung cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, nhân lực khoa học công nghệ làm cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhân lực. Hình thành quỹ đào tạo cán bộ của tỉnh, ngoài ra thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, từ các nguồn vốn hỗ trợ như ODA, WB, UNESCO…” - bà Trần Thiên Hương nói.

Cùng với nhân lực chất lượng cao tại các đơn vị hành chính, thị trường lao động cũng đang “khát” nhân lực chất lượng cao. Thiếu hụt nhân sự chất lượng cao luôn là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ trong đào tạo và tuyển dụng, cùng với Nhà nước cần chú trọng đào tạo lực lượng lao động một cách thiết thực để nâng cao hiệu quả sử dụng con người…

Một làn sóng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là các thương vụ đầu tư lớn cho các start-up công nghệ đang mở ra, bên cạnh nhiều lĩnh vực cũng bắt đầu thay đổi khi doanh nghiệp đầu tư về công nghệ, ứng dụng công nghệ cao để bắt kịp xu thế. Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp đang tập trung phát triển kinh tế số và ứng dụng thành tựu công nghệ đặt ra nhu cầu về nguồn nhân lực khá lớn, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Đây là cơ hội để một địa phương đang phát triển như Quảng Nam cần phải suy nghĩ khi tỉnh đang ở cơ cấu dân số vàng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: "Cơn khát" không ngừng nghỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO