Vấn đề đào tạo nghề, chủ động nguồn nhân lực làm việc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) hiện nay luôn là bài toán khó bởi sự liên kết giữa nơi sử dụng lao động và đơn vị đào tạo vẫn còn lỏng lẻo.
Ông Nguyễn Công - Trưởng đại diện Liên minh HTX khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết, hiện nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ con em xã viên được đi học tại các trung tâm đào tạo nghề, tuy nhiên vẫn ít người học. “Thường thì bao giờ họ cũng chọn cho mình con đường đại học, cao đẳng chứ ít khi theo học ở các hệ trung cấp. Chính vì vậy, việc thiếu hụt nguồn nhân lực cho HTX là điều dễ hiểu…” - ông Công nói.
Liên minh HTX khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang có một trường trung cấp nghề, chuyên đào tạo các kỹ năng cho cán bộ HTX, doanh nghiệp, con em xã viên HTX. Từ năm 2010 đến nay, trung tâm đã tổ chức 33 khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho 1.255 lượt cán bộ HTX về các ngành: quản trị HTX, kế toán, xây dựng kế hoạch chiến lược, kỹ năng tư vấn, lập chiến lược. Trung tâm cũng đã tổ chức 1 lớp trung cấp quản lý vận tải cho 29 học viên là con em của các HTX trong khu vực. Ngoài ra, còn rất nhiều khóa đào tạo được trung tâm mở dành cho những thanh niên địa phương chưa có việc làm với các ngành nghề chủ yếu như mây tre đan, may công nghiệp, dệt chiếu cói, đóng tàu gỗ… Tuy nhiên, số người theo học vẫn chưa đáp ứng được nguồn nhân lực cho HTX hay các doanh nghiệp. Theo ông Công, để thu hút nguồn nhân lực cho HTX, các con em của xã viên sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/năm khi đi học nghề với điều kiện sau khi hoàn thành khóa học sẽ trở về phục vụ cho HTX trong 5 năm. Tuy nhiên, điều này cũng không thu hút được nhiều bởi giới trẻ vẫn đang mơ hồ đối với kinh tế tập thể.
Trong một cuộc hội thảo mới đây do Liên minh HTX miền Trung - Tây Nguyên tổ chức, các vấn đề về đào tạo nghề đã được đưa ra mổ xẻ. Vấn đề lớn nhất hiện tại chính là sự lệch pha giữa cung và cầu. Đào tạo nhiều nhưng không đúng với thị hiếu của thị trường dẫn đến tình trạng thừa lao động ở lĩnh vực này nhưng lại thiếu hụt ở ngành nghề khác. Ông Lê Đức Duy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển kinh tế HTX miền Trung - Tây Nguyên cho rằng, cần phải đào tạo theo đơn đặt hàng của các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. “Ví dụ như tôi cần 1.000 lao động trong ngành may mặc, có tay nghề cao, đảm bảo năng lực thì sẽ liên kết với cơ sở đào tạo. Cơ sở đào tạo lại tìm những lao động có nhu cầu học nghề này và đào tạo theo chiều sâu, sát với thực tiễn, sau đó giao cho doanh nghiệp. Như vậy sẽ tránh được tình trạng đào tạo tràn lan mà không hiệu quả” - ông Duy nói.
Tuy nhiên, việc liên kết giữa các trung tâm đào tạo nghề với các HTX, doanh nghiệp chưa được chặt chẽ nên lao động sau đào tạo không có việc làm vẫn còn rất phổ biến. Ông Công cho rằng, điểm mấu chốt của vấn đề là sự liên kết chưa chặt chẽ, hơn nữa trên địa bàn cũng chưa có doanh nghiệp nào đủ năng lực để có nhu cầu đào tạo đối với các trung tâm dạy nghề. “Hiện tại đa số doanh nghiệp đều tuyển những lao động phổ thông, tự do chứ chưa liên kết với các trung tâm đào tạo. Nếu đủ năng lực để đặt hàng đối với các trung tâm thì vấn đề sẽ được giải quyết một cách triệt để…” - ông Công cho biết.
TUỆ LÂM