Năm học mới bắt đầu tại Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam cũng là lúc các doanh nghiệp đến đặt hàng đào tạo lao động (LĐ) tại trường. Lợi thế về đào tạo LĐ theo địa chỉ đã giúp việc tuyển sinh, đào tạo tại trường gặp thuận lợi hơn trong năm học mới.
Đào tạo có địa chỉ
Trước khi Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam khai giảng năm học mới, đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Công ty Dacotex Hải Âu Xanh ở Khu công nghiệp (KCN) Bắc Chu Lai về kế hoạch đào tạo cung ứng LĐ nghề may công nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thạch - Phó Giám đốc Công ty Dacotex Hải Âu Xanh cho biết: “Công ty chúng tôi có nhu cầu mở rộng sản xuất, cần thêm 150 - 250 LĐ có tay nghề may thời trang, may công nghiệp nên đã đến làm việc với Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam để đặt hàng đào tạo. Các thế hệ lãnh đạo trước của công ty đã đặt mối quan hệ tuyển dụng LĐ được đào tạo từ nhà trường, nên chúng tôi tiếp tục phát huy mối quan hệ này. Chúng tôi sẽ tiếp nhận LĐ được đào tạo cả hai hệ sơ cấp và trung cấp. Nhà trường đào tạo theo chương trình khung, sau đó học sinh thực tập trên dây chuyền sản xuất tại công ty. Hai bên cùng phối hợp sát hạch kiểm tra tay nghề của học sinh, khuyết chỗ nào sẽ đào tạo thêm chỗ đó để hoàn thiện kỹ năng nghề”.
Trong kế hoạch đào tạo hàng năm, Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam đều khảo sát nhu cầu tuyển dụng LĐ của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ký kết biên bản hợp tác đào tạo và cung ứng LĐ cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đã có mối quan hệ hợp tác truyền thống với nhà trường có thể kể đến nhiều công ty ở KCN Bắc Chu Lai, Nam Chu Lai như Dacotex Hải Âu Xanh, Vinh Phúc Quảng Nam, Thái Bình Chu Lai, Thaco Trường Hải, hoặc ở tỉnh xa như Hòa Phát Dung Quốc (Quảng Ngãi), Thép Việt Nhật (Bình Dương)... Những LĐ được nhà trường đào tạo ở các ngành nghề như hàn, cơ khí, điện, may thời trang, may công nghiệp..., doanh nghiệp đều tin tưởng tuyển dụng. Ông Đặng Đôi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam, cho biết: “Việc đào tạo nghề có địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đã được nhà trường thực hiện trong nhiều năm qua. Hai bên hợp tác để hỗ trợ lẫn nhau. Doanh nghiệp giúp trường bổ sung kỹ năng nghề khi học sinh đến thực tập, bởi thiết bị đào tạo tại trường chưa theo kịp công nghệ, trong khi đó máy móc được doanh nghiệp trang bị rất hiện đại. Doanh nghiệp cũng có lợi thế hơn trong tuyển dụng LĐ vì đã có nguồn cung ứng từ nhà trường và qua quá trình thực tập của học sinh, họ sẽ đánh giá được kỹ năng tay nghề, tiếp nhận LĐ thuận lợi hơn. Và đích đến cuối cùng là giúp học sinh sau khi tốt nghiệp có tay nghề vững vàng, việc làm ổn định”.
Tuyển sinh vượt chỉ tiêu
Năm học 2019 - 2020, Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam được tỉnh giao tuyển sinh 250 chỉ tiêu đào tạo hệ trung cấp nghề, trường đã tuyển sinh được 295 học sinh. Tổng số học sinh nhà trường đã tuyển sinh được là 561 em, đào tạo ở 3 hệ trung cấp, sơ cấp và nghề dưới 3 tháng. Ông Đôi khẳng định, việc tuyển sinh học sinh học nghề năm này thuận lợi hơn trước, bởi có sự tác động của nhiều yếu tố. Công tác phân luồng đào tạo được tỉnh chỉ đạo sớm, các địa phương, các trường THCS, THPT thực hiện quyết liệt nên chính sách được phổ biến đến học sinh, phụ huynh. Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam cũng đã tự xây dựng được mạng lưới cộng tác viên tuyển sinh ở các xã, các trường THCS, THPT. Mạng lưới này hoạt động khá hiệu quả, trở thành cánh tay đắc lực giúp nhà trường tuyển sinh học nghề. “Từ nhiều cách truyền thông cũng như tác động tâm lý, nhận thức của phụ huynh, học sinh về học nghề lập nghiệp thay đổi tích cực. Phụ huynh hiểu rằng việc học nghề giúp con em họ có tay nghề tốt, việc làm ổn định nên không nhất thiết phải ép con phải học đại học cho bằng được. Những em sau khi phân luồng không đủ điều kiện đi học tiếp lớp 10 sẽ chọn học nghề. Nhưng vẫn có nhiều em đủ điểm xét tuyển vào lớp 10 nhưng lại chọn con đường học nghề. Trong quá trình học, tình trạng học sinh bỏ học đã giảm đáng kể. Điều đó cho thấy nhận thức về học nghề đã khác so với trước rất nhiều, giúp nhà trường thực hiện tốt hơn bước tuyển sinh đầu vào” - ông Đôi cho hay.
Đến từ xã Trà Cang (huyện Nam Trà My), em Trần Văn Sinh có thành tích học tập 4 năm liền là học sinh tiên tiến, đủ điều kiện để tiếp tục đi học bậc THPT. Nhưng Sinh đã chọn con đường đi học nghề hàn. Bởi Sinh mong muốn vừa học chữ vừa học nghề, để đến khi vừa đủ tuổi LĐ có thể đi làm, phụ giúp ba mẹ. Hay những gương mặt như Hồ Thị Neo, Nguyễn Thị Goa, Trần Thị Phỉ (đều đến từ huyện Nam Trà My) là những học sinh tiên tiến của bậc học THCS, nhưng không chọn học tiếp THPT mà đi học nghề. Bởi các em là những người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chọn con đường học nghề để sớm có việc làm, ổn định cuộc sống của bản thân và giúp đỡ cho gia đình. Con đường học tập của các em sẽ nhận được sự đồng hành bằng chính sách miễn học phí, hỗ trợ tiền ăn uống của Nhà nước, những suất học bổng của nhà trường, doanh nghiệp để các em có thêm điều kiện học tập tốt hơn.