Đó là điểm chung trong các ý kiến của nhiều nhà khoa học đưa ra tại hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ (HTTC)” do Trường Đại học Quảng Nam vừa tổ chức.
Sinh viên là trung tâm
Đào tạo theo HTTC được các trường đại học (ĐH) Việt Nam thực hiện cách đây 7 năm với mục tiêu lấy người học làm trung tâm, chuyển phương thức giảng dạy từ cung cấp kiến thức là chủ yếu sang phát triển năng lực, phẩm chất của sinh viên (SV). Tuy nhiên, đến nay, đào tạo theo HTTC vẫn còn là chương trình khá mới đối với nhiều trường, giảng viên (GV) và SV. Lợi ích của đào tạo theo HTTC được thể hiện khá rõ không chỉ ở tính mục tiêu, hệ thống, liên thông mà còn sự mềm dẻo, linh hoạt và thực tiễn dành cho người học. TS. Phạm Thị Thu Nga - Trưởng khoa Văn hóa - du lịch (Trường ĐH Sài Gòn) cho biết, mô hình đào tạo theo HTTC được trường thực hiện từ năm 2007 và đến nay đã vài lần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Từ 135 tín chỉ, trong đó 60% lý thuyết, 40% thực hành ở giai đoạn 2008 - 2012 đối với đào tạo ĐH, đến nay trường rút xuống còn 130 tín chỉ nhưng thời lượng thực hành tăng lên 45%, lý thuyết giảm xuống còn 55% (riêng với đào tạo cao đẳng là 50 - 50). “Đào tạo theo HTTC tăng tính thực hành, bổ sung thêm khối kiến thức nghề nghiệp, giúp SV không chỉ nắm kiến thức chuyên môn mà còn có thể bắt tay vào làm việc ngay khi ra trường” - TS. Thu Nga nói.
Với mô hình đào tạo theo hệ thống tín chỉ, sinh viên có nhiều cơ hội thực hành, trải nghiệm thực tế. Ảnh: X.PHÚ |
Tại hội thảo, một số ý kiến đề cập đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy, xem đây là một trong những khâu then chốt quyết định đến chất lượng đào tạo. Với đề tài “Đổi mới phương pháp dạy học diễn giảng và xêmina (hình thức học thảo luận - PV) ở trường ĐH theo học chế tín chỉ”, TS. Nguyễn Thị Kim Liên - Trưởng khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Quảng Nam) cho rằng, GV cần hạn chế phương pháp thuyết trình thông báo - tái hiện và nên tăng cường phương pháp thuyết trình nêu vấn đề - Ơrixtic kết hợp với sử dụng công nghệ thông tin để tăng tính trực quan, sinh động cho bài giảng. Đồng thời tạo điều kiện cho SV tham gia thảo luận, hướng SV biết cách suy nghĩ như các nhà khoa học, làm cho buổi xêmina trở thành những buổi “thảo luận phát triển”.
Một trong những băn khoăn của các GV khi chuyển sang giảng dạy theo HTTC là phải đầu tư soạn lại giáo trình, thời gian lên lớp bị rút ngắn, gây khó khăn trong việc chuyển tải kiến thức cho SV. ThS. Nguyễn Thị Nga (Trường ĐH Phạm Văn Đồng) cho rằng, GV ngay từ đầu phải cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình, nội dung môn học để giúp SV có định hướng và tự chuẩn bị tiếp nhận môn học một cách chủ động. Còn ThS. Nguyễn Mạnh Hồng - Trưởng khoa Lịch sử (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) thì nhấn mạnh đến vai trò của GV và SV, đó là đổi mới phương pháp giảng dạy trong đào tạo theo HTTC là phải hướng tới phát triển tối đa tự chủ của SV trong học tập, phát triển năng lực độc lập làm việc, nghiên cứu.
Đổi mới giáo dục ĐH
Đào tạo theo HTTC sẽ tăng thời lượng thực hành, giúp cho người học có thêm nhiều kiến thức thực tế. Do đó, giải pháp liên kết trong đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng trải nghiệm cho SV là yêu cầu đặt ra cho các trường ĐH, cao đẳng hiện nay. Theo ThS. Trần Phan Hiếu (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng), đây là mô hình đào tạo đem lại lợi ích cho nhà trường, doanh nghiệp và bản thân mỗi SV. Còn TS. Phạm Thị Thu Nga (Trường ĐH Sài Gòn) cho biết, trường xác định việc thực tập tốt nghiệp của SV là một trong những nội dung quan trọng của chương trình đào tạo. Sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp còn tạo ra tính tích cực 2 chiều. |
Việc Trường ĐH Quảng Nam đứng ra tổ chức hội thảo “Đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học trong đào tạo theo HTTC” là khá kịp thời nhằm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Bắt đầu triển khai thực hiện từ năm học 2000 - 2011 (khá muộn so với nhiều trường ĐH khác trên cả nước), đây là lần thứ hai Trường ĐH Quảng Nam tổ chức hội thảo liên quan đến đào tạo theo HTTC. Hội thảo lần này thu hút nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý, GV đến từ 20 trường ĐH, cao đẳng trên cả nước tham gia. Trước đó, Ban tổ chức hội thảo đã nhận 77 bài viết của các nhà khoa học gửi đến với các nội dung tập trung vào việc đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong đào tạo theo HTTC. Một số tác giả còn đưa ra giải pháp phải có sự liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp với nâng cao khả năng trải nghiệm cho sinh viên, mô hình thực tập học việc của sinh viên. Theo TS.Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam, là một trường ĐH đa ngành, đa cấp và đa hệ, nhiệm vụ của ĐH Quảng Nam là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của tỉnh Quảng Nam cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Vì vậy, việc tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, những đề xuất từ các nhà khoa học, nhà quản lý của các trường ĐH để cùng nhau đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ĐH.
Rõ ràng, việc chuyển từ đào tạo niên chế sang đào tạo theo HTTC là một trong những giải pháp đổi mới giáo dục ĐH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Dẫn chứng những kinh nghiệm từ tổ chức đào tạo theo HTTC của Trường ĐH Rajabhat Sakon Nakhon vương quốc Thái Lan, ThS. Lê Đức Quảng đến từ Trường Cao đẳng Quảng Trị (đang là nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Rajabhat Sakon Nakhon) cho biết, “Chiến lược phát triển giáo dục quốc gia giai đoạn 2002 - 2016” của Bộ Giáo dục Thái Lan là đẩy mạnh công tác cải cách, đổi mới giáo dục ở các mặt gồm trường học, GV, chương trình, phương pháp giảng dạy, quản lý giáo dục, mà trọng tâm là đổi mới chương trình và công tác giảng dạy. Còn ở Việt Nam hiện nay, các trường ĐH đang tiến hành đổi mới toàn diện về cách vận hành chương trình đào tạo, mô hình quản lý đào tạo theo HTTC. Để công cuộc đổi mới giáo dục ĐH thành công, việc nâng cao hiệu quả quản lý chuyên môn là khâu đột phá. Mà thành công ở mức độ nào lại phụ thuộc rất lớn vào quan điểm và năng lực quản lý của các nhà quản lý giáo dục.
XUÂN PHÚ