Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp

HOÀNG LINH 02/07/2016 08:37

Thực tế, mối liên kết giữa cơ sở dạy nghề (CSDN) và doanh nghiệp (DN) đã có, nhưng việc đào tạo nguồn lao động cần phải đáp ứng được yêu cầu của DN, vì vậy cả hai phía đều phải nỗ lực.

Theo dự thảo Đề án cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, nghề được tập trung đào tạo sẽ ở trình độ sơ cấp nghề và nghề dưới 3 tháng. Đề án này sẽ được lồng ghép thực hiện cùng với Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Số lượng lao động được đào tạo cả giai đoạn là hơn 40 nghìn người, dành cho các cơ sở đào tạo nghề không phân biệt công lập hay tư nhân, kể cả DN có tham gia đào tạo nghề. Người học nghề được hỗ trợ chi phí đào tạo tùy theo ngành nghề, thời gian, định mức đào tạo; hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề; tiền đi lại trong thời gian đào tạo; tiền lưu trú. Đối tượng học nghề đều được hỗ trợ, trong đó theo hướng ưu tiên hơn đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số học nghề và làm việc tại DN. Tổng nguồn kinh phí thực hiện đề án dự kiến hơn 128 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2016 - 2020.

Nghề may mặc được chọn là nghề được ưu tiên để thí điểm cơ chế đào tạo nghề mới của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020, bởi nhu cầu của ngành này vô cùng lớn. Các CSDN, địa phương đã được Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu phải vào cuộc quyết liệt trong đào tạo nhân lực ngành may, đáp ứng cho các dự án trọng điểm của tỉnh đang được triển khai. Nhưng để đáp ứng nhu cầu của DN theo dây chuyền công nghệ là cả một quá trình mà CSDN phải vận động theo. Hiện nay, hầu như nguồn lao động được đào tạo nghề theo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng dành cho lao động nông thôn. Nguồn lao động nông thôn được đào tạo đều theo kế hoạch của mỗi địa phương, có sự tham gia của DN, đặc biệt cho mượn máy móc để đào tạo nên đáp ứng được nhu cầu. Nhưng với nguồn lao động ở trình độ trung cấp kỹ thuật may, theo các DN thì phải đào tạo lại. Ông Phạm Ngọc Trung - Giám đốc điều hành Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết: “Từ trước đến nay thì DN luôn phát triển nguồn nhân lực theo hướng tự đào tạo tại DN, vì DN sản xuất theo dây chuyền chuyên môn hóa, nên nhận lao động phổ thông vào đào tạo theo công đoạn sẽ phù hợp. Ở các trường dạy nghề, khi đào tạo ra nguồn lực lao động ở trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng phối hợp với địa phương thì tạm đáp ứng được. Nhưng nguồn nhân lực kỹ thuật may học 2 năm ở trường nghề thì DN đều phải đào tạo lại. Do các trường dạy nhiều quá mà lại không đáp ứng được với công nghệ của DN”. Theo ông Trung, có cơ chế mới mà ưu tiên cho ngành may thì DN hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng phối hợp với địa phương trong việc giúp CSDN để nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu DN.

Trước mắt là ngành may mặc, nhưng cơ chế về lâu dài là dành cho tất cả ngành nghề, vì thế các DN khi được khảo sát đều quan tâm đối với cơ chế này. Chẳng hạn như đối với ngành công nghệ ô tô, Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải với hệ thống nhà máy đủ ngành điện, cơ khí, may… sẵn sàng nhận nguồn lao động được đào tạo từ các CSDN khi đáp ứng yêu cầu. Một lãnh đạo của khu phức hợp này cho rằng các trường nghề nên có kế hoạch rõ ràng cho một năm tài chính của DN, ký kết hợp đồng rõ ràng là thời gian nào cần DN hỗ trợ cho học viên thực tập trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, nhà trường, DN không chỉ giúp cho địa phương giải quyết việc làm mà DN cũng giải quyết được bài toán nguồn nhân lực có tay nghề.

Với các ngành nghề phục vụ cho thương mại dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn…, theo một số DN thì việc đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Điểm yếu nhất chính là kỹ năng mềm dành cho nguồn nhân lực trong ngành này, gồm ngoại ngữ, giao tiếp ứng xử trong nhiều tình huống, thời gian phục vụ… Mỗi năm, Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An đều nhận nhiều người học nghề du lịch, nhà hàng vào thực tập tại công ty. Theo lãnh đạo công ty này, người học nghề ở các trường nghề vào thực tập hoặc làm việc ở công ty đều chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này đòi hỏi DN muốn có người làm phải đào tạo lại cho người lao động theo bộ tiêu chuẩn nghề của khách sạn, lữ hành và các dịch vụ khác theo tiêu chuẩn quốc tế. Quảng Nam là điểm đến hấp dẫn của du khách, lượng khách du lịch ngày càng cao nên yêu cầu phục vụ cũng phải liên tục thay đổi, người làm nghề dịch vụ phải biết ngoại ngữ để giao tiếp được với khách hàng, biết văn hóa, tập quán của khách đến từ mỗi nước khác nhau để phục vụ tốt hơn. Ông Huỳnh Phước Hai, Trưởng phòng Hành chính - nhân sự (Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An) góp ý: “Cơ chế mới rất cần thiết cho cả CSDN và DN, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Người lao động phải được đào tạo bài bản, đúng yêu cầu của thị trường để cạnh tranh không chỉ với nguồn lao động trong nước và cả khu vực ASEAN. Các CSDN phải đổi mới việc đào tạo hướng đến chuẩn quốc tế, phối hợp chặt chẽ với DN để cập nhật những thay đổi từ thị trường mà bổ sung vào chương trình đào tạo cho phù hợp”.

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO