Các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 miễn phí được mở trong thời gian gần đây thu hút nhiều ngư dân tham gia. Tuy nhiên, rất khó để ngư dân áp dụng kiến thức đã học vào thực tế bởi việc chuyển đổi nghề, vươn khơi khai thác xa bờ hiện gặp rất nhiều khó khăn.
|
Ngư dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ nhưng gặp khó khăn về vốn để đóng tàu.Ảnh: Q.VIỆT |
Thêm điều kiện vươn khơi
Những ngày qua, lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 miễn phí triển khai ở xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) diễn ra rất sôi nổi. Nhiều ngư dân đã đặt câu hỏi, trao đổi với giảng viên đứng lớp những vấn đề gặp phải trong quá trình hoạt động trên biển. Anh Lê Minh Phụng (thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh) hồ hởi: “Quanh năm khai thác ven bờ bằng thuyền công suất nhỏ, chúng tôi chưa hề được đào tạo các kỹ năng lao động trên biển cũng như các quy định cụ thể về các ngư trường đánh bắt. Khi nhận được thông tin có thể đăng ký và học tập tại lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4, chúng tôi rất háo hức. Nếu được cấp bằng, chúng tôi sẽ có điều kiện vươn khơi xa sản xuất trên biển”.
Tại các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 miễn phí khác được Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh phối hợp với trường Đại học Thủy sản Nha Trang mở tại các huyện Thăng Bình, Điện Bàn hay TP.Hội An, nhiều ngư dân cũng tích cực hưởng ứng. “Khai thác hải sản đã 20 năm qua nhưng chúng tôi không hề được biết thế nào là các quy tắc xử lý cứu nạn, cứu hộ trên biển. Các nghiệp vụ khí tượng hải dương; khai thác và bảo vệ hải sản; các nghiệp vụ pháp lý hàng hải, điều động tàu, cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng... chúng tôi lại càng không biết. Với các kiến thức được học theo chương trình, có thể một ngày nào đó chúng tôi sẽ được vươn đến sản xuất tại các ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa hay Hoàng Sa của Tổ quốc” - ngư dân Phan Thành (thôn Hà My, xã Điện Dương, Điện Bàn) chia sẻ.
Sau khi được cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4, nhiều ngư dân có nhu cầu vươn khơi bám biển để tăng thu nhập. Được cấp bằng qua khóa đào tạo do Trung tâm Đăng kiểm và tư vấn nghề cá (Cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản) phối hợp với Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam tổ chức), ông Trần Xuân Thâm (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) đã làm tài công cho một tàu công suất lớn của TP.Đà Nẵng lao động tại vùng biển Trường Sa. Ông mong muốn được làm chủ một tàu có công suất lớn để sản xuất trên các vùng biển xa nhưng luôn gặp khó khăn do không huy động được nguồn vốn lớn để đầu tư phương tiện.
Khó chuyển nghề
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, 35 ngư dân theo học lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 đều là chủ tàu có công suất dưới 90CV. Lớp học đã đáp ứng được nguyện vọng của nhiều ngư dân, tuy nhiên rất khó để có thể giúp họ chuyển đổi nghề, vươn khơi khai thác xa bờ. “Muốn chuyển đổi nghề từ khai thác gần bờ sang xa bờ thì tàu phải có công suất lớn, điều này rất khó thực hiện được tại địa phương. Thời gian qua, chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên với hy vọng ngư dân được tiếp cận các khoản vay ưu đãi để đóng mới tàu lớn hoặc cải hoán nâng cấp tàu có công suất 90CV trở lên nhưng do nguồn lực có hạn nên ngư dân trên địa bàn tỉnh khó tiếp cận được các khoản vay ưu đãi” - ông Bình nói.
Là chương trình dạy nghề thuộc Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh, từ nay cho đến hết năm 2013, Quảng Nam sẽ mở thêm 6 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 miễn phí. Nhiều ý kiến cho rằng, các kiến thức được dạy từ các lớp đào tạo này sẽ khó có điều kiện ứng dụng vào thực tế, bởi một khi đã được học các kiến thức phục vụ mục đích đánh bắt xa bờ mà ngư dân trở lại lao động bằng các nghề khai thác gần bờ thì chỉ một thời gian ngắn họ có thể quên đi những gì đã được học. Đây là một sự lãng phí rất lớn đối với ngân sách nhà nước. Vấn đề mấu chốt để chương trình đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 đạt hiệu quả là phải gắn với nhu cầu của đời sống. Trong khi đó, khi được giao chỉ tiêu đào tạo nghề về địa phương thì nhiều địa phương dường như chỉ chú trọng đến “phong trào” dạy nghề. Điều cần thiết nhất là khi học xong, ngư dân sẽ sử dụng kiến thức đã được học như thế nào, họ sẽ sản xuất trên vùng biển nào, hiệu quả ra sao thì hầu như đã bị bỏ ngỏ trong thời gian qua.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chỉ có một bộ phận nhỏ ngư dân đánh bắt xa bờ hiệu quả mới đóng thêm tàu có công suất lớn chứ chưa có ngư dân đánh bắt gần bờ nào có thể chuyển đổi nghề để sản xuất ở vùng biển xa. Đã một năm được đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 (do Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Đăng kiểm và tư vấn nghề cá tổ chức), chưa có ngư dân nào của xã Bình Minh chuyển đổi được nghề. Chuyện học xong… bỏ đó sẽ khó tránh khỏi đối với các ngư dân xã Tam Thanh hay Điện Dương, Cửa Đại - những địa phương cũng đang rục rịch cấp bằng cho học viên.
NGUYỄN QUANG VIỆT