Người dân thôn 3 (xã Tiên An, Tiên Phước) phản ánh tình trạng sạt lở bờ sông Trạm, sạt lở vườn tược, nhà ở do khai thác cát sỏi là có sơ cở. Chính quyền địa phương, ngành tài - nguyên môi trường và doanh nghiệp đã vào cuộc nhưng cách thực hiện mới chỉ là tình thế, cần tính đến giải pháp bền vững để ngăn sạt lở hiệu quả và ổn định an cư cho người dân.
Đắp đường để gia cố
Người dân sinh sống ven khu vực sông Trạm cho biết, khi làm nhà định cư họ đã tốn rất nhiều công sức, tiền của đắp đất làm nền nhà cao ráo. Thế nhưng vào mỗi mùa mưa lũ, nước sông Trạm vẫn dâng cao sát vườn nhà.
Đáng nói, do tình trạng khai thác cát sỏi những năm qua, lòng sông bị “rút ruột” nên người dân sống ven sông luôn đối diện với nỗi lo nguy cơ sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến nhà ở.
“Tôi và nhiều hộ dân phản ánh tình trạng sạt lở vì nơm nớp lo sợ ngôi nhà sẽ bị nuốt chửng. Rất mong chính quyền, doanh nghiệp vào cuộc có biện pháp khắc phục triệt để nhằm ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân” - bà Trần Thị Như Ánh, hộ dân sống ven sông Trạm thuộc thôn 3, xã Tiên An nói.
Theo ông Nguyễn Phú Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên An, nước sông Trạm dâng rất cao vào mỗi mùa mưa lũ. Người dân sinh sống ven sông Trạm lo lắng sợ sạt lở nhà ở là có cơ sở.
Sau khi chính quyền xã báo cáo, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện phối hợp với Công an huyện, Chi cục Thuế khu vực Trà My - Tiên Phước và UBND xã tiến hành kiểm tra tình hình khai thác cát sỏi ở khu vực sông Trạm.
Qua kiểm tra, đoàn công tác xác nhận, khai thác cát sỏi của Công ty TNHH Công nghệ nước và môi trường Thiên Long đúng ranh giới, vị trí, diện tích được UBND tỉnh cấp phép.
Đoàn công tác đã yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng khai thác cát sỏi trong vòng 20 ngày (ngày 11/5/2023 đến ngày 31/5/2023), lập phương án kè, đắp đường gia cố tại các vị trí có nguy cơ sạt lở để bảo vệ.
Đến ngày 6/6/2023, tại thực địa các khu đất của người dân có nguy cơ sạt lở, UBND xã Tiên An đã khảo sát việc đắp đường gia cố của doanh nghiệp với sự tham gia của các hộ dân phản ánh sạt lở trước đây.
Biên bản làm việc thể hiện Công ty TNHH Công nghệ nước và môi trường Thiên Long đã đắp xong đường gia cố dài 100m, rộng 5 - 7m, chiều cao 1 - 2m. Người dân chứng kiến, thống nhất với phương án gia cố nói trên và ký vào biên bản làm việc. Cũng theo ông Nguyễn Phú Hoàng, từ đó đến nay người dân chưa có khiếu nại gì thêm.
Cần giải pháp bền vững
Theo khảo sát của chúng tôi, bề rộng và chiều cao của con đường dọc sông Trạm để gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở thời điểm này không đúng thông số như trong biên bản đã ghi. Mặt đường rất thấp, chỉ được đắp bằng cát, chỗ có sỏi, chỗ không có sỏi, không đảm bảo chức năng kè bảo vệ.
Một hộ dân khu vực nói: “Sau khi doanh nghiệp đắp đường, chúng tôi nhận thấy công trình không đảm bảo chức năng kè, chống sạt lở. Chỉ cần nước ngập băng qua đường là con đường mất đi rất nhanh”.
Một vấn đề nữa, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tiên Phước là đơn vị đề nghị Công ty TNHH Công nghệ nước và môi trường Thiên Long làm kè chống sạt lở, nhưng lại không có đại diện tham gia kiểm tra thực địa và lập, ký biên bản đắp đường gia cố chống sạt lở.
Khi được hỏi con đường gia cố có thể trôi đi bất kể lúc nào vào mùa mưa lũ sắp tới, ông Nguyễn Phú Hoàng nói, theo hợp đồng, Công ty TNHH Công nghệ nước và môi trường Thiên Long còn khai thác cát sỏi nhiều năm nữa nên nếu như con đường bị nước cuốn đi thì doanh nghiệp lại phải khắc phục.
Khai thác cát sỏi khiến lòng sông Trạm sẽ ngày càng sâu hơn, bờ sông cao và dốc hơn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao. Dự lường nguy cơ là điều cấp thiết, bởi ở thời điểm này, vết tích sạt lở khá lớn đã xuất hiện trong khu vườn của nhà người dân khu vực này.
Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, thời gian đến chính quyền huyện tiếp tục yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan của huyện và xã Tiên An kiểm tra, giám sát việc khai thác cát sỏi của Công ty TNHH Công nghệ nước và môi trường Thiên Long, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Điều đó cần nhưng chưa đủ. Chính quyền huyện Tiên Phước cần khảo sát, đánh giá lại tác động của việc khai thác cát sỏi, ảnh hưởng về lâu dài của nó đến sạt lở bờ sông Trạm cũng như những mối nguy sạt lở đe dọa nhà ở và đất đai của người dân. Giải pháp bền vững là tính toán thi công kè thực chất thay cho đắp đường gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở, để thật sự bảo vệ an cư của người dân.