Trong đông y, cách đắp thuốc lên rốn là một cách chữa bệnh độc đáo. Bác sĩ Lê Thân – Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã lý giải về phương thức chữa bệnh này.
Đắp thuốc lên rốn để chữa bệnh là một phương cách độc đáo của y học cổ truyền, cũng giống như chẳng khác nào uống thuốc qua miệng. Đây là phương pháp rất đơn giản, dễ nắm vững ở những nơi thiếu thầy, ít thuốc lại càng nên phổ cập rộng rãi. Với một số bệnh thông thường cho phép điều trị bằng cách đắp lá thuốc lên rốn vẫn được khuyến cáo ứng dụng. Sau đây là một vài ứng dụng đó:
1. Chữa chứng nhiều mồ hôi: Người ra mồ hôi nhiều, thêm các chứng như sợ gió, thân hình tê nhức, lúc nóng lúc rét, tinh thần mệt mỏi kém ăn. Dùng phương thuốc sau: ngũ bội tử, nghệ, hai thứ liều lượng bằng nhau, đem tán mịn trộn đều cất vào lọ dùng dần; mỗi lần lấy một ít thuốc trộn với mật ong cho đều và đắp lên rốn sau đó dùng gạc sạch phủ lên và dùng băng dính cố định lại; sau 7 ngày nghỉ 3 ngày rồi lại tiếp tục làm như cũ.
2. Chữa trẻ con đái dầm: Chữa đái dầm bằng cách đắp thuốc lên rốn có hiệu quả tốt dễ áp dụng trong điều kiện gia đình, không gây đau đớn và trẻ em dễ dàng tiếp thu, nếu trong nhà có trẻ đái dầm có thể chữa bằng một trong các bài thuốc sau:
Bài 1: Đinh hương, nhục quế, ngũ bội tử, ngũ vị tử, bổ cốt chỉ: mỗi thứ 30 gam, tất cả đem nghiền mịn, trộn đều, cất vào lọ nút kín để dùng dần. Mỗi lần dùng 4 - 8 gam, trộn với rượu trắng, đắp lên rốn, lấy gạc hoặc vải mùng phủ lên, sau đó dùng băng dính cố định lại; mỗi tối trước khi đi ngủ thay thuốc một lần, cứ như vậy cho đến khi khỏi.
Bài 2: Ma hoàng 2 phần, nhục quế và ích trí nhân mỗi thứ một phần; tất cả nghiền mịn trộn đều mỗi lần dùng 3g bột thuốc, trộn với chút giấm ăn để nặn thành bánh đắp lên rốn và dùng băng dính cố định lại. Sau 36 giờ bỏ ra, 6 giờ sau lại đắp thuốc giống như lần trước. Sau 3 lần như vậy về sau mỗi tuần chỉ cần đắp thuốc một lần.
3. Trị thương hàn về mùa đông, mồ hôi không ra được, uống thuốc giải biểu mà mồ hôi vẫn không ra: Dùng gừng, hành cả rễ và đậu xị, mỗi thứ lượng bằng nhau, giã nhỏ nặn thành bánh đặt lên rốn, lấy vải buộc chặt cho ra mồ hôi thì thôi.
4. Trúng hàn: Hành củ giã nát, sao nóng, lấy vải bọc đem chườm lên rốn, nguội thì đổi cái khác.
5. Trị đại tiện táo: Hành trắng (cả cọng và rễ) ba tép, gừng sống một củ bằng ngón tay, đậu sị 21 hạt, muối một nhúm, giã chung cho nát, làm thành bánh hơ lửa nóng chườm lên rốn, nguội thì hơ lại chườm tiếp. Trị đại tiện bí kết: ốc bươu to 2 - 3 con dùng cả vỏ, muối 1 chén con, cùng giã nát, đắp vào rốn dày 1 tấc 3 phân, dùng vải buộc chặt.
6. Trị một tinh hoàn trệ xuống, gân rút đau nhiều: Đổ muối vào giữa lỗ rốn dày nửa tấc, lấy mồi ngải (ngải cứu) đặt lên trên lớp muối mà đốt cho được nhiều mồi, để cho khí thấu vào là lành.
7. Trị chứng tự nhiên ra mồ hôi: Hà thủ ô tán nhỏ hòa với nước miếng đặt vào lỗ rốn.
8. Trị trẻ con khóc đêm: Hạt bìm bịp đen một đồng cân (#4 gam), tán nhỏ hòa với nước bôi ở rốn.\
9. Sản hậu sau khi sinh máu hôi ra không hết công vào trong sinh đau bụng: Ngải cứu khô một vốc giã nát sao với giấm cho nóng rịt lên lỗ rốn lấy vải phủ lên dùng âu đồng ở trong đựng than đỏ chườm lên trên đợi trong miệng có hơi ngải cứu thì chỗ bụng đau tự khỏi.
Tâm An (ghi)